Tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

02:12, 09/12/2020

(LĐ online) - So với 5 năm trước, số vụ  tai nạn giao thông trong cả nước đã giảm 42,71%, số người chết giảm 19,01% và số người bị thương giảm 53,91%. Đặc biệt năm 2020, tai nạn giao thông đã giảm sâu nhất cả số vụ, số người chết, số người bị thương trong vòng 10 năm qua và lần đầu tiên số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới 7.000 người.

Tai nạn giao thông đường bộ giảm sâu 
 
(LĐ online) - So với 5 năm trước, số vụ  tai nạn giao thông trong cả nước đã giảm 42,71%, số người chết giảm 19,01% và số người bị thương giảm 53,91%. Đặc biệt năm 2020, tai nạn giao thông đã giảm sâu nhất cả số vụ, số người chết, số người bị thương trong vòng 10 năm qua và lần đầu tiên số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới 7.000 người.
 
Đó là số liệu được Uỷ ban ATGT quốc gia công bố vào sáng nay (9/11) tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2016 – 2020 và Năm An toàn giao thông 2020. 
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chủ trì hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội kết nối với 63 điểm cầu tại các địa phương trên cả nước
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình chủ trì hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội kết nối với 63 điểm cầu tại các địa phương trên cả nước
 
5 năm, số vụ TNGT giảm 42,71%
 
Theo số liệu của Uỷ ban ATGT quốc gia, từ năm 2016 đến nay, cả nước có trên 1,8 triệu xe ô tô và gần 18 triệu xe mô tô, trên 1,3 triệu xe máy điện đăng ký mới; nâng tổng số xe đã đăng ký tính đến ngày 14/10/2020 là trên 4,6 triệu xe ô tô, trên 72 triệu mô tô và gần 1,5 triệu xe máy điện.
 
Số lượng xe đăng ký mới tăng, nhưng theo báo cáo của Cục CSGT (Bộ Công an) và Cục Hàng Hải (Bộ GTVT), trong 5 năm qua, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên cả nước đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Toàn quốc xảy ra 94.024 vụ tai nạn giao thông, làm chết 39.917 người, bị thương 77.477 người. So với cùng kỳ 5 năm trước, giảm 70.085 vụ (giảm 42,71%), giảm 9.372 người chết (giảm 19,01%), giảm 90.628 người bị thương (giảm 53,91%).  Kết quả này khẳng định các giải pháp mà Chính phủ đã ban hành giai đoạn 5 năm qua là phù hợp với yêu cầu thực tiễn và có tính khả thi cao.
 
Theo phân tích của Uỷ ban ATGT quốc gia, kết quả đạt được là do sự lãnh chỉ đạo, điều hành toàn diện, kịp thời và quyết liệt của các Bộ, ngành, đoàn thể, cấp uỷ chính quyền các cấp; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành giáo dục, hệ thống cơ quan thông tấn, báo chí, các đoàn thể chính trị-xã hội triển khai đồng bộ. Đồng thời, công tác giáo dục, đào tạo về ATGT cũng được triển khai thực hiện toàn diện trong hệ thống nhà trường (từ bậc mầm non đến đại học); Công tác thanh tra, kiểm tra, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm TTATGT được Bộ Công an, Bộ GTVT và cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo. 
 
Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị chức năng hoàn thành thi công đưa vào khai thác 132 công trình, dự án, như: tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hòa Lạc - Hòa Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, hầm Đèo Cả, Dự án cầu Vàm Cống, Dự án thành phần 3 thuộc dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông…Các dự án hoàn thành được đưa vào khai thác, sử dụng đã góp phần tạo thuận lợi trong lưu thông, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có dự án đi qua.
 
Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý, xử phạt liên quan đến an toàn giao thông thời gian qua cũng được thực hiện khá triệt để và có tính răn đe cao. 
 
Xử lý 1.142 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông
 
Trong giai đoạn 2016 – 2020, các đơn vị chức năng đã xử lý 1.142 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (gấp 05 lần so với giai đoạn 2011 - 2015); sơn kẻ 14.500 km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 20.725 cụm biển báo; sửa chữa bổ sung 654 km hộ lan phòng hộ; xây dựng 56 đường cứu nạn, hốc cứu nạn. 
 
Về lĩnh vực đường sắt: giai đoạn giai đoạn 2016-2020, các đơn vị chức năng đã thực hiện xóa bỏ 480 lối đi tự mở; thu hẹp 1.499 lối đi tự mở; cắm biển “Chú ý tàu hỏa” tại 3.064  vị trí; phối hợp với các địa phương xây dựng 687 gồ, gờ giảm tốc; cắm biển hạn chế phương tiện có chiều rộng dưới 3m tại 159 vị trí. Sửa chữa, cải tạo bề mặt 2.278 đường ngang các loại; cắm bổ sung và sơn sửa 2.819 cọc tiêu, 3.057 biển báo hiệu các loại; sơn 2.764m vạch dừng.
 
 
Từ năm 2016 đến năm 2020, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý 20.992.653 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền 14.118 tỷ 666 triệu đồng, tước 1.735.130 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 3.174.632 phương tiện.  
 
Lực lượng Thanh tra giao thông vận tải cũng đã thực hiện gần 500.000 cuộc thanh tra, kiểm tra theo chức năng; xử phạt vi phạm hành chính trên 400.000 vụ với số tiền gần 2.000 tỷ đồng; tạm giữ trên 2.000 ô tô; đình chỉ hoạt động gần 3.000 bến thủy nội địa, trên 2.000 phương tiện thủy nội địa; giám sát gần 5.000 kỳ sát hạch lái xe ô tô và trên 4.000 kỳ sát hạch lái xe mô tô.
 
Đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, đoàn thể
Đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, đoàn thể
 
Vẫn còn diễn biến phức tạp 
 
Mặc dù tình hình TTATGT có nhiều chuyển biến, tuy nhiên theo phân tích của các đại biểu, thì vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp: số vụ số người chết và bị thương  vì TNGT vẫn còn ở mức cao; vẫn còn để xẩy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải. Riêng TNGT đường thủy tăng cao về số vụ (tăng 7,27%) và số người chết (tăng 79,17%). 
 
Tình trạng vi phạm chở quá tải trọng của xe ô tô tải giảm sâu trong năm 2014 - 2015 nhưng từ năm 2016 đến nay, tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ vẫn còn diễn biến phức tạp ở những địa bàn có nhiều mỏ vật liệu, cửa khẩu, cảng biển, bến sông. Gần đây tái diễn hiện tượng xe chở quá tải chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện, xử lý; hiện tượng cơi nới thành, thùng xe cũng tái diễn tại một số địa phương nhưng chưa bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. 
 
Tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp trên các trục giao thông trọng điểm và các đô thị lớn, không chỉ tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. 
 
Trước tình hình này, phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc kiến nghị: Năm 2021 là năm đầu tiên của thập kỷ, cũng là năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, vì vậy, các chỉ tiêu về đảm bảo an toàn giao thông cần được nâng cao hơn nữa để phù hợp với giai đoạn phát triển mới.
 
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng kiến nghị, Chính phủ và các Bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện các hệ thống văn bản pháp luật về giao thông cả lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thuỷ trong đó phải có sự chuyên sâu, phân biệt rõ giữa các loại hình giao thông. Hiện tại vẫn còn tồn tại các điểm đen rải rác trên các địa bàn vẫn chưa được xử lý và giải quyết dứt điểm.
 
5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh: “Mặc dù giai đoạn 2016 – 2020 đạt được nhiều kết quả đáng mừng nhưng chúng ta chưa thể hài lòng vì số vụ tai nạn, số người chết vẫn còn cao. Thời gian tới, tôi yêu cầu các cấp Bộ, ngành, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương đối với công tác này.” 
 
Mục tiêu Chính phủ đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025 là nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng; Giảm tai nạn giao thông từ 5-10% số vụ, số người chết, bị thương hàng năm; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; giảm tai nạn giao thông do nguyên nhân uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông; Tiếp tục kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm và tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh… Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các Bộ ngành, địa phương trình bày tại hội nghị và tăng cường theo dõi, đôn dốc thực hiện, giải quyết các kiến nghị chính đáng. 
 
Phó Thủ tướng cũng đề ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm yêu cầu thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025, đó là: Tiếp tục nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật về ATGT; Đẩy mạnh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, siết chặt các dự án đầu tư về giao thông; nỗ lực đến năm 2023, xoá toàn bộ các lối đi băng ngang đường sắt; Nâng cao năng lực hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát; Sáng tạo, đổi mới và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT; đẩy mạnh công tác phát triển và hoàn thiện hệ thống cứu hộ giao thông trên cả nước.
 
NGUYỄN NGHĨA