Đặt nhiều kỳ vọng vào Đại hội XIII của Đảng

07:12, 07/12/2020

(LĐ online) - Nhiều ý kiến đã được cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng góp ý vào Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thể hiện nhiều kỳ vọng vào một kỳ đại hội Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển.

(LĐ online) - Nhiều ý kiến đã được cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh Lâm Đồng góp ý vào Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thể hiện nhiều kỳ vọng vào một kỳ đại hội Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển.
 

Đại tá, PGS, TS Nguyễn Công Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Chính trị Học viện Lục quân: Phấn đấu xây dựng Quân đội hiện đại về tổ chức, biên chế 

 
Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về thảo luận và tổng hợp ý kiến tham gia vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thường vụ Đảng ủy Học viện Lục quân đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời các tổ chức cơ sở Đảng và tổ chức quần chúng trong toàn Học viện tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
 
Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Học viện Lục quân lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã có 7 đại biểu phát biểu thảo luận và 20 đại biểu gửi bài Tham luận về Đoàn thư ký. Các ý kiến thể hiện ý thức, trách nhiệm tốt, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, nhiều đại biểu ở các cơ quan, khoa giảng viên, hệ quản lý học viên tích cực đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trí tuệ có chất lượng tốt, thể hiện rõ chính kiến, có hàm lượng khoa học cao, có cơ sở lý luận và thực tiễn khá sâu sắc trên mọi lĩnh vực.
 
Theo đó, các ý kiến đều nhất trí với nhận định của dự thảo các Văn kiện về những thành tựu đạt được trong 5 năm qua và đánh giá tổng quát 35 năm đổi mới là hoàn toàn khách quan, chính xác; những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân đã được chỉ ra một cách nghiêm túc, thẳng thắn và đồng tình với nhận định về cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm chưa cao, chưa đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ Đảng. Từ đó, đã có những bài học được Trung ương đúc rút một cách sâu sắc, có tính khái quát cao từ 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. 
 
Về mục tiêu phát triển đất nước trong năm 2025, 2030, 2045, hầu hết các ý kiến thống nhất chọn phương án 1, vì phương án này thể hiện rõ lộ trình phát triển, có tính thực tiễn, khả thi cao và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, đất nước trong thời gian tới; đồng thời, bảo đảm đồng bộ với chủ đề của Đại hội và mục tiêu tổng quát là: “…phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
 
Các ý kiến cũng đề nghị xem xét và đánh giá về “Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng liên tục và cao hơn nhiệm kỳ trước, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới”; đề nghị bổ sung nội dung phải xem khoa học, công nghệ và sáng tạo là một đột phá chiến lược mới, là động lực chủ yếu để cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới. 
 
Về dự báo tình hình thế giới, khu vực và đất nước những năm sắp tới, các ý kiến cho rằng cần đề cập nhiều hơn về vấn đề Biển Đông, diễn biến phức tạp trên Biển Đông, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đến tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Bên cạnh đó, cần bổ sung những nội dung có tính đột phá trong công tác giáo dục - đào tạo; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực, tệ nạn trong xã hội; giữ vững kỷ cương, phép nước; tăng cường sự đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế…
 
Đối với lĩnh vực quốc phòng - an ninh, hầu hết các ý kiến đều nhất trí cao với những định hướng nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng - an ninh, đối ngoại được nêu trong Dự thảo báo cáo. Từ đó, đi sâu vào phân tích, làm rõ các vấn đề và đề nghị bổ sung, thay đổi một số nội dung đảm bảo diễn đạt có tính chặt chẽ, khái quát, đầy đủ hơn. Bổ sung định hướng nhiệm vụ, giải pháp thứ 1 nội dung: “Tiếp tục bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa”; nhiệm vụ giải pháp thứ 6 nội dung: “Vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân” và bổ sung nhiệm vụ, giải pháp thứ 8: “Tiếp tục xây dựng Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân, binh chủng, lực lượng; trên cơ sở tiềm lực, điều kiện của đất nước và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại cả về tổ chức, biên chế”.
 
Ông Trần Văn Bộ - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng: Niềm tin trọn vẹn và kỳ vọng lớn lao vào Đại hội XIII của Đảng
 
Hội Cựu chiến binh hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, có nhiệm vụ chủ yếu là tập hợp, đoàn kết các thế hệ cựu chiến binh phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, bảo vệ Nhân dân; đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực; giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Tham gia tích cực, có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động của cả nước và địa phương.
 
Các thế hệ cựu chiến binh hào hứng, phấn khởi đón chào Đại hội lần thứ XIII của Đảng với niềm tin trọn vẹn và kỳ vọng lớn lao. Tin chắc rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta vững bước tiến lên, đưa đất nước phát triển toàn diện và bền vững.
 
Được tiếp cận, nghiên cứu, tham gia đóng góp vào các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, các cấp hội cựu chiến binh từ cơ sở trở lên đã nghiên cứu nghiêm túc, trách nhiệm và đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo các văn kiện. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề liên quan đến hoạt động của Hội Cựu chiến binh như: Mong muốn trong nội dung văn kiện thể hiện rõ sự gắn bó chặt chẽ của hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng đất nước đi đôi với bảo vệ Tổ quốc XHCN. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội phải thực sự coi trọng chiến lược quốc phòng, an ninh. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh Nhân dân, đặc biệt là thế trận “lòng dân” vững bền. Kiên quyết bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống.
 
Đảng tiếp tục lãnh đạo hệ thống chính trị, coi trọng hơn nữa và quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với người có công, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, liệt sĩ, thương binh… thể hiện rõ tình cảm uống nước nhớ nguồn và chế độ ưu việt của dân tộc ta.
 
Quan tâm tạo điều kiện và có chính sách phù hợp để các thế hệ cựu chiến binh phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xóa nhà tạm, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
 
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đội với Hội Cựu chiến binh, xây dựng Hội thật sự trong sạch vững mạnh, là đoàn thể chính trị - xã hội tin cậy, trung thành.
 
Ông Lưu Văn Lợi - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đức Trọng: Cần có chính sách đào tạo cho công nhân có trình độ cao 
 
Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được đầu tư, thể hiện tính khái quát cao, phản ánh ý chí, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên và người lao động; đồng thời, dự báo khái quát tình hình, thời cơ, thách thức và đề xuất các giải pháp khoa học để triển khai thực hiện trong kỳ đại hội tới. Bên cạnh đó, báo cáo cần nhấn mạnh, làm nổi bật hơn nữa vai trò của Việt Nam trong đối ngoại và ứng phó với dịch bệnh Covid-19, đánh giá thêm một số nội dung liên quan đến lực lượng công nhân lao động, vấn đề giới và bình đẳng giới. 
 
Bộ Luật Lao động năm 2019 đã được Quốc hội thông qua có hiệu lực trong năm 2021; trong đó, việc cho phép thành lập các tổ chức của người lao động bên cạnh tổ chức công đoàn là cần thiết trong tiến hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đây là thách thức lớn đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam nhưng cũng là một cơ hội để tổ chức Công đoàn Việt Nam tự đổi mới lại mình, tự có những thay đổi trong hoạt động của mình để đáp ứng được yêu cầu của người lao động, đem lại nhiều lợi ích cho người lao động, cho đoàn viên công đoàn; thu hút người lao động tham gia vào các tổ chức công đoàn; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình. 
 
Trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý sự ra đời của tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp, đảm bảo yếu tố lịch sử và địa vị của công đoàn trong hệ thống chính trị cũng như trong xã hội Việt Nam, đảm bảo công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội, là nòng cốt trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII)... 
 
Đảng và Nhà nước cần có chính sách đào tạo cho công nhân có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; sớm hoàn thiện chính sách pháp luật để nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động; đồng thời, thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm của Đảng thông qua các nghj quyết chuyên đề về phát hiện, đào tạo người tài và thu hút nhân tài tham gia quản lý và phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
 
Ông Đỗ Đức Thiệm - Trưởng Ban Chính sách – Tuyên giáo – Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh: Tăng cường huy động các nguồn lực cho chính sách an sinh xã hội
 
Bảo đảm an sinh xã hội cho người dân là một chủ trương đúng đắn và xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo đất nước. Phát triển an sinh xã hội là chính sách cơ bản để giảm nghèo, bảo đảm đời sống của Nhân dân, góp phần quan trọng tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng, tạo sự đồng thuận xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh. 
 
Thực tiễn cho thấy, trong thời gian qua, mặc dù có nhiều biến động về kinh tế trong nước và quốc tế, nguồn lực của đất nước còn hạn hẹp, nhưng Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách về an sinh xã hội, bảo đảm an sinh xã hội gắn với phát triển kinh tế trong bối cảnh hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đặt nhiệm vụ phát triển dân sinh trong mối tương quan hài hòa và gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. 
 
Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách xã hội ở nước ta trong thời gian qua cũng còn một số vấn đề cần được quan tâm như: Chính sách tiền lương còn những hạn chế, bất cập. Đa số lao động phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp. Các thiết chế, cơ chế hỗ trợ phát triển thị trường lao động, quan hệ lao động hiệu quả còn thấp. Khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính còn thấp, nhất là đối với người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền còn lớn, bất bình đẳng thu nhập dân cư có xu hướng gia tăng. Tệ nạn xã hội ở một số nơi diễn biến phức tạp. Bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ và trẻ em có nơi chưa được quan tâm đúng mức; còn xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình, bạo hành, xâm hại trẻ em gây bức xúc xã hội. Đời sống của người yếu thế còn nhiều khó khăn…
 
Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an sinh xã hội, xin kiến nghị, đề xuất Đảng, Nhà nước tăng cường huy động các nguồn lực cho chính sách an sinh xã hội như tăng chi ngân sách Nhà nước về an sinh xã hội, đầu tư xây dựng các công trình phục vụ an sinh xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại các đô thị và nhà trẻ, mẫu giáo, các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để phát triển sự tham gia của cộng đồng trong việc cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội, thực hiện các hoạt động nhân đạo, giúp đỡ, chia sẻ rủi ro đối với những nhóm yếu thế, những đối tượng đặc thù trong đó có người lao động ở những vùng, miền còn khó khăn về phát triển kinh tế xã hội như miền núi, vùng sâu, vùng xa trong cả nước.
 
Anh Đỗ Mạnh Tường – Bí thư Thành Đoàn Bảo Lộc: Lan tỏa lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho trẻ em và thanh thiếu niên 
 
Cũng như các cán bộ Đoàn trong cả nước, tôi đã đọc và nghiên cứu kỹ Dự thảo Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Qua đó, tôi tâm đắc và tán thành về Dự thảo Văn kiện. Dựa trên những nội dung của Dự thảo Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tôi có đề xuất, đóng góp một số ý kiến như sau: Nội dung Dự thảo Văn kiện Đại hội cần đưa vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái của người dân vào Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020) và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030). Cần có những giải pháp hữu hiệu trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới gắn với điều tra, rà soát hộ nghèo sát thực tế; đồng thời, có giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường do chất thải từ hoạt động sản xuất của các khu cụm công nghiệp đặc biệt là tại các thành phố lớn; khắc phục tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp ở các vùng nông thôn, đồng bằng. Cần có chuyên đề về xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, có các giải pháp cần thiết để giới trẻ quan tâm đến xây dựng gia đình, sinh đủ con và nuôi dạy con ngoan, tiến bộ.
 
Đặc biệt, Dự thảo Văn kiện cần có Nghị quyết chuyên đề về giáo dục lòng yêu nước cho công dân Việt Nam giai đoạn 2021 – 2045. Theo đó, phải bắt nguồn từ trẻ em, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thanh thiếu nhi. Từ đó, người trưởng thành phải làm gương, phải có định hướng, giải pháp đầu tư thiết chế văn hóa, địa điểm, địa danh lịch sử, không gian văn hóa… để lan tỏa  lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho trẻ em và thanh thiếu niên.
 
THU HIỀN - NGỌC NGÀ - HỒNG THẮM - KHÁNH PHÚC