Việt Nam khẳng định bản lĩnh và nâng tầm vị thế trong năm 2020

04:12, 31/12/2020

Lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao đất nước, Việt Nam đảm nhận vai trò kép, vừa là Chủ tịch luân phiên ASEAN, vừa là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao đất nước, Việt Nam đảm nhận vai trò kép, vừa là Chủ tịch luân phiên ASEAN, vừa là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.
 
Năm 2020 được truyền thông quốc tế đánh giá là một năm thực sự đặc biệt đối với Việt Nam.
 
Lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao đất nước, Việt Nam đảm nhận vai trò kép, vừa là Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vừa là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
 
Năm 2020 cũng là năm đầy thách thức đối với Việt Nam vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã và đang tiếp tục diễn biến phức tạp, làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của toàn thế giới.
 
Trong một năm khó khăn và biến động như vậy, như nhận định của Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia), 2020 là năm Việt Nam thể hiện bản lĩnh, nâng tầm vị thế, tạo được niềm tin trong khu vực và toàn cầu.
 
Cả năm 2020, cái tên "Việt Nam" xuất hiện với tần suất dày đặc trên các phương tiện truyền thông quốc tế và thường xuyên được các quan chức, chuyên gia, học giả nước ngoài nhắc tới với ấn tượng về những thành quả đối nội và đối ngoại của "đất nước hình chữ S."
 
Xuyên suốt cả năm, mô hình chống dịch "không ai bị bỏ lại phía sau" của Việt Nam và cách thức kiểm soát dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất với mức chi phí tối thiểu được giới chuyên gia và truyền thông quốc tế tìm hiểu, nghiên cứu, đề cao, coi là "hình mẫu," là "tấm gương" để nước khác học hỏi.
 
Nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời duy trì, phục hồi, phát triển kinh tế đạt kết quả cao nhất có thể khiến Việt Nam được coi là "điểm sáng kinh tế" trong một năm kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trầm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
 
Với mức tăng trưởng năm 2020 đạt 2,91%, các thể chế tài chính quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất. Tạp chí The Economist coi Việt Nam là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020.
 
Giáo sư Vladimir Mazyrin, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, gọi đây là một "thành công kinh tế phi thường" trong bối cảnh suy thoái và khủng hoảng chung, chắc chắn sẽ giúp Việt Nam vươn lên vị trí cao hơn trong tất cả các bảng xếp hạng thế giới trong thời gian sắp tới.
 
Lý giải những thành quả trên, báo Manila Times của Philippines nhận định "Việt Nam dường như là điểm sáng kinh tế duy nhất ở châu Á nhờ cân bằng rất tốt giữa vấn đề bảo đảm sức khỏe cộng đồng và tăng trưởng kinh tế ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát."
 
Nhật báo Business Times của Singapore và hãng tin Reuters của Anh khẳng định chính những biện pháp cách ly và truy vết nghiêm ngặt đã giúp Việt Nam nhanh chóng khống chế các đợt bùng phát dịch, đưa hoạt động kinh tế phục hồi trở lại nhanh hơn so với nhiều nước châu Á khác.
 
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati nhấn mạnh Việt Nam là một trong hai quốc gia trên thế giới duy trì được tăng trưởng kinh tế tích cực trong giai đoạn đại dịch COVID-19 (cùng với Trung Quốc). Bà Sri Mulyani Indrawati cho rằng việc kiểm soát dịch bệnh thành công đã giúp Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng trong năm 2020.
 
Cùng chung nhận định trên, ông Sonny Africa, Giám đốc điều hành Ibon Foundation (tổ chức nghiên cứu, giáo dục và phát triển thông tin phi lợi nhuận có trụ sở tại Philippines), lưu ý chìa khóa thành công của Việt Nam trong cuộc khủng hoảng hiện nay là cách Việt Nam “ứng phó với đại dịch để giữ cho nền kinh tế phát triển."
 
Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19.
 
Nhà báo danh tiếng của Indonesia Veeramalla Anjaiah trong bài viết với nhan đề “Học hỏi từ cách thức chống dịch COVID-19 của Việt Nam” đăng trên tờ Jakarta Post nêu rõ Việt Nam là quốc gia năng động với rất nhiều câu chuyện thành công về tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, đầu tư hay du lịch, nhưng câu chuyện thành công mới nhất của Việt Nam là trong lĩnh vực y tế.
 
Về kinh tế, Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng tốt nhất thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra những tác động tiêu cực trên toàn cầu.
 
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo hoạt động kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong năm 2021, đạt sự ổn định vĩ mô về mọi mặt, từ tăng trưởng, thâm hụt tài khoản vãng lai đến việc làm. IMF khẳng định nền kinh tế Việt Nam đủ đa dạng để chống đỡ sự suy giảm kinh tế do COVID-19 gây ra và đạt tăng trưởng tích cực.
 
Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) ở Anh dự báo kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 19 thế giới vào năm 2035. Theo CEBR, trong giai đoạn 2021-2025, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 7%, đạt 6,6% trong 10 năm tiếp theo và đến năm 2035 sẽ vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan.
 
Từ một góc nhìn khác, báo Financial Times (Anh) đánh giá Việt Nam đang trở thành “mắt xích” đầy hứa hẹn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các công ty đa quốc gia đang rốt ráo xây dựng cơ sở tại Việt Nam vì Việt Nam đã khẳng định vị thế vững chắc với các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu và mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày càng mở rộng, gồm cả FTA mới đây với Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh.
 
Cùng nhận định tương tự, trang mạng seekingalpha.com cho rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành một “công xưởng của thế giới," bởi so với một số nước láng giềng, Việt Nam có nền kinh tế đa dạng hơn, Việt Nam đang bước vào “kỷ nguyên vàng” về nhân khẩu học khi hơn 70% dân số dưới 35 tuổi, và số dân thuộc tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 26% vào năm 2025/2026, tạo động lực lớn cho tiêu dùng và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng. Nhiều công ty sẽ muốn tận dụng sự bùng nổ tiêu dùng này và có một bước nhảy vọt để đầu tư hơn nữa vào nền kinh tế Việt Nam.
 
Về đối ngoại, Việt Nam cũng đã ghi được những dấu ấn đặc biệt trong năm Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA) và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
 
Vai trò của Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 được Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đánh giá là “mẫu mực” bởi Việt Nam đã thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn dắt khu vực gắn kết và chủ động thích ứng với các thách thức mới, trước hết là dẫn dắt ASEAN ứng phó với COVID-19 bất ngờ xuất hiện.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 dự Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 dự Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP.
 
Hãng tin Nga Sputnik nhấn mạnh điểm đặc sắc nhất của Năm ASEAN 2020 do Việt Nam chủ trì là các hội nghị trực tuyến. Trong bối cảnh đại dịch hoành hành khiến nhiều hoạt động bị gián đoạn, Việt Nam đã rất chủ động, linh hoạt và nhanh nhạy trong việc ứng dụng không gian mạng để tổ chức các hội nghị theo kế hoạch của Năm ASEAN và được tất cả các nước ASEAN cũng như đối tác hưởng ứng. Thành công này chứng minh rằng đại dịch COVID-19 không thể phá vỡ sự gắn kết của toàn khối ASEAN.
 
Chuyên gia Hiroyuki Moribe, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam (VERI) tại Nhật Bản, khẳng định: “Việt Nam đã hoàn thành thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, nhất là khi tác động của dịch COVID-19 đã vượt quá sức tưởng tượng."
 
Theo ông Moribe, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam gánh trọng trách rất lớn trong việc dẫn dắt ASEAN đề ra các giải pháp cho nhiều vấn đề quan trọng, Việt Nam đã phát huy được năng lực quản lý và khả năng điều phối nhằm đối phó với dịch COVID-19, duy trì tốt sự ổn định.
 
Chia sẻ quan điểm này, Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales cho rằng Việt Nam đã chủ động thể hiện bản lĩnh và vai trò lãnh đạo đặc biệt trong bốn lĩnh vực gồm thống nhất các quốc gia thành viên ASEAN ứng phó với đại dịch và phục hồi; tạo dựng sự đồng thuận về lập trường trung lập và vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh giữa các siêu cường; điều hành thành công việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); củng cố tuyên bố mang tính chính sách của ASEAN về Biển Đông bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). 
 
Trên cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam được đánh giá đã thể hiện vai trò chủ động, cân bằng và đầy trách nhiệm, mà mới nhất là việc chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy để Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm.
 
Bộ trưởng Ngoại giao Mozambique Verónica Nataniel cho rằng Việt Nam đã đảm đóng góp một cách tích cực và hiệu quả cho hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó bao gồm những sáng kiến thiết thực đối với hòa bình và an ninh tại châu Phi.
 
Trưởng phái đoàn thường trực Bỉ tại Liên hợp quốc, Đại sứ Philippe Kridelka nêu rõ: “Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ và có được lòng tin của thế giới." Chính vì vậy, Đại sứ Philippe Kridelka tin rằng Việt Nam có thể là cầu nối hết sức hiệu quả giữa các nước, qua đó đóng góp nhiều hơn nữa để Hội đồng Bảo an có được sự đồng thuận, để các nước ủy viên thường trực như Nga, Mỹ và Trung Quốc hiểu nhau hơn.
 
Đại sứ Dian Triansyah Djani, Trưởng phái đoàn thường trực Indonesia nhấn mạnh: "Việt Nam đã rất thành công tại Hội đồng Bảo an trong năm 2020." Ông cũng bày tỏ niềm tin Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy được những đóng góp trong nhiều lĩnh vực tại Hội đồng Bảo an, đặc biệt là nỗ lực mang lại hòa bình cho Trung Đông và châu Phi, đặc biệt khi Việt Nam lần thứ hai trong nhiệm kỳ đảm đương vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 4/2021.
 
Ngày 21/1/2020, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1/2020, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Palestine-Israel.
Ngày 21/1/2020, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1/2020, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tình hình Palestine-Israel.
 
Đại sứ Nathalie Estival-Broadhurst, Phó Trưởng phái đoàn thường trực Pháp tại Liên hợp quốc, cũng nhận định Việt Nam đã làm rất tốt trách nhiệm của mình, đã tổ chức thành công một phiên thảo luận mở rất thú vị về Hiến chương của Liên hợp quốc, đồng thời "đã rất thành công trong việc kết nối ASEAN với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc." Bà nêu rõ: "Việt Nam là một đối tác mạnh tại Hội đồng Bảo an, đồng thời cũng là một đối tác truyền thống của Pháp trong khối Pháp ngữ Francophonie."
 
Khép lại một năm 2020 được coi là "gây cú sốc chấn động với nền kinh tế toàn cầu và đời sống cộng đồng," Việt Nam là quốc gia hiếm hoi vẫn duy trì tăng trưởng dương, dịch bệnh được kiểm soát, bảo đảm an sinh xã hội, thể hiện rõ vai trò kết nối, thúc đẩy hợp tác quốc tế và làm sâu sắc thêm lòng tin giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực.
 
Hãng Sputnik nhận định rằng "Việt Nam là hình mẫu đích thực của năm 2020," những thử thách mà Việt Nam đối mặt và vượt qua đã cho thấy "sức mạnh kiên cường của người dân và sự sáng suốt của ban lãnh đạo đất nước," nhận được sự kính trọng, ngưỡng mộ chân thành của cộng đồng thế giới và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
 
Trong khó khăn và thách thức của năm 2020, bản lĩnh và vị thế Việt Nam được khẳng định một cách toàn diện, rõ nét. Đây cũng là hành trang để Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế bước vào năm 2021, năm được dự báo sẽ có những thay đổi rất phức tạp và khó đoán định khi thế giới tiếp tục phải hứng chịu cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt cả về y tế, kinh tế, xã hội và quản trị do đại dịch COVID-19 gây ra.
 
(Theo TTXVN)