MTTQ và các thành viên phát huy vai trò tích cực trong xây dựng chính quyền

05:12, 09/12/2020

Thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quy chế phối hợp công tác của HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên đã phát huy tính tích cực, thể hiện vai trò, trách nhiệm trong tham gia xây dựng chính quyền năm 2020...

Thực hiện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quy chế phối hợp công tác của HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên đã phát huy tính tích cực, thể hiện vai trò, trách nhiệm trong tham gia xây dựng chính quyền năm 2020. Qua đó, kịp thời phát hiện, kiến nghị những vấn đề chưa được, giải quyết những mặt còn tồn tại, nhằm góp phần xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
 
Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại diện các tổ chức thành viên của MTTQ kiến nghị, nhằm góp phần xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh
Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại diện các tổ chức thành viên của MTTQ kiến nghị, nhằm góp phần xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh
 
Năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng, tác động của đại dịch COVID-19, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội cơ bản ổn định và tiếp tục phát triển. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; cơ sở hạ tầng, công tác y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội, chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiệu quả. Các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đánh giá cao sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong việc chăm lo cho đối tượng chính sách, người nghèo và các đối tượng khó khăn trong xã hội.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một bộ phận Nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng trước những tác động trực tiếp của tình hình dịch COVID-19 gây ra, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải, nông nghiệp và thị trường hàng nông sản, lao động, việc làm... Bên cạnh đó, giá cả một số mặt hàng nông sản và rau không ổn định (xuống thấp trong quý I/2020 ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân). Tình trạng khô hạn, thiếu nước sản xuất cục bộ, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tại một số địa phương như: Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên, Đơn Dương, Lâm Hà… gây ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của một bộ phận người dân.
 
Luật sư Huỳnh Tho - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Lâm Đồng cho biết: Thời gian qua, Nhân dân chúng tôi rất bức xúc trước tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp. Hiện nay công tác quản lý nhà nước về rừng đang rất đáng báo động, doanh nghiệp quản lý nhận thuê rừng tại sao để phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Cùng đó là tình trạng quản lý nhà nước trong trật tự xây dựng, san ủi trái phép, cấp phép sổ đỏ, chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất xây dựng, cấp phép sổ đỏ bao gồm tài sản gắn liền trên đất, xây nhà trái phép trên đất rừng... Nhân dân phản ánh nhiều về tình trạng quá tải giao thông, ô nhiễm rác thải sinh hoạt của du khách nhất là trong dịp lễ, tết và các ngày nghỉ cuối tuần cũng đang là vấn đề rất cần sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và các cơ quan hữu quan. 
 
Trao đổi về nội dung này, ông Trương Thành Được - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban MTTQ tỉnh, qua hoạt động giám sát, qua phản ánh kiến nghị của cử tri, của các tổ chức thành viên và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề xuất, kiến nghị một số nội dung còn bất cập, tồn tại như: Trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, lâm nghiệp, khai thác tài nguyên. Nhiều ý kiến của các tổ chức thành viên và Nhân dân cũng kiến nghị: Tình trạng san ủi, phá rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra phức tạp trên một số địa bàn tỉnh, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, truy quét, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các tụ điểm, điểm nóng về chặt, phá rừng, lấn chiếm đất rừng... và các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Tình trạng hút cát gây sạt lở đất sản xuất ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn, đề nghị tỉnh quan tâm, có biện pháp chấn chỉnh tình trạng này trong thời gian tới. Trong lĩnh vực môi trường, có ý kiến tâm huyết đề nghị UBND tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp các bãi rác trên địa bàn tỉnh như: Huyện Cát Tiên, thành phố Đà Lạt, huyện Đức Trọng, thành phố Bảo Lộc, vì vào thời điểm mùa mưa bốc mùi khó chịu, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của Nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện Nghị quyết số 32/2016-NQ/HĐND ngày 8/12/2016 về chính sách xã hội hóa, khuyến khích công tác đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung giai đoạn 2017-2020 cho những địa phương như Cát Tiên, Đạ Tẻh…
 
Trong lĩnh vực giao thông, chất lượng đường giao thông tại một số nơi trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo chất lượng, nhất là tuyến Quốc lộ 27 có nhiều đoạn hư hỏng, xuống cấp đề nghị UBND tỉnh và các đơn vị thi công quan tâm, khắc phục tình trạng xuống cấp ảnh hưởng đến việc lưu thông của Nhân dân. Cần có chế tài và giải pháp thực hiện triệt để giảm thiểu tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông cục bộ vào giờ cao điểm tại các tuyến đường: Ngã tư Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Chiểu, Bến xe Thành Bưởi Lữ Gia (Phường 9), Ngã 5 Đại học Đà Lạt (Phường 8), vòng xoay 3 tháng 2, vòng xoay cầu Ông Đạo; tình trạng dừng đỗ xe không đúng nơi quy định gây mất trật tự, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.
 
Thời gian qua, mặc dù công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường được các ngành chức năng triển khai liên tục trong thời gian qua; xử phạt hành vi vi phạm; tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đủ sức răn đe, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi buôn bán khá phổ biến, nhiều xe máy, bàn ghế, vật dụng của các chủ hộ kinh doanh ngang nhiên được đặt dưới lòng đường, dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ, tai nạn giao thông, va quẹt xe thường xuyên diễn ra tại các tuyến đường nêu trên. 
 
Để đảm bảo an toàn cho mùa mưa lũ, có ý kiến đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Lâm Đồng chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức rà soát những khu vực có nguy cơ sạt lở hoặc từng gây sạt lở, các khu dân cư được hình thành trên những khu vực có địa hình đồi dốc, các công trình xây dựng dân sinh, các bờ taluy có nguy cơ tiềm ẩn.
 
Về văn hóa - xã hội, có ý kiến đề nghị chính quyền và các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp cụ thể, quyết liệt để thu hồi từ các doanh nghiệp số nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế pháp lý để tổ chức công đoàn thực hiện được chức năng đại diện người lao động khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động theo quy định. Đối với các dự án về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh công nhân lao động rất khó tiếp cận do thủ tục, các tiêu chí quy định khắt khe. Đề nghị UBND tỉnh có cơ chế tháo gỡ để công nhân, người lao động có điều kiện tiếp cận và thụ hưởng chính sách này.
 
Liên quan đến chế độ, chính sách, có ý kiến đề nghị theo Điều 2 Nghị quyết số 188/2020/NQ-HĐND ngày 15/7/2020 của HĐND tỉnh Lâm Đồng có nêu phụ cấp hàng tháng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (gồm 3 chức danh là: Bí thư chi bộ; Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố) thuộc loại III. Cụ thể, thôn có ít hơn 200 hộ gia đình và tổ dân phố ít hơn 250 hộ gia đình, được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 0,8 lần mức lương cơ sở, là thấp, vì hiện nay sau khi sáp nhập địa bàn rộng, dân cư đông. Việc thực hiện Đề án sáp nhập thôn, xã theo Nghị quyết số 166/NQ-HĐND ngày 21/1/2020 của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 833/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Nhân dân đồng tình ủng hộ cao, song đề nghị có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với một số cán bộ dôi dư sau sáp nhập. Tỉnh có chủ trương cho rà soát các đối tượng chính sách giai đoạn III thuộc diện được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ (các hộ phát sinh). Quan tâm mở rộng đối tượng được vay vốn từ nguồn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đối với hộ gia đình có thu nhập trung bình.
 
NGUYỆT THU