Dân vận khéo để xây dựng nông thôn mới

06:10, 20/10/2020

Nét nổi bật trong công tác Dân vận khéo ở xã Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm) là việc thực hiện có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước nhằm nâng cao đời sống cho người dân, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nét nổi bật trong công tác Dân vận khéo ở xã Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm) là việc thực hiện có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước nhằm nâng cao đời sống cho người dân, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
 
Một góc xã Lộc Lâm ngày nay
Một góc xã Lộc Lâm ngày nay
 
Ông K’Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Lâm, cho hay: Lộc Lâm hiện có 667 hộ, 2.634 khẩu, sinh sống tại 3 thôn. Người dân trong xã chủ yếu là người dân tộc bản địa Tây Nguyên, chiếm gần 80% dân số. Tổng diện tích đất tự nhiên của Lộc Lâm trên 13.543 ha. Trong đó, đất nông nghiệp hơn 787 ha, đất lâm nghiệp trên 11.786 ha, đất nuôi trồng thủy sản gần 3 ha và đất phi nông nghiệp hơn 836 ha. Cây cà phê và cây chè là 2 cây trồng chủ lực của xã. “Từ một xã thuần nông, kinh tế kém phát triển, người dân Lộc Lâm đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Trong tổng diện tích hơn 286 ha cà phê hiện có của xã, những năm gần đây, người dân Lộc Lâm đã tiến hành tái canh (ghép và trồng mới) được hơn 141 ha. Tương tự, tổng diện tích chè toàn xã hơn 307 ha, cũng đã có 80 ha chè chất lượng cao. Qua ghép cải tạo, năng suất cà phê tăng đáng kể, từ 2,7 tấn/ha (năm 2017) đến năm 2019 năng suất cà phê bình quân đạt 3,2 tấn/ha. Năng suất chè cũng đạt khoảng 10 tấn búp tươi/ha”, ông K’Giáp chia sẻ.
 
Bên cạnh việc chú trọng phát triển 2 cây chủ lực cà phê và chè, trong những năm qua, người dân Lộc Lâm còn trồng xen canh 34,7 ha cây ăn trái và 17 ha các loại cây ngắn ngày khác. Cùng với đó, xã cũng đã khuyến khích người dân phát triển các nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại. Hiện, Lộc Lâm có 30 hộ kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động hiệu quả. “Người dân trong xã còn có thêm một nguồn thu nhập nữa từ việc nhận giao khoán bảo vệ rừng. Hiện tại, Lộc Lâm có 621 hộ nhận khoán bảo vệ rừng, với số tiền 3 triệu đồng/hộ/quý. Từ các nguồn thu nhập như nêu ở trên, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 41 triệu đồng/năm”, ông K’Giáp cho biết.
 
Theo ông K’Giáp, một khi đời sống người dân được nâng cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động sức dân cùng với Nhà nước xây dựng NTM. Kể từ ngày bắt đầu xây dựng NTM đến nay, người dân Lộc Lâm đã tự nguyện hiến 20.000 m 2 đất và đóng góp 1 tỷ đồng để làm các tuyến đường giao thông nông thôn, các tuyến đường vào khu sản xuất. Riêng năm 2019, 12 hộ dân trong xã hiến hơn 3.543 m 2 đất, đóng góp gần 300 triệu đồng, đặc biệt 1 hộ dân ở ngay khu vực trung tâm Lộc Lâm hiến 180 m 2 đất để xây dựng sân bóng mini cỏ nhân tạo cho thanh niên, thiếu niên vui chơi. Ngoài ra, 40 hộ dân bon Đăng Hanh và 1 hộ dân thôn khác đóng góp 70 triệu đồng để làm 1 cống thoát nước từ bon ra khu sản xuất, giúp việc đi lại của người dân trở nên thuận lợi. Thêm nữa, người dân 3 thôn trong xã còn đóng góp 140 triệu đồng vào chương trình Thắp sáng đường quê với tổng chiều dài 4 km... Kinh tế - xã hội từng bước phát triển, đời sống văn hóa của người dân Lộc Lâm cũng từng bước được nâng cao. Qua đánh giá, hàng năm, xã có hơn 90% gia đình đạt Gia đình văn hóa, 3 thôn đều đạt Thôn văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Lộc Lâm hiện còn 4,34%.
 
Cũng theo ông K’Giáp, với những kết quả đạt được trong phong trào Dân vận khéo, gắn với chương trình xây dựng NTM, năm 2019, xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng 2 bằng khen và 1 cờ thi đua. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Cờ thi đua cho cán bộ, Nhân dân Lộc Lâm và Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng khen cho cán bộ, Nhân dân Lộc Lâm vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Dân vận khéo giai đoạn 2015 - 2020. “Trong năm 2020 này, chúng tôi tập trung phấn đấu xây dựng đưa xã Lộc Lâm đạt chuẩn xã NTM và hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra”, ông K’Giáp nói thêm.
 
TRỊNH CHU