Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra trong ba ngày (14, 15 và 16/10). Trong 5 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lâm Đồng đã thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra...
LTS: Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra trong ba ngày (14, 15 và 16/10). Trong 5 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lâm Đồng đã thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; giữ vững quốc phòng, an ninh; tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và trở thành tỉnh khá của cả nước”. Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UV BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy về những thành tựu trong nhiệm kỳ vừa qua và những định hướng lớn trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy. Ảnh: Mai Văn Bảo |
PV:
Kính thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, 5 năm qua, trong bối cảnh chung, tuy gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhưng Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực vượt qua và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Xin đồng chí khái quát những kết quả nổi bật mà tỉnh Lâm Đồng đã đạt được?
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN XUÂN TIẾN: Nhiệm kỳ qua, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, bản lĩnh, trí tuệ, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra và đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực:
Về kinh tế - xã hội: Tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế tiếp tục phát triển, GRDP bình quân 5 năm tăng 8%, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra; quy mô, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế tăng đáng kể (GRDP của tỉnh chiếm 1,44% cả nước). GRDP bình quân đầu người đạt 71 triệu đồng năm 2020, cao hơn bình quân chung cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,35%. Thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đạt kết quả tích cực; cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý; là địa phương đi đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; dịch vụ du lịch từng bước khẳng định là ngành kinh tế động lực của tỉnh. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, hoàn thiện; bộ mặt nông thôn, đô thị nhiều khởi sắc. Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, đã phát huy tốt vai trò chủ thể của người nông dân, được Trung ương đánh giá cao và chọn là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh, phúc lợi xã hội đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần người dân không ngừng được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Có thể khẳng định, tỉnh Lâm Đồng đã đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đây là cơ sở quan trọng cho việc xác định những mục tiêu cao hơn trong thời gian tới.
PV:
Tỉnh đã rất quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội, vậy thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đã được chú trọng như thế nào trong nhiệm kỳ vừa qua?
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN XUÂN TIẾN: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng đặc biệt chú trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên; vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức đảng được phát huy. Đảng bộ tỉnh đã quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần tạo thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được nâng lên đáng kể. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đạt kết quả tích cực, tạo lan tỏa trong toàn Đảng bộ, toàn dân. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai quyết liệt, đồng bộ, đã ngăn chặn và từng bước đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo lộ trình được triển khai đồng bộ, thực chất với sự thống nhất, đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên; từ đó, bộ máy hệ thống chính trị từng bước sắp xếp tinh gọn hơn và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn. Các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng cán bộ, bảo đảm tính kế thừa, ổn định và phát triển, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ. Công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, với quyết tâm chính trị cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, kỷ luật, kỷ cương của Đảng được tăng cường, pháp luật của Nhà nước được đề cao, góp phần kiềm chế, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Công tác cải cách hành chính trong Đảng và hệ thống chính quyền được quan tâm, đẩy mạnh. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, dân vận chính quyền, giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; làm tốt công tác tham mưu tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với Nhân dân, góp phần tăng cường đồng thuận xã hội. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân được củng cố, tăng cường. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền tăng đáng kể.
|
Đồng chí Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban Bí thư chụp hình lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Tư liệu |
PV:
Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy! Vậy đâu là nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để Đảng bộ Lâm Đồng đạt được những thành tựu trên?
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN XUÂN TIẾN: Để đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực trong nhiệm kỳ vừa qua, có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, có thể khẳng định một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Trước hết là toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng phát huy tốt lợi thế, thời cơ, khắc phục hiệu quả những khó khăn, thách thức. Có thể nói đây là nguyên nhân cơ bản, xuyên suốt làm nên những thành tựu mà tỉnh nhà đã đạt được trong thời gian qua.
- Được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.
- Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kế thừa và phát huy những thành quả đạt được của các nhiệm kỳ trước, đoàn kết, thống nhất thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị; giữ vững nguyên tắc của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phát huy dân chủ, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
- Kiên quyết, kiên trì trong ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chủ động thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
- Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương; công tác điều hành năng động, thường xuyên bám sát diễn biến của tình hình để đưa ra các chủ trương, giải pháp phù hợp với thực tế; nỗ lực cao trong cải cách hành chính; quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
- Phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đóng góp to lớn của các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, doanh nhân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Từ thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Đảng bộ tỉnh rút ra 5 bài học kinh nghiệm, đó là:
Thứ nhất, làm tốt công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức. Xây dựng đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng bộ, trước hết là Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy. Phát huy dân chủ, trí tuệ trong Đảng, dân chủ trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.
Thứ hai, luôn quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển toàn diện từ trong lãnh đạo, chỉ đạo đến khâu tổ chức thực hiện; trong tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị; từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đến từng chương trình, đề án, dự án cụ thể; đảm bảo phát triển nhanh và bền vững.
Thứ ba, vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương. Trong chỉ đạo phát triển kinh tế, phải xác định được hướng đi đúng, bước đi thích hợp, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn và có các giải pháp đột phá để thực hiện.
Thứ tư, tập trung phát triển nguồn nhân lực, coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài. Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, nhất là người đứng đầu phải thực sự gương mẫu, có tầm nhìn chiến lược; năng động, sáng tạo, sâu sát cơ sở, có tính quyết đoán cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân.
Thứ năm, kết hợp hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, đặc biệt là lợi ích của người dân. Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phải biết dựa vào dân, phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo của Nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của Nhân dân. Thường xuyên tổng kết thực tiễn để kịp thời bổ sung, điều chỉnh, xây dựng các cơ chế, chính sách mới cho phù hợp, đúng pháp luật, đảm bảo lợi ích của Nhân dân, tạo động lực phát triển.
|
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm mô hình trồng rau công nghệ cao. Ảnh: Văn Báu |
PV:
Xin đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết mục tiêu tổng quát và một vài chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trọng yếu của nhiệm kỳ 2020 - 2025?
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN XUÂN TIẾN: Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo vẫn có nhiều diễn biến phức tạp: những vấn đề tranh chấp lãnh thổ, cạnh tranh kinh tế khu vực và toàn cầu ngày càng khốc liệt, dịch bệnh vẫn có nguy cơ bùng phát ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước... Với quan điểm: phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.
Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn và thách thức từ tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh thời gian tới, Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu tổng quát cho giai đoạn 2020 - 2025 là: “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế. Phát triển du lịch chất lượng cao, xây dựng thành phố Đà Lạt thành trung tâm du lịch chất lượng cao, trung tâm giáo dục nghiên cứu, sáng tạo khoa học. Phát triển công nghiệp có chọn lọc, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường. Đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị - nông thôn; phát triển mạnh giáo dục và khoa học kỹ thuật; nâng cao vai trò văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc cộng đồng các dân tộc; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”.
Cụ thể hóa mục tiêu trên, nhiệm kỳ tới Đảng bộ tỉnh đề ra 17 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó một số chỉ tiêu quan trọng như sau:
Trên lĩnh vực kinh tế: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,0-8,0%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 khoảng 120-125 triệu đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hàng năm chiếm khoảng 35-36% GRDP. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 11-12%; trong đó, thuế, phí tăng bình quân 12-14%; phấn đấu đến năm 2025, ngân sách địa phương cân đối nhu cầu chi thường xuyên. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm khoảng 14-15%. Lượng khách du lịch qua đăng ký lưu trú tăng bình quân 9%/năm; trong đó, khách quốc tế chiếm từ 12-13% tổng lượng khách qua lưu trú.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, môi trường: Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (theo tiêu chí mới) duy trì mức giảm ít nhất từ 1,0-1,5%; trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2,0-3,0%. Đạt tiêu chí tỉnh nông thôn mới trước năm 2025; huyện Đơn Dương và Đạ Tẻh là huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Duy trì tỷ lệ độ che phủ của rừng trên 55%.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, thời gian tới, Đảng bộ tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản đó là:
Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực đời sống và sản xuất. Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hữu cơ, phát triển mạnh mẽ quan hệ sản xuất trong nông nghiệp với mô hình “Doanh nghiệp là nòng cốt, kinh tế tập thể - hợp tác là trung tâm, nông dân là chủ thể”; phát triển du lịch chất lượng cao thực sự trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh; phát triển công nghiệp có chọn lọc, có lợi thế cạnh tranh, thân thiện với môi trường. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, nhất là giao thông đối ngoại, hàng không, hạ tầng du lịch, công nghệ thông tin, hạ tầng số…Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có tầm ảnh hưởng rộng, tiềm lực mạnh, có uy tín, kinh nghiệm và khả năng hội nhập quốc tế. Huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; kiềm chế và giảm các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, tín dụng đen, các băng, nhóm tội phạm có tổ chức.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa” trong nội bộ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, tạo lan tỏa trong toàn Đảng bộ và Nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đổi mới công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền; tăng cường đại đoàn kết toàn dân; thực hiện có hiệu quả tiến bộ, công bằng và đồng thuận xã hội.
PV:
Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Lâm Đồng! Chúc Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thành công tốt đẹp!
LAN HỒ (thực hiện)