(LĐ online) - Chiều ngày 23/10, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận, góp ý, điều chỉnh, hoàn thiện dự án Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
(LĐ online) - Chiều ngày 23/10, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận, góp ý, điều chỉnh, hoàn thiện dự án Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
|
ĐBQH Nguyễn Tạo góp ý cho dự án Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) |
Tại đầu cầu Lâm Đồng có sự tham dự của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo, ĐBQH K’Nhiễu - ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại diện Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đã có 94 lượt ý kiến phát biểu thảo luận ở Tổ và 17 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại Hội trường. Qua thảo luận cho thấy, về cơ bản các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với nhiều nội dung, đồng thời đóng góp thêm các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn, lấy ý kiến và yêu cầu Cơ quan soạn thảo gửi bổ sung báo cáo, giải trình để chỉnh lý dự thảo Luật.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu, trong quá trình chỉnh lý, Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan soạn thảo đã báo cáo, một trong các mục tiêu của việc sửa đổi Luật lần này nhằm hướng đến giảm chi phí cho người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng vai trò và tính chủ động của các địa phương trong việc hỗ trợ người lao động của địa phương mình đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Thực tế thời gian qua, các Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập theo quy định của Luật Việc làm đang được phép của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thực hiện các thỏa thuận quốc tế do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký với các tỉnh, thành phố của bên nước ngoài để đưa lao động của địa phương đi làm việc ở nước ngoài và không thu tiền dịch vụ của người lao động. Do vậy, Chính phủ, Cơ quan soạn thảo đề xuất luật hóa thực tiễn này.
Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế như đề xuất của Chính phủ, Cơ quan soạn thảo.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị cân nhắc về việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vì lý do: sẽ phát sinh chi ngân sách và nhân lực của Nhà nước để thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là vấn đề phức tạp, đan xen giữa các loại hình lao động qua biên giới với các nước láng giềng và rất đa dạng, gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ theo từng địa bàn. Chính phủ đã cân nhắc nhiều lần về vấn đề này và đã không đưa vào dự thảo Luật khi trình Quốc hội. Tuy nhiên, để tránh khoảng trống pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp.
ĐBQH Nguyễn Tạo góp ý: Về đối tượng áp dụng (Điều 2) tôi đề nghị chọn Phương án 2: không giao đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế. Bởi các lý do đã được nêu trong loại ý kiến thứ hai trong báo cáo tiếp thu giải trình của UBTVQH, mặt khác việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện khác đối với tổ chức thực hiện (theo Điều 10 của dự thảo Luật thì Doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi có đủ các điều kiện như có vốn chủ sở hữu từ 05 tỷ đồng trở lên, đã ký quỹ hoạt động dịch vụ...), hoặc vấn đề bồi thường trong trường hợp có gây ra thiệt hại... nếu giao cho các Trung tâm giải quyết việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế là không đảm bảo. Đồng thời đề nghị cân nhắc đối với quy định “Đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” tại khoản 3 Điều 2 vì các bộ, ngành đã có cơ chế chính sách về các chương trình hợp tác song phương, hợp tác quốc tế… và các cơ quan quản lý nhà nước đang phát triển chuyên sâu theo lĩnh vực quản lý nhà nước ngành chuyên môn sâu, thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế thì việc giao thêm nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần phải được đánh giá tác động kỹ hơn. Đối với các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (tại Điều 5): Đề nghị chọn phương án 2, đồng thời (tại khoản 1 điều Điều 5) bỏ nội dung quy định “Theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với Đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” cho phù hợp với Điều 2 Đối tượng áp dụng.
Ngày mai, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường.
NGUYỆT THU