(LĐ online) - Sáng 10/9, Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo góp ý Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
(LĐ online) - Sáng 10/9, Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo góp ý Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
|
Toàn cảnh hội thảo |
Hội thảo dưới sự chủ trì của Đại biểu K’Nhiễu - Ủy viên Hội Đồng dân tộc của Quốc hội, cùng sự tham dự của các sở, ngành liên quan, thành viên Tổ tư vấn pháp luật...
Các đại biểu tham dự hội thảo cơ bản tán thành với việc cần thiết phải tiến hành sửa đổi để khắc phục hạn chế, bất cập của Luật. Các đại biểu đã tập trung góp ý vào các vấn đề nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, tập trung góp ý đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau. Thảo luận quy định về nguyên tắc xử phạt đối với trường hợp “vi phạm hành chính nhiều lần bị xử phạt về từng hành vi vi phạm” để thống nhất với quy định hành vi vi phạm hành chính nhiều lần là tình tiết tăng nặng.
Về hành vi bị nghiêm cấm, chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình dẫn đến tình trạng “phạt cho tồn tại”, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể là “không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt, thi hành biện pháp khắc phục hậu quả”; về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm xin được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ.
Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, một số ý kiến đề nghị cần rà soát các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để quy định phù hợp. Không quy định thẩm quyền xử phạt của “Trưởng phòng an ninh đối nội” thuộc Công an cấp tỉnh, vì cơ quan này không có chức năng đấu tranh, phòng chống vi phạm hành chính.
Về Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy (sửa đổi, bổ sung Điều 90 và Điều 96 của Luật Xử lý vi phạm hành chính ), đề nghị áp dụng theo quy định của Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) để góp phần bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em và người dưới 18 tuổi, phù hợp với Luật Trẻ em và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
|
Đại biểu góp ý tại hội thảo |
Đại biểu Hoàng Bình - thành viên Tổ tư vấn chính sách pháp luật cho rằng: Việc quy định cứng thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính kể từ khi phát hiện hành vi vi phạm là 24 và 48 giờ trong khoản 1 Điều 58 như dự thảo luật sẽ gây khó khăn cho người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong việc xác minh hành vi và đối tượng vi phạm cũng như công tác củng cố hồ sơ để chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt. Đề nghị vấn đề này cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước thì sẽ linh hoạt và phù hợp hơn là quy định cứng trong Luật.
Đại biểu Hoàng Thị Khiêm - Thành viên Tổ tư vấn chính sách pháp luật của Đoàn ĐBQH góp ý cho Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho rằng: Đề nghị bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ cụ thể về cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, tư vấn pháp lý đối với một số trường hợp đặc biệt như bị bạo lực, bị xâm hại, bị lừa đảo, bóc lột sức lao động… khi làm việc ở nước ngoài. Có chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp có tâm huyết xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước, vì nguồn nhân lực được đào tạo tốt thì sau một thời gian đi lao động nước ngoài sẽ trở về lao động trong nước và sẽ là những người chủ chốt, quản lý, là chuyên gia, kỹ thuật giỏi… cho các doanh nghiệp trong nước.
Các ý kiến góp ý tâm huyết, chất lượng sẽ được Đoàn ĐBQH tổng hợp, tiếp thu và báo cáo ban soạn thảo trình Ủy Ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
NGUYỆT THU