(LĐ online) - Đại hội Quốc dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì họp tại khu giải phóng ở Tân Trào ngày 16 và 17/8/1945 đã có những quyết định mang tính bước ngoặt lịch sử dân tộc.
(LĐ online) - Đại hội Quốc dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì họp tại khu giải phóng ở Tân Trào ngày 16 và 17/8/1945 đã có những quyết định mang tính bước ngoặt lịch sử dân tộc.
|
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I - Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh: hochiminh.vn) |
Đại hội ban hành Nghị quyết ấn định nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu sau khi kháng chiến thành công; quy định Quốc kỳ, Quốc ca và bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam - sau này được cải tổ thành Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khởi đầu của nhà nước kiểu mới ở Việt Nam.
Ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với thế giới rằng: Việt Nam đã thành một nước tự do, độc lập. Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận lãnh sứ mệnh lịch sử được Nhân dân giao phó, thực hiện chức năng của nhà nước một cách hợp pháp về đối nội, đối ngoại.
Ngay hôm sau, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 6 nhiệm vụ cấp bách; trong đó, có nhiệm vụ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, soạn thảo Hiến pháp dân chủ.
Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 14 quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội, tại Điều 2 của Sắc lệnh ghi rõ: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”.
Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 51 quy định Tổng tuyển cử bằng phổ thông đầu phiếu. Ðây là những sắc lệnh quan trọng đầu tiên thể chế hóa nền dân chủ cộng hòa, thực thi quyền làm chủ của Nhân dân, bầu ra cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong bài Ý nghĩa của Tổng tuyển cử, đăng trên Báo Cứu quốc ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ đoàn kết".
Kế hoạch Tổng tuyển cử lúc bấy giờ diễn ra trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài, “giặc đói”, “giặc dốt” hoành hành; tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, tiềm ẩn những bất ổn; các thế lực phản động ra sức phá hoại, kêu gọi tẩy chay Tổng tuyển cử, đe dọa xóa bỏ nền dân chủ còn non trẻ và sự sống còn của nhà nước cách mạng Việt Nam mới thành lập. Theo quy định tại Sắc lệnh 51, 23/12/1945 là ngày Tổng tuyển cử nhưng phải hoãn đến ngày 6/1/1946.
Vượt qua bao thác ghềnh khó khăn, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã diễn ra ngày 6/1/1946 trên đất nước Việt Nam, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ đều được hưởng quyền chính trị cơ bản của công dân, bầu cử và ứng cử Quốc hội.
Hơn 89% tổng số cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu, bầu ra 333 đại biểu vào Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; trong đó, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% số đại biểu không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hồ Chí Minh ứng cử ở Hà Nội và đã trúng cử với số phiếu cao nhất là 98,4%.
Thắng lợi của cuộc Tổng Tuyển cử là mốc son chói lọi, mở lối tiên phong cho con đường phát triển thể chế dân chủ, cộng hòa của nước Việt Nam sau hàng ngàn năm bị thống trị bởi chế độ phong kiến và gần 100 năm xiềng xích thực dân.
Thắng lợi của cuộc Tổng Tuyển cử là thắng lợi của quá trình đấu tranh chính trị vô cùng cam go, quyết liệt, chỉ một chút do dự sai lầm là thất bại, đòi hỏi sự lãnh đạo sáng suốt, bản lĩnh, quyết đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, kể cả “phải dùng những phương pháp - dù là những phương pháp đau đớn - để hòa giải, cứu vãn tình thế”, như: Đảng tự tuyên bố giải tán (sự thực là rút vào hoạt động bí mật); hay việc Việt Minh nhượng bộ đặc cách thêm 70 ghế trong Quốc hội cho 2 tổ chức Việt Cách (Việt Nam Cách mạng đồng minh hội) và Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân đảng) mà không thông qua bầu cử.
Thắng lợi của cuộc Tổng Tuyển cử thể hiện quyết tâm chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn Đảng một lòng vì dân, đặt trọn niềm tin nơi dân, được Nhân dân đồng lòng, che chở, bảo vệ. Thông qua Tổng tuyển cử đã thổi bùng ngọn lửa tinh thần yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng dân chủ, thực hiện quyền chính trị thiêng liêng của Nhân dân theo lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Về mặt chính trị, thì Nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”.
Kỷ niệm 75 năm cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử cuộc đăng trình dài của dân tộc trên con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ lựa chọn. Từ đó, rút ra bài học quý báu, tích cực chuẩn bị tiến tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được Quốc hội khóa XIV ấn định ngày 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước trong thời kỳ mới, là dịp Nhân dân tiếp tục thể hiện ý chí của mình trong tổ chức quyền lực Nhà nước, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.
VÂN NGUYÊN