Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19

06:08, 02/08/2020

(LĐ online) - Chiều 2/8, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tinh thần chống dịch như chống giặc. Mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch, mỗi người dân trong vùng dịch là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch".

(LĐ online) - Chiều 2/8, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tinh thần chống dịch như chống giặc. Mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch, mỗi người dân trong vùng dịch là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch”.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: chinhphu.vn
 
Tại điểm cầu Lâm Đồng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến và Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt cùng chủ trì hội nghị, với sự tham dự của lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
 
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt báo cáo trước hội nghị trực tuyến về tình hình thời gian qua du khách đến Lâm Đồng rất đông tạo điều kiện phát triển địa phương. Gần đây có tin một giám đốc người Nhật về nước nhắn tin nhiễm Covid-19, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo triển khai rà soát đưa các đối tượng tiếp xúc gần, cách ly tập trung, cách ly tại gia đình và tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. 
 
Địa phương kiên quyết xử lý tình huống, với tinh thần chuẩn bị sẵn sàng chu đáo, kể cả ứng phó tình huống xấu xảy ra. Trên các tuyến quốc lộ đã chỉ đạo thiết lập 2 trạm kiểm tra sức khỏe du khách đường bộ đến Lâm Đồng. Cảng hàng không Liên Khương giảm 30% số khách đến Đà Lạt - Lâm Đồng, lượng khách du lịch đã giảm, hủy tour với hơn 16.000 phòng lưu trú… 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt báo cáo tại hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ về tình hình phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt báo cáo tại hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ về tình hình phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương
 
Dự báo dịch bệnh gia tăng và lây lan nhanh 
 
Việt Nam ghi nhận hiện có 590 trường hợp mắc Covid-19; trong đó, có 323 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam, 5 trường hợp tử vong. Sau 99 ngày không phát hiện trường hợp nhiễm tại cộng đồng, từ ngày 25/7 đến nay, cả nước đã có thêm 175 trường hợp mắc được ghi nhận; trong đó, có 144 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng tại 7 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Hà Nội, Thái Bình. 
 
Nhận định tình hình dịch: Do dịch bệnh tại Đà Nẵng có khả năng xuất hiện từ đầu tháng 7 và đã qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm với 2 thời điểm có thể gây bùng phát dịch là từ ngày 5-8/7 và từ ngày 16-20/7. Tại Đà Nẵng, có khả năng có nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau và còn nhiều trường hợp mắc bệnh khác hiện đang ở ngoài cộng đồng; đồng thời, việc truy vết F0 là rất khó khăn.
 
Các trường hợp bệnh được ghi nhận trong cộng đồng tới thời điểm hiện tại hầu hết đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch tại các bệnh viện của TP Đà Nẵng với 138/144 trường hợp là các bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế và các trường hợp có tiếp xúc gần với các trường hợp nói trên.
 
Thời gian qua là cao điểm của mùa du lịch và có rất nhiều hành khách từ các địa phương đã đi và đến Đà Nẵng. Có khoảng 1,4 triệu người đã đến TP Đà Nẵng từ ngày 1-29/7; trong đó, có khoảng 800 ngàn người có đi đến khu vực 3 bệnh viện tại TP Đà Nẵng (khoảng 46.000 trường hợp đến khám, chữa bệnh tại 3 bệnh viện). Các trường hợp đến Đà Nẵng từ tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Do vậy, nguy cơ xuất hiện các trường hợp mắc tại các địa phương khác là rất cao, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
 
Hiện tại, với số liệu về các trường hợp mắc bệnh đã được ghi nhận, có thể nhận định nguồn lây nhiễm chính là tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng với mức độ lây nhiễm rất cao và lây lan ra cộng đồng tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa phương. 
 
Dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng và lây lan nhanh tại nhiều địa phương trên cả nước. Số trường hợp mắc được phát hiện sẽ vẫn tập trung lớn là các trường hợp có liên quan dịch tễ đến Bệnh viện Đà Nẵng và tiếp tục ghi nhận các trường mắc tại cộng đồng tại các địa phương khác. Đồng thời, có thể sẽ có thêm các trường hợp tử vong do có nhiều bệnh nhân đã có bệnh lý nền rất nặng. Tình hình dịch bệnh hiện nay rất phức tạp và khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Khoanh vùng, phun hóa chất khử khuẩn phòng dịch tại Trường Đại học Đà Lạt
Khoanh vùng, phun hóa chất khử khuẩn phòng dịch tại Trường Đại học Đà Lạt
 
Các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 thời gian tới
 
Trước diện biến phức tạp của dịch, Bộ Y tế đề xuất các biện pháp như: Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia, quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc, phát huy trách nhiệm của chính quyền cơ sở, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
 
Triển khai quyết liệt, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch, kiên định 5 nguyên tắc phòng, chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác điều trị và thực hiện triệt để phương châm 4 tại chỗ.
 
Khẩn trương, tăng tốc thực hiện việc truy vết các trường hợp đi về từ TP Đà Nẵng từ ngày 1/7 đến ngày 28/7 và các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế. Các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành ngay việc cách ly y tế phù hợp theo quy định, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe. Huy động các cơ sở có khả năng thực hiện xét nghiệm, thực hiện việc thanh toán bảo hiểm y tế cho xét nghiệm Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
 
Mở rộng năng lực thực hiện xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm, huy động các cơ sở y tế có khả năng thực hiện xét nghiệm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân để triển khai xét nghiệm trên diện rộng.
 
Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị đảm bảo cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh; triển khai áp dụng các quy trình, phân luồng, phân tuyến tránh lây lan trong các cơ sở y tế, thực hiện điều trị hiệu quả và tăng cường phối hợp, trao đổi chuyên môn kỹ thuật giữa các tuyến trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19.
 
Tăng cường năng lực, thành lập các tổ, đội giám sát cách ly, theo dõi sức khỏe người dân tại cộng đồng, giao trách nhiệm phụ trách các hộ dân trên địa bàn; giao chính quyền cơ sở tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại từng khu phố, từng hộ gia đình, thành lập các tổ phòng chống dịch dựa vào cộng đồng; phối hợp với các lực lượng công an, y tế thực hiện phương châm đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng với tất cả các trường hợp có nguy cơ mắc bệnh không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
 
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Kêu gọi người dân chủ động khai báo y tế, theo dõi tình hình sức khỏe và yêu cầu liên hệ để được xét nghiệm. 
 
PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THI TỐT NGHIỆP THPT CHIA 2 ĐỢT
 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tình hình chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đã cơ bản chuẩn bị hoàn tất. Mục tiêu tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn tuyện đối, hầu hết địa phương báo cáo chuẩn bị chu đáo sẵn sàng kỳ thi, riêng Đà Nẵng và Quảng Nam xin đặc cách xét tuyển, dừng kỳ thi tốt nghiệp. Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT chia 2 đợt: Đợt 1, những địa phương không nguy cơ cao thực hiện thi theo kế hoạch. Đợt 2, những địa phương nguy cơ cao như: Đà Nẵng, Quảng Nam chia ra thi đợt 2. Đối với các em thuộc trường hợp nguy cơ F1, F2 thi đợt 2 cùng với nhóm tỉnh nguy cơ cao.
 
Ý kiến Thủ tướng nhấn mạnh khi nào đảm bảo an toàn mới tổ chức thi tốt nghiệp. Ý kiến của một số đại biểu có nêu trong Luật Giáo dục Đại học không quy định bắt buộc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia mà do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo quyết định tổ chức kỳ thi, vì vậy, nên xem xét lại việc tổ chức kỳ thi trong tình hình dịch Covid-19. 
 
Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương ý kiến về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thẩm quyền hoàn toàn do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định sao cho phù hợp với tình hình dịch bệnh của các địa phương trong giai đoạn 2 này. 
 
Đề xuất tăng cường biện pháp phòng chống Covid-19
 
Bộ Y tế đề nghị Thủ tướng xem xét và ban hành văn bản mới về tăng cường, nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19, với một số nội dung chính như sau: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như phải đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt tại nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng; hạn chế tập trung, tụ tập đông người; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.
 
Phát hiện sớm, tổ chức xét nghiệm ngay các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh, kể cả người có biểu hiện ho, sốt, viêm đường hô hấp trong cộng đồng.
 
Trên tinh thần bảo đảm an toàn, ngăn ngừa dịch bệnh, xem xét quyết định theo thẩm quyền việc tạm dừng các hoạt động lễ hội lớn, nghi lễ tôn giáo có tập trung đông người, tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường…) và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác trên địa bàn. 
 
Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ được hoạt động phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm khoảng cách khi tiếp xúc. Nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động.
 
Thường xuyên rà soát, cập nhật phương án phòng, chống dịch trên địa bàn; bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. 
 
Rà soát, nâng cao năng lực các cơ sở cách ly hiện có, có phương án huy động các cơ sở lưu trú, trường học, các địa điểm công cộng làm khu cách ly, bảo đảm sẵn sàng thực hiện cách ly số lượng lớn các trường hợp nghi nhiễm trên địa bàn. 
 
Cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định việc tổ chức các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: Đeo khẩu trang, sát trùng tay, ngồi giãn cách; thực hiện giám sát về y tế; không tổ chức liên hoan, tiệc mừng.
 
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ, cụ thể như sau:
 
- Đối với các tỉnh, thành phố, địa bàn có nguy cơ cao: Yêu cầu mọi người dân phải ở tại nhà, chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác. Khi ra ngoài phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi tiếp xúc.
 
- Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân. Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.
 
Tổ chức làm việc tại nhà, trực tuyến phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
 
- Đối với tỉnh, thành phố có nguy cơ: Khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét khi tiếp xúc.
 
- Đối với tỉnh, thành phố có mức nguy cơ thấp: Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét khi tiếp xúc.
 
AN NHIÊN