Hồ Chí Minh với công tác tư tưởng

06:07, 31/07/2020

Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta mà còn là nhà tư tưởng vĩ đại. Người đã tiếp thu tinh hoa về tư tưởng của nhân loại trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin và những truyền thống dân tộc...

Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta mà còn là nhà tư tưởng vĩ đại. Người đã tiếp thu tinh hoa về tư tưởng của nhân loại trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin và những truyền thống dân tộc. Sự trưởng thành mạnh mẽ và những thành tựu của công tác tư tưởng trong 90 năm qua đều bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng của Người. Hồ Chí Minh đã thực hiện quá trình tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và Người đã khởi xướng quá trình đổi mới ở Việt Nam trên cả lĩnh vực tư tưởng.
 
Ngay từ những năm hoạt động ở nước ngoài, Người đã viết hàng trăm bài báo để thức tỉnh dân tộc. Người về Quảng Châu, Trung Quốc, từ năm 1925 đến 1927, đã mở lớp huấn luyện chính trị cho hơn 200 thanh niên yêu nước để chuẩn bị mở lớp lý luận và tổ chức cho việc thành lập Đảng. Người tuyên truyền không mệt mỏi cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
 
Hồ Chí Minh không những là vị Tổng tư lệnh tối cao trên mặt trận tư tưởng mà còn là người chiến sĩ tiên phong. Người đã viết hơn 2.000 bài báo, hàng chục cuốn sách về lý luận và tổng kết thực tiễn. Người là nhà nghiên cứu, nhà báo, giảng viên lý luận chính trị và là nhà cổ động nhiệt thành cho sự nghiệp cách mạng.
 
Lý luận về công tác tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống các quan điểm về các vấn đề cơ bản của công tác tư tưởng. Đó là việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, truyền bá hệ tư tưởng, xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan, niềm tin cổ vũ quần chúng, xây dựng con người mới, góp phần xây dựng Đảng về tổ chức, xác định nội dung và phương pháp công tác tư tưởng.
 
Hồ Chí Minh luôn khẳng định công tác tư tưởng là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là một sức mạnh to lớn, một vũ khí sắc bén trong sự nghiệp cách mạng. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945, xét ở chiều sâu nhất của nó, không thể không nói đến thắng lợi của Đảng ta trên mặt trận công tác tư tưởng, công tác giác ngộ, giáo dục, động viên, tập hợp và tổ chức quần chúng cách mạng vùng dậy lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước Việt Nam kiểu mới.
 
Trong 30 năm kháng chiến (1945-1975) chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thành tựu lớn nhất của công tác tư tưởng là đã góp phần trực tiếp nuôi dưỡng, xây dựng, phát triển sức mạnh nhân tố con người Việt Nam trong cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ để giành chiến thắng; là phát huy, phát triển chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam lên đỉnh cao mới, đáp ứng những đòi hỏi gay gắt của thời kỳ lịch sử mới.
 
Trong thời kỳ đổi mới từ 1986 đến nay, Đảng ta đã vận dụng những lý luận kinh nghiệm công tác tư tưởng của Hồ Chí Minh, trực tiếp góp phần hình thành, xác định và phát triển đường lối đổi mới, khơi dậy sức sáng tạo, niềm tin của quần chúng, tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa đất nước vượt qua khó khăn hiểm nghèo, làm nên những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.
 
Trở lại giai đoạn đầu của hoạt động tư tưởng, trong cuốn “Đường kách mệnh”, Người viết: “Sách này chỉ ước ao cho đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh dậy rồi thì đứng lên đoàn kết nhau làm cách mệnh”. Sự thức tỉnh ý thức của một dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác tư tưởng để chuẩn bị cho giai đoạn sau: Giành và giữ chính quyền. Song, không phải đến khi giành được chính quyền mới đặt vị trí của công tác tư tưởng trong chủ nghĩa nhân văn. Ngay từ đầu, Người đã chỉ ra rằng hoạt động tư tưởng chính trị là nội dung của giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Chính vì vậy, mà tư tưởng xuyên suốt của Người là sự nghiệp giải phóng đòi hỏi phải đánh đuổi các loại kẻ thù: giặc ngoại xâm, giặc dốt, giặc đói. Người đặt công tác tư tưởng trong sự nghiệp văn hóa. Hồ Chí Minh nêu ra năm điểm xây dựng nền văn hóa dân tộc chính là năm nội dung của công tác tư tưởng. Đó là: tinh thần độc lập tự cường; biết hy sinh mình làm lợi cho quần chúng; mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của Nhân dân trong xã hội; dân quyền; xây dựng kinh tế.
 
Hồ Chí Minh tiến hành công tác tư tưởng bao hàm một phạm vi rộng lớn: từ việc nghiên cứu lý luận tổng kết thực tiễn, nâng cao dân trí, truyền bá hệ tư tưởng, đến công tác thông tin, tuyên truyền cổ động. Hồ Chí Minh khẳng định: lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng.
 
Cần nhấn mạnh rằng, công tác tư tưởng chạm đến nhận thức, tình cảm và trí tuệ của con người. Ở đây, điểm xuất phát trong công tác tư tưởng của Hồ Chí Minh là lòng tin vào con người, tin vào những gì tốt đẹp và cao thượng của con người. Người thường nói: “Mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”. Nếu như Hê ghen cho cái ác mạnh hơn cái thiện thì Hồ Chí Minh lại tin cái thiện mạnh hơn cái ác, phần xấu sẽ mất dần đi. Chính niềm tin đó là cơ sở đưa đến những quan niệm cách mạng và khoa học của Người về công tác tư tưởng.
 
Nghiên cứu lý luận tổng kết thực tiễn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng. Do đó, Hồ Chí Minh rất chăm lo đến công tác lý luận. Lý luận cách mạng là yếu tố tiên quyết làm nên sự vững mạnh của Đảng: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy, Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy, Đảng mà không có chủ nghĩa ấy cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Người căn dặn: “Những cán bộ cao cấp và trung cấp mà có sức nghiên cứu lý luận (trình độ văn hóa khá, ham nghiên cứu), thì ngoài việc học tập chính trị và nghề nghiệp đều cần học thêm lý luận”. Nhưng Hồ Chí Minh phân ra làm hai loại: “Lý luận suông vô ích” và “lý luận thiết thực, có ích”.
 
Một điều có ý nghĩa phương pháp luận trong công tác tư tưởng là Hồ Chí Minh không dừng lại ở những nguyên lý lý luận mà Người chuyển những nguyên lý đó thành chuẩn mực đạo đức xã hội. Những chuẩn mực được Hồ Chí Minh nêu ra có giá trị hướng dẫn hành vi con người qua nhiều thế hệ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. “Học để làm việc, để làm người”, “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”… Chính Người đã mở rộng nội dung của giáo dục lý luận chính trị sang lĩnh vực giáo dục đạo đức.
 
Trong phương pháp, Hồ Chí Minh chú ý đến phương pháp thuyết phục. Người cho rằng thuyết phục phải “có lý, có tình”. Xuất phát từ lòng tin vào con người, vào đặc điểm của mỗi người, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến phương pháp nêu gương, Người viết: “nói chung thì các dân tộc phương Đông phần nhiều là giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Từ quan niệm đó, Người chỉ đạo biên soạn những tập sách “Người tốt việc tốt” cho mọi người noi theo.
 
Hồ Chí Minh đã nêu ra quan điểm, phương pháp tư tưởng tự phê bình và phê bình có hiệu quả, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Người chỉ rõ: “Phê bình thì phải phê bình thật thà, chân thành đúng đắn, chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền”.
 
Hiện nay, cuộc đấu tranh tư tưởng hết sức phức tạp. Các thế lực thù địch tung ra các quan điểm sai trái, vu cáo, bịa đặt hòng phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta, làm cho cán bộ và Nhân dân ta mất phương hướng về chính trị, tư tưởng để chúng dễ dàng thực hiện “tự diễn biến” trong nội bộ ta. Trong bối cảnh đó, chúng ta càng thấy giá trị to lớn của di sản quý báu về các phương pháp chống lại sự phá hoại về tư tưởng của các lực lượng thù địch, chống lại chiến tranh tâm lý do Bác Hồ để lại. Người chỉ rõ: “Không những kẻ thù tiến hành chiến tranh xâm lược bằng quân sự, chúng còn gây chiến tranh bằng tuyên truyền. Chúng dùng báo chí và phát thanh hàng ngày, tranh ảnh và sách vở in rất đẹp, các nhà hát, các trường học, các lễ cúng bái ở nhà thờ và chùa chiền, các cuộc họp… để tuyên truyền. Chúng lợi dụng tôn giáo, phong tục, tập quán, chúng bịa đặt những cái xấu và những tin đồn nhảm để tuyên truyền… Nhất là chúng lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ ta để tuyên truyền”. Do đó, Người căn dặn: “Phải nêu những cái xấu của nó ra… sự hung ác, xấu xa của chúng nó rất nhiều, nếu biết gom góp tài liệu thì tha hồ mà viết. Có những việc chúng nó là bên ngoài thì như là tốt, mà bên trong thì thật là xấu, ta phải giải thích cho Nhân dân ta hiểu”.
 
Công tác tư tưởng là lĩnh vực hoạt động rộng lớn. Kho tàng lý luận về hoạt động thực tiễn về công tác tư tưởng của Hồ Chí Minh phong phú và là tài sản quý báu của Đảng và Nhân dân ta. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, những cán bộ làm công tác tư tưởng của Đảng tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, hăng hái học tập, cải tiến phương pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ hướng tới đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
 
KHUẤT MINH PHƯƠNG