Bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng

06:08, 03/08/2020

Góp gần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thời gian qua, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Đà Lạt đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Góp gần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thời gian qua, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) thành phố Đà Lạt đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, từng bước xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
 
Trao đổi về nội dung này, Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện KSND TP Đà Lạt Trần Hà Lâm cho biết: Thời gian qua, đơn vị luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ hết sức quan trọng cần được quan tâm, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, thống nhất, có hiệu quả từ nhận thức đến hành động của cán bộ, công chức, viên chức trong việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí.  Theo đó, cùng với việc phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành, chúng tôi còn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức cấp cơ sở, nhằm ngăn chặn, phòng ngừa có hiệu quả những hành vi tham nhũng. Từ đó, tiến hành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, củng cố đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở liêm chính, có chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Thực hiện kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Đồng thời, chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp cơ sở trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Thực hiện ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động gây lãng phí, thất thoát kinh phí và tài sản trong cơ quan, đơn vị cơ sở...
  
Kinh nghiệm thứ hai theo Viện trưởng Viện KSND thành phố Đà Lạt là cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hoàn thiện các quy định để quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thu chi ngân sách của chính quyền cấp cơ sở; các khoản chi cho đầu tư xây dựng, chi thường xuyên, chi phí hội nghị, lễ hội, tiếp khách. Công khai các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và việc thực hiện chế độ định mức tiêu chuẩn sử dụng tài sản công của cán bộ, công chức cấp cơ sở trước hết là người đứng đầu cơ quan tổ chức đơn vị; minh bạch tài sản thu nhập, việc thực thi công vụ ở những vị trí trực tiếp giải quyết yêu cầu của công dân và doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực gắn liền với quyền lợi của người dân, doanh nghiệp như: đất đai, tài nguyên, thuế, ngành nghề kinh doanh nhạy cảm... Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức - cán bộ thuộc cấp cơ sở để phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng là nội dung đáng lưu ý. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ trong các đơn vị thuộc hệ thống chính trị cơ sở, nhất là trong các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật. Tăng cường dân chủ ở cơ sở. Kịp thời điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều dư luận, biểu hiện tham nhũng, lãng phí, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của hệ thống chính quyền cấp cơ sở. 
 
Việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng là nội dung được Viện KSND thành phố Đà Lạt đặc biệt chú trọng. Theo đó, đơn vị thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức, nhất là việc thực thi công vụ những vị trí trực tiếp giải quyết yêu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của chính quyền cấp cơ sở. Tăng cường vai trò của các cơ quan trong hệ thống chính trị cơ sở đối với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhằm ngăn ngừa, phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với những hành vi tham nhũng, tiêu cực... 
 
Một kinh nghiệm được đại diện Viện KS nêu lên tại hội nghị tổng kết công tác kiểm tra - giám sát của Đảng của TP Đà Lạt và được đánh giá cao đó là cần tăng cường vai trò giám sát trong công tác phòng, chống tham nhũng. Cần có biện pháp bảo vệ an toàn và kịp thời biểu dương, khen thưởng những cán bộ, đảng viên, công chức và Nhân dân dũng cảm tố cáo, phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và có chính sách truyền thông đúng đắn, phát huy vai trò và trách nhiệm của bộ phận tuyên truyền trong phòng, chống tham nhũng. Mặt khác, duy trì thường xuyên công tác phòng, chống tham nhũng, có biện pháp chặt chẽ, không để sơ hở trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ đối với tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị, đúng như Đảng ta đã xác định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.
 
HÀ NGUYỆT