Tổng kết công tác giao thông vận tải

01:12, 24/12/2020

(LĐ online) - Sáng 24/12, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác giao thông vận tải năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạ 2021 - 2025...

(LĐ online) - Sáng 24/12, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác giao thông vận tải năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạ 2021 - 2025. Hội nghị được tổ chức trực tuyến kết nối điểm cầu Hà Nội với 62 điểm cầu ở 62 tỉnh, thành cả nước. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa chủ trì tại đầu cầu Lâm Đồng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa chủ trì tại đầu cầu Lâm Đồng
 
Chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có các đồng chí: Trịnh Đình Dũng - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Thể - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa chủ trì hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo ngành giao thông vận tải; đại diện lãnh đạo một số ban, ngành liên quan. 
 
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết liệt cải cách, đổi mới, triển khai đồng bộ các giải pháp, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, lĩnh vực công tác của ngành, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và xã hội, góp phần cùng Chính phủ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Trong đó, có nhiều thành tựu nổi bật được xã hội và người dân ghi nhận như: Hoàn thành 100% chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Giao thông Vận tải về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), không để nợ đọng. Chất lượng, tính ổn định của các văn bản QPPL, đề án của Bộ ngày càng được cải thiện, nâng cao qua từng năm; công tác xây dựng quy hoạch đã bước đầu đáp ứng yêu cầu định hướng cho công tác đầu tư theo thứ tự ưu tiên và là những cơ sở pháp lý quan trọng trong quá trình hình thành chủ trương, xây dựng các chính sách, kế hoạch 5 năm và hàng năm để tổ chức thực hiện. 
 
Công tác cải cách hành chính cũng được tập trung thực hiện có hiệu quả. Hệ thống kết cầu hạ tầng giao thông đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế. 
 
Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu Lâm Đồng
Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu Lâm Đồng
 
Trong giai đoạn 2016-2019, sản lượng vận tải luôn đạt và vượt mức kế hoạch đề ra; vận tải hàng hóa có tốc độ tăng trưởng bình quân 11,87%/năm về khối lượng vận chuyển và 7,1%/năm về khối lượng luân chuyển. Vận tải hành khách có tốc độ tăng trưởng bình quân 11,75%/năm về khối lượng vận chuyển và 10,4%/năm về khối lượng luân chuyển. Tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Chất lượng dịch vụ vận tải có sự cải thiện vượt bậc, xuất hiện nhiều phương tiện hiện đại, chất lượng cao, nhất là vận tải hàng không, tăng gấp 5 lần năm 2011, cao nhất trong tất cả các lĩnh vực. 
 
Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được thực hiện đồng bộ các giải pháp như hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo đảm, trật tự ATGT; hoàn thành và kịp thời đưa vào khai thác có hiệu quả các dự án, công trình hạ tầng giao thông quy mô lớn, hiện đại; làm tốt công tác sửa chữa, bảo trì, khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên hệ thống hạ tầng giao thông các lĩnh vực; công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép cho người điều khiển phương tiện trên trên tất cả các lĩnh vực đã được siết chặt; thực hiện tốt công tác đăng kiểm phương tiện và chủ trì cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác đăng ký phương tiện nhờ đó công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực…
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra, giai đoạn vừa qua ngành giao thông vận tải vẫn còn có những khó khăn, tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục như: Hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, quản lý vận tải... chưa đồng bộ, đầy đủ, chưa kịp thời ở một số lĩnh vực nên chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thực tiễn. 
 
Hệ thống hạ tầng giao thông vận tải vẫn còn thiếu đồng bộ, tính kết nối vẫn chưa cao, chi phí vận tải chưa hợp lý và giảm hiệu quả khai thác vận tải. Chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy nội địa còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Thị phần vận tải chưa hợp lý, số lượng doanh nghiệp vận tải, dịch vụ logistics có đủ năng lực dẫn dắt thị trường và cạnh tranh quốc tế còn ít. Đầu tư cho khoa học công nghệ trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao vẫn còn hạn chế. Các quy định về bảo vệ môi trường còn nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn chồng chéo, chưa có cơ chế giám sát đồng bộ ngay từ những khâu đầu để tăng cường tính phòng ngừa, cảnh báo, ngăn chặn kịp thời.
 
Đèo Prenn được đầu tư mở rộng ngày càng khang trang, phần nào đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông ở tuyến cửa ngõ TP Đà Lạt
Đèo Prenn được đầu tư mở rộng ngày càng khang trang, phần nào đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông ở tuyến cửa ngõ TP Đà Lạt
 
Tại một số công trình, dự án trọng điểm đang triển khai vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp, công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu còn nhiều vướng mắc, các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng nói chung còn nhiều bất cập, chưa có nhiều cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án trọng điểm hoặc dự án cấp bách; một số dự án lớn hơn 10.000 tỷ đồng khi điều chỉnh tổng mức đầu tư cần báo cáo Quốc hội thông qua do hình thành yếu tố quan trọng quốc gia... ảnh hưởng đến tiến độ chung của nhiều dự án đang và sắp triển khai như: Hiện nay, còn 6 dự án trọng điểm đang triển khai chậm tiến độ (Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và 5 dự án đường sắt đô thị); công tác triển khai một số dự án mới cũng còn chậm. 
 
Hội nghị cũng dành phần lớn thời gian để các đại biểu tham gia tham luận và trình bày, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến ngành giao thông: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giải ngân vốn giao thông đường bộ…
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận những khó khăn vướng mắc của ngành giao thông vận tải, ghi nhận những kết quả mà ngành giao thông đã thực hiện được trong năm 2020. Phó Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những bài học kinh nghiệm, nguyên nhân, hạn chế của ngành và đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 yêu cầu ngành tập trung thực hiện.
 
Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, 5 năm qua là giai đoạn rất khó khăn của ngành giao thông vận tải. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tập thể cán bộ, công nhân viên ngành giao thông vận tải đã nỗ lực hoàn thành cơ bản nhiệm vụ trong giai đoạn qua. Đặc biệt, các vấn đề nóng của ngành cũng đã được ngành xử lý cơ bản. Kêu gọi cán bộ ngành tiếp tục nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2021.
 
NGUYỄN NGHĨA