Vào thời điểm này, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đang triển khai việc lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân, cán bộ, đảng viên, nhân sỹ, trí thức góp ý cho văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025...
Vào thời điểm này, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đang triển khai việc lấy ý kiến rộng rãi trong Nhân dân, cán bộ, đảng viên, nhân sỹ, trí thức góp ý cho văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng này đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp chất lượng, tâm huyết, trách nhiệm cho Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh; phần lớn các ý kiến bày tỏ sự phấn khởi, vui mừng trước những kết quả mà tỉnh Lâm Đồng đạt được trong thời gian qua.
Thật vậy, nhìn lại nhiệm kỳ 2015-2020, một chặng đường không dài, thuận lợi cũng có, khó khăn, thử thách không ít, song với quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.
Minh chứng cho điều này rất rõ ràng, bằng những số liệu cụ thể: Trong 5 năm qua, kinh tế Lâm Đồng tăng trưởng khá, quy mô, chất lượng nền kinh tế được nâng lên; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 8,0%; tổng thu ngân sách đạt 35.689 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, từ 46 triệu đồng/người/năm (2015) lên 71 triệu đồng/người/năm (2020), cao hơn bình quân chung cả nước. Nhiều hộ “nông dân thế hệ mới” đã trở lên rất giàu. Tỉnh đã xây dựng và phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, có sức lan tỏa mạnh mẽ, 2 huyện (Đơn Dương, Đức Trọng) và 104 xã (94%) trên toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3.170 triệu USD; Lâm Đồng có khoảng 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng gấp 1,7 lần so với 2015. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường được quan tâm. Văn hóa, xã hội ngày càng phát triển; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 76%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,35%...
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện: Đổi mới nhiều nội dung công tác tư tưởng và giáo dục chính trị đã góp phần tạo sự thống nhất trong tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Thường xuyên nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên bằng việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên.
Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị duy trì và thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức, tạo sự chuyển biến rõ nét trong cán bộ, đảng viên về tinh thần trách nhiệm, thái độ, ý thức phục vụ Nhân dân.
Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, có trọng tâm, trọng điểm, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh đã triển khai thực hiện mạnh mẽ đề án thí điểm sắp xếp tổ chức, bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; toàn tỉnh đã giảm 2 cơ quan cấp tỉnh, 113 đơn vị cấp phòng; có 9/12 huyện, thành phố thực hiện mô hình Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; 12/12 huyện, thành phố thực hiện Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị; 7/12 bí thư cấp ủy huyện, thành phố và 79/142 bí thư cấp xã đồng thời là chủ tịch HĐND cùng cấp; 16/142 xã, phường, thị trấn đang thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND; 3 huyện thực hiện sáp nhập giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã và toàn tỉnh sắp xếp giảm 165 thôn, tổ dân phố.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường và có nhiều đổi mới; tập trung kiểm tra, giám sát những lĩnh vực, địa bàn phức tạp, nổi cộm, dễ phát sinh tiêu cực. Việc xử lý kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm đảm bảo phương châm, nguyên tắc, thẩm quyền và trình tự, thủ tục; vi phạm đến đâu, xử lý đến đó, xóa bỏ tư tưởng “nhẹ trên, nặng dưới”; đảm bảo tính dân chủ, công tâm, khách quan, coi trọng việc giáo dục, xây dựng; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cố ý vi phạm, ảnh hưởng uy tín của tổ chức Đảng và niềm tin của Nhân dân. Công tác dân vận được đổi mới cả nội dung và phương pháp; chú trọng đi sâu cơ sở, nắm bắt tình hình Nhân dân và đề xuất, kiến nghị giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng và Nhân dân.
Để đạt được những thành tựu trên là cả một sự cố gắng rất lớn của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Có rất nhiều nguyên nhân cho sự thành công ấy và một trong những nguyên nhân quan trọng chính là sự đoàn kết, thống nhất trong từng cấp ủy, tổ chức Đảng, sự đồng tâm, đồng lòng trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; sự tin tưởng, đồng thuận của Nhân dân vào Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp trong tỉnh, để từ đó tạo dựng niềm tin, sức mạnh, quyết tâm chính trị, chung lưng, đấu cật vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đặt ra.
Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã khẳng định “sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng đã tạo sức mạnh tổng hợp để vượt qua khó khăn, thử thách”; đồng thời, đúc kết bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo triển khai thực hiện nghị quyết, đó là “tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận xã hội; phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; phải có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt; phát huy sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra”.
Trong chặng đường mới sắp tới, chặng đường của đổi mới và phát triển, tỉnh Lâm Đồng cũng nằm trong guồng quay chung của đất nước, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn. Quán triệt quan điểm chỉ đạo sâu sắc của Đảng “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; giữ vững an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội là điều kiện tiên quyết để phát triển”, Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, phấn đấu đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá trong cả nước”.
Các chỉ tiêu đặt ra cho cả nhiệm kỳ rất nặng nề: tốc độ tăng trưởng bình quân đạt từ 7-8%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 120-125 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0-1,5%; Lâm Đồng đạt tiêu chí là tỉnh nông thôn mới; 95% dân vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ độ che phủ rừng trên 55%... Xác định 4 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 17 công trình trọng điểm (cả cũ và mới).
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và những nhiệm vụ nặng nề đó, trong rất nhiều giải pháp được dự thảo văn kiện đưa ra, tầm quan trọng của giải pháp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển, củng cố niềm tin để tập hợp, đoàn kết mọi người dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó là triển khai thực hiện quyết liệt nhiệm vụ tăng cường và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng chính quyền trong sạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, thực hiện nghiêm quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; quý trọng sự đoàn kết, thống nhất trong từng tổ chức Đảng, từng cấp ủy, cơ quan, đơn vị; từ đó tạo sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội, đồng thuận, đồng lòng thực hiện chủ trương, quan điểm, nghị quyết của Đảng.....
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 được Nhân dân, cán bộ, đảng viên trong tỉnh đặt nhiều kỳ vọng vào sự đổi mới. Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo”, thì việc đặt thành tố “Đoàn kết” lên trước tiên chính là sự khẳng định quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong tỉnh nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội và “Đoàn kết trong Đảng, đồng thuận xã hội” sẽ là động lực, là đòn bẩy để Lâm Đồng tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trong một tương lai tươi sáng.
TRẦN TRUNG HIẾU