(LĐ online) - Tiếp tục ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 10, hôm nay, 21/10, Quốc hội đã xem xét cho ý kiến đối với dự án Luật Cư trú (sửa đổi) và dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam và thảo luận trực tuyến về một số nội dung của hai dự thảo Luật...
(LĐ online) - Tiếp tục ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 10, hôm nay, 21/10, Quốc hội đã xem xét cho ý kiến đối với dự án Luật Cư trú (sửa đổi) và dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam và thảo luận trực tuyến về một số nội dung của hai dự thảo Luật. Tại điểm cầu Lâm Đồng, Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng, Ông Nguyễn Tạo, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng cùng các vị đại biểu Quốc hội K’Nhiễu - ủy viên Hội Đồng Dân tộc của Quốc hội, đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các ban HĐND tỉnh cùng đại diện các sở ngành liên quan cùng tham dự.
|
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo góp ý cho Luật Cư trú (sửa đổi) |
Trong phiên làm việc sáng 21/10, các vị đại biểu Quốc hội đã nghe ông Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 47 đồng thời nhất trí thời điểm Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021 như đề xuất của Chính phủ.
Thảo luận về Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), các vị đại biểu Quốc Hội đã cho ý kiến về các quy định liên quan đến khái niệm thường trú, tạm trú, nơi cư trú, tạm trú; điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú; xóa đăng ký thường trú;
Góp ý về điều khoản thi hành, quy định tại Điều 38 của dự thảo Luật, đa số ý kiến đều cho rằng việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xu thế tất yếu của việc hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiện nay. Việc chuyển đổi này vừa bảo đảm thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện tốt hơn quyền tự do cư trú, vừa nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tạo, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng đề xuất: Tôi thống nhất với nhiều nội dung đã được các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý tại kỳ họp Quốc hội thứ 9 vừa qua. Trong đó nhấn mạnh đến các quan điểm sửa đổi Luật cư trú hướng đến bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, nhất là ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú, thay đổi hình thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu sang hình thức quản lý theo số định danh cá nhân... Để góp phần hoàn thiện dự án Luật, qua thực tiễn quản lý cư trú của địa phương, tôi xin đóng góp một số ý kiến về nơi cư trú và quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú (Điều 19). Trước hết, tôi xin cảm ơn Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chuyển ý kiến của tôi đến Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu, chính lý dự án luật về quy định quản lý cư trú đối với những người di cư tự do, hàng chục nghìn hộ dân di cư tự do chưa được đăng ký hộ khẩu đang từng ngày mong chờ sự đổi thay về quản lý cư trú từ dự án luật này để họ được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân theo luật định. Tuy nhiên, quy định nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú tại Điều 19 vẫn còn chưa rõ ràng. Nội dung của khoản 1 Điều này còn chưa thống nhất với khái niệm về cư trú tại khoản 3 Điều 2 của dự thảo Luật “cư trú là việc công dân sinh sống tại chỗ ở hợp pháp thuộc đơn vị hành chính cấp xã dưới hình thức thường trú, tạm trú”. Trong khi đó khoản 1 Điều 19 lại quy định “Nơi cư trú của người không có chỗ ở hợp pháp hoặc có chỗ ở hợp pháp nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại mà người đó đang sinh sống; trường hợp không có chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống”. Việc quy định như vậy vẫn vướng mắc về thủ tục pháp lý để xác định thế nào là chỗ ở hợp pháp, chưa thể giải quyết vấn đề về đăng ký hộ khẩu của hàng chục nghìn hộ dân di cư nói trên.
Việc áp dụng quy định về “chỗ ở hợp pháp” đang là rào cản rất lớn, gây khó khăn trong giải quyết đăng ký cư trú cho công dân, trong đó có các hộ dân di cư tự do tại các khu vực dân cư chưa được công nhận hoặc chưa được quy hoạch. Mặt khác việc chỉnh lý Điều 19 nhưng vẫn giữ quy định về địa điểm không được đăng ký thường trú mới tại Điều 24 của Luật thì cơ hội được đăng ký cư trú của trường hợp này gần như là không thể; chưa kể là các hộ dân này đã đi khỏi nơi thường trú từ lâu, không còn các giấy tờ về hộ tịch (giấy khai khai sinh, chứng minh nhân dân...), không có hộ khẩu gốc, nói chung là không xác định được nguồn gốc nơi đến, đặc biệt là thế hệ sinh từ năm 1990 đến nay... nên việc đăng ký hộ tịch, hộ khẩu lại càng khó khăn hơn.
Trong phiên họp làm việc buổi chiều, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Dự án Luật Biên phòng Việt Nam cũng đã được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9; được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 47 gồm 6 chương, 36 điều, quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Đại đa số đại biểu QH cho rằng, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là hết sức cần thiết nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân vào sự nghiệp bảo vệ biên giới. Xây dựng lực lượng Biên phòng Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Ngày mai, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với nhiều nội dung liên quan đến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế.
Phóng viên báo Lâm Đồng tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong bản tin tiếp theo.
NGUYỆT THU