Kể từ mùa xuân năm 1930 đến mùa xuân năm 2021 - chín mươi mốt mùa xuân từ khi nhân dân ta có Đảng, khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc, phồn vinh luôn là mạch chảy xuyên suốt, làm nên những mùa xuân của Đảng, nhân dân, đất nước...
Kể từ mùa xuân năm 1930 đến mùa xuân năm 2021 - chín mươi mốt mùa xuân từ khi nhân dân ta có Đảng, khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc, phồn vinh luôn là mạch chảy xuyên suốt, làm nên những mùa xuân của Đảng, nhân dân, đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - một chính đảng cầm quyền đầy bản lĩnh, độc lập, sáng tạo, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, dân tộc Việt Nam quyết tâm hiện thực hóa khát vọng xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
|
Chín mươi mốt mùa xuân từ khi nhân dân ta có Đảng, khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc, phồn vinh luôn là mạch chảy xuyên suốt, làm nên những mùa xuân của Đảng, nhân dân, đất nước (Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Tết nhân dân Thủ đô Hà Nội trước thời khắc giao thừa bước sang năm mới Tân Sửu 2021). Ảnh: Tư liệu |
Khát vọng từ những mùa xuân đấu tranh giành độc lập, tự do
Mùa xuân năm 1930, lịch sử dân tộc mở ra một trang mới, mốc son mới với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt vô cùng to lớn và quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam: chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước và tổ chức lãnh đạo phong trào yêu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đảng ra đời là do yêu cầu phát triển tất yếu của xã hội Việt Nam, là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; đồng thời, đó cũng là do sự đóng góp quan trọng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - người tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt vô cùng lớn và quan trọng trong suốt quá trình phát triển của cả dân tộc Việt Nam, mở ra một thời kỳ quyết định đến chiều hướng phát triển cho dân tộc trong thời đại mới.
Hội nghị thành lập Đảng đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng; xác định đường hướng phát triển và những vấn đề cơ bản về chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam - hợp thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Cương lĩnh của Đảng thể hiện bản lĩnh chính trị độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng; lần đầu tiên, cách mạng Việt Nam có một văn kiện chính trị phản ánh đúng quy luật khách quan của xã hội Việt Nam. Cương lĩnh đã đáp ứng những nhu cầu cơ bản và cấp bách của xã hội Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại, định hướng chiến lược đúng đắn cho tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam; mở ra mạch chảy xuyên suốt đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc nhân dịp thành lập Đảng nêu rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, “Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta”(1). Từ đây, Đảng nắm lấy vai trò lãnh đạo cách mạng và dẫn dắt nhân dân Việt Nam đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Trong không khí của những ngày xuân, sau những bước thăng trầm của cách mạng, Đại hội lần thứ nhất của Đảng diễn ra tại Ma Cao (Trung Quốc) vào tháng 3-1935. Đại hội đề ra 3 nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của Đảng: củng cố và phát triển Đảng; đẩy mạnh cuộc vận động quần chúng; chống chiến tranh đế quốc. Đại hội thông qua một loạt nghị quyết quan trọng: về vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh lính; về công tác phản đế đồng minh, công tác vận động các dân tộc thiểu số; về đội tự vệ, về cứu tế đỏ... Đại hội là mốc son khẳng định Đảng ta đã vượt qua được những năm tháng khắc nghiệt của khủng bố trắng, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của hệ thống tổ chức đảng và phong trào cách mạng; tiếp bước tới thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc. Đây là thời khắc vô cùng trọng đại không chỉ đối với lịch sử cách mạng Việt Nam, đáp ứng đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng trong nước, sự phát triển của tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam mà còn cả đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Trên cơ sở phân tích, đánh giá diễn biến cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, tình hình trong nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám khóa I (từ ngày 10-5 đến ngày 19-5-1941). Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết, hàng đầu của cách mạng Việt Nam lúc này và cần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Nguyễn Ái Quốc đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra quyết sách để hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, đáp ứng khát vọng của các tầng lớp nhân dân, phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng thế giới, có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước. Đường lối đúng đắn đó của Đảng mở đường đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Đảng đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị và tầm cao trí tuệ trong lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân tộc qua các cao trào cách mạng. Đảng đã vượt qua muôn vàn khó khăn do sự khủng bố của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, duy trì và phát triển sức sống của mình. Với tinh thần anh dũng và sáng suốt, Đảng đã xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, nắm được thời cơ đứng lên lãnh đạo Tổng Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Đảng trở thành Đảng cầm quyền.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đã làm thay đổi vận mệnh của dân tộc Việt nam: từ dân tộc thuộc địa trở thành dân tộc độc lập; làm thay đổi số phận của mỗi người dân Việt Nam: từ thân phận của kiếp người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ chính bản thân mình. Chỉ sau 15 năm từ ngày ra đời, Đảng đã giành lại độc lập dân tộc cho nhân dân Việt Nam, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và 5 năm đô hộ của phát-xít Nhật; lật nhào ách thống trị của chế độ phong kiến tay sai; mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Từ mùa xuân năm 1946, nhân dân ta được đón: “Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam độc lập”(2), “Tết này mới thật Tết dân ta”(3). Những mùa xuân độc lập của dân tộc luôn gắn với lời thề độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(4). Lời thề độc lập trở thành ngọn đuốc soi đường để nhân dân ta tiếp tục kháng chiến, bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám và xây dựng đất nước phồn vinh dưới sự dẫn dắt của Đảng.
Trước âm mưu và hành động của thực dân Pháp hòng biến nước ta thành thuộc địa một lần nữa, cả dân tộc đã đứng lên hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(5), thực hiện đường lối kháng chiến của Đảng “Toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính”. Khẳng định quyết tâm sắt đá bảo vệ độc lập, tự do, giải phóng dân tộc, Đảng lãnh đạo quân dân cả nước kết hợp chặt chẽ kháng chiến với kiến quốc, kiến quốc để kháng chiến; xây dựng hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến lâu dài trước kẻ thù là thực dân Pháp được đế quốc Mỹ đứng sau hà hơi, giúp sức.
Mùa xuân năm 1951, Đảng tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II tại Tuyên Quang. Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai(6) và đổi tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam, khẳng định: “Quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”(7). Đại hội thông qua Chính cương Đảng Lao động Việt Nam, xác định những vấn đề chiến lược, nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam lúc này là: “đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, giành độc lập và thống nhất thật sự cho dân tộc, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội”(8). Đại hội II của Đảng đánh dấu bước trưởng thành lớn trong tư duy lý luận của Đảng về cách mạng, chiến tranh cách mạng, thổi vào cuộc kháng chiến một nguồn sinh lực mới, được coi là “Đại hội đẩy mạnh kháng chiến thắng lợi”. Để từ đó đến mùa xuân lịch sử năm 1954, cả nước dồn sức người, sức của chiến đấu và giành chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, chấn động địa cầu; dóng lên hồi chuông khai tử đối với chủ nghĩa thực dân cũ và góp phần quan trọng vào phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới; buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7-1954), công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ kết thúc thắng lợi đã khẳng định sức mạnh và truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Miền Bắc được giải phóng, tạo bước ngoặt cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến, kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơ-ne-vơ, là thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Sau khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, trước âm mưu và hành động của đế quốc Mỹ muốn chia cắt Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, nhân dân ta buộc phải tiếp tục cầm vũ khí bảo vệ độc lập dân tộc. Trăn trở sau nhiều năm, Đảng tìm ra con đường cách mạng cho miền Nam bằng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 (năm 1959), đã phản ánh và đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn, mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, thể hiện rõ bản lĩnh độc lập tự chủ, sáng tạo của Đảng trong những thời điểm khó khăn. Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 đã nhen lên ngọn lửa Đồng khởi, mở đầu từ mùa xuân năm 1960, làm bùng lên phong trào rộng lớn, chuyển thế chiến lược cho cách mạng miền Nam bước vào kháng chiến cứu nước.
Đảng tiếp tục bổ sung đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (năm 1960), xác định mục tiêu: “Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước”(9). Cả nước với không khí tiếp tục những mùa xuân “Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ” - những mùa xuân của tinh thần quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc. “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”(10).
Xuân Mậu Thân năm 1968 cả nước thực hiện quyết định táo bạo của Đảng, lấy câu thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch làm mệnh lệnh: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”. Đó là mùa Xuân Tổng tiến công và nổi dậy long trời, lở đất đánh vào cơ quan đầu não của Mỹ, chính quyền Sài Gòn, giáng đòn bất ngờ lớn vào quân xâm lược. Giữa tiếng súng Tổng Tiến công và nổi dậy ở miền Nam, cả nước hồi hộp, xúc động, tự hào lắng nghe thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác Hồ: “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”(11). Thơ của Bác là lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết của Tổ quốc, tựa như lời hịch của cha ông ta vang vọng từ ngàn xưa, yêu cầu nghĩa vụ thiêng liêng của dân tộc đối với muôn đời con cháu. “Tết Mậu Thân thắng rất lớn, mà lớn nhất là đánh bại được ý chí xâm lược của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quyết định của chiến tranh”(12); buộc chúng phải thay đổi chiến lược quân sự, xuống thang chiến tranh; mở ra thời kỳ “vừa đánh, vừa đàm” để giành thắng lợi quyết định, tiến tới thắng lợi hoàn toàn của dân tộc ta. Cả nước dồn sức, đồng lòng vì độc lập, vì tự do để có mùa Xuân năm 1975 - mùa Xuân của đại thắng!
Mùa xuân năm 1973 là mùa xuân của sức mạnh Việt Nam trên bàn đàm phán ngoại giao. Sau gần 5 năm đàm phán tại hội nghị Pa-ri (từ ngày 13-5-1968 đến 27-01-1973), vừa đấu lý, vừa đấu trí, ta đã buộc Mỹ ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam mà Mỹ đã từ chối ký gần 20 năm trước tại Hội nghị Giơ-ne-vơ. Hiệp định Pa-ri được ký kết, chúng ta từng bước thực hiện di nguyện của Bác Hồ trong bài thơ chúc Tết trước lúc đi xa: “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn”(13).
Với sức mạnh “một ngày bằng 20 năm”, “thần tốc, thần tốc hơn nữa/ táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa/ tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam”, “Nắm vững thời cơ lớn, chúng ta nhất định giành toàn thắng”, sau 55 ngày Tổng tiến công và nổi dậy, “tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất”, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà, giang sơn nối liền một dải. Mùa xuân năm 1975 cả nước thống nhất - “hoàn thành độc lập trong cả nước là thắng lợi vĩ đại của toàn dân ta”. Mùa xuân ấy xác lập tiếp cột mốc vinh quang chói lọi vào lịch sử đất nước, tô đậm truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Sức mạnh của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là: sức mạnh tổng hợp của chủ nghĩa xã hội và cách mạng dân tộc dân chủ, là sức mạnh của dân tộc ta kết hợp sức mạnh của ba dòng thác cách mạng của thời đại. Đó là thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng với đường lối độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm cách mạng Việt Nam ở cả hai miền. Kể từ mùa Xuân năm 1975, đồng bào cả nước được hưởng trọn niềm hạnh phúc, thực hiện thành công khát vọng độc lập, tự do.
|
Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc _Tranh: "Nắm đất quê hương" của họa sĩ Phạm Công Thành tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam |
Khát vọng từ những mùa xuân hòa bình, đổi mới, phát triển
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, năm 1979, một lần nữa, lịch sử lại đặt ra những thử thách đối với Đảng, nhân dân: thiên tai diễn ra liên tục, chiến tranh ở hai đầu biên giới, những dấu hiệu khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng rõ... Trong khó khăn hiểm nghèo đó, Trung ương Đảng kêu gọi “Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai... triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc”. Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước được công bố, người dân cả nước sẵn sàng và quyết tâm đứng lên chiến đấu vì độc lập, tự do, bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
Trước khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, với tác động của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật, đổi mới trở thành “mệnh lệnh của cuộc sống” đối với Đảng, đối với dân tộc. Trải qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm thực tiễn kết hợp với đổi mới tư duy lý luận, quan điểm và chính sách đổi mới của Đảng đã từng bước hình thành và thực hiện từng phần. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) mở đầu đường lối đổi mới toàn diện đất nước “vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”. Đại hội VI của Đảng có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu bước ngoặt trong quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội đã tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội bằng việc đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đặt nền tảng cho việc tìm ra con đường thích hợp đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đường lối đổi mới là sản phẩm và tư duy khoa học của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện quyết tâm đổi mới của Đảng. Đường lối đổi mới do Đảng tổng kết sáng kiến từ nhân dân để khởi xướng và lãnh đạo đã tạo được niềm tin với nhân dân.
Ngay sau Đại hội, đất nước ta bước vào mùa xuân mới và những mùa xuân của sự nghiệp đổi mới làm rạng ngời tinh thần Việt Nam. Những thành công bước đầu của sự nghiệp đổi mới tạo nền móng vững chắc, là những tiền đề quan trọng giúp dân tộc Việt Nam vượt qua “sóng to, gió lớn” vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi tình hình quốc tế đầy phức tạp, mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Trên cơ sở những thành công đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng (năm 1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh khẳng định những thắng lợi của cách mạng Việt Nam; đúc kết 5 bài học kinh nghiệm; xác định 6 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; đề ra 7 phương hướng xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời, khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Dân tộc đã hoạch định được con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với đặc điểm của Việt Nam và đề ra những giải pháp đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Sau 10 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, “Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn”(14).
Trong những ngày xuân năm 2001 - năm mở đầu cho một thế kỷ mới, một thiên niên kỷ mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4-2001) với tinh thần “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, xác định mục tiêu chung của cách mạng nước ta là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Đại hội khẳng định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ. Đại hội đánh giá sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn về vị trí, vai trò và nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh; làm sáng tỏ hơn quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; bổ sung, phát triển đường lối đối ngoại theo phương hướng thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, vì hòa bình, độc lập và phát triển.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng diễn ra vào mùa xuân năm 2006, với mục tiêu: Huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực, sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển. Trên cơ sở tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới, Đại hội khẳng định: Nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử; rút ra 5 bài học lớn của công cuộc đổi mới. Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản. Đại hội đã nêu lên 8 đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng; 8 phương hướng cơ bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại hội khẳng định khát vọng: nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Mùa xuân năm 2011, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đánh dấu một giai đoạn mới trong sự phát triển về nhận thức lý luận và thực tiễn công cuộc đổi mới ở nước ta. Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 nêu ra xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội với 8 đặc trưng cơ bản, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng, trong nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội XI đánh dấu bước tiến mới trong đổi mới tư duy phát triển, phương thức phát triển, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững, gắn đổi mới mô hình tăng trưởng với cơ cấu lại nền kinh tế. Đại hội XI của Đảng ghi dấu ấn Việt Nam đã thoát nghèo, bước vào ngường cửa của nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Khát vọng đổi mới để phát triển bước đầu đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng.
|
Lễ thượng cờ mừng Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Quảng trường Ba Đình _Ảnh: Tư liệu |
Khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra trong những ngày xuân năm 2016, sau 30 mùa xuân đổi mới đất nước. Chủ đề đại hội là: “Tăng cường xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đất nước trong thời gian nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng có nhiều dấu ấn: đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao; tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, quyết liệt, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Sự thống nhất, phối hợp đồng bộ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đặc biệt ấn tượng là: nhờ phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chúng ta đã từng bước kiểm soát thành công đại dịch COVID-19(15). Có thể khẳng định, sau 35 năm đổi mới, chúng ta đã xây dựng được một nước Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(16).
Đó là cơ sở thực tiễn khách quan để đến mùa xuân năm 2021, cả nước đón chào Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với một niềm tin và khát vọng phát triển đất nước, với mục tiêu tổng quát Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; là sự tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020.
Tầm vóc của Đại hội lần thứ XIII của Đảng là mở ra giai đoạn mới với khát vọng phát triển đất nước ở một tầm cao mới; xác định những định hướng, bước phát triển tương lai của dân tộc, không chỉ trong giai đoạn 2021 - 2025 mà cho cả những thập niên tới. Lộ trình phát triển đất nước đã được định rõ: “Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(17). Đây là những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, thể hiện tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước, thể hiện sự đổi mới trong tư duy của Đảng về xác định mục tiêu theo hướng tiếp cận mới(18). Những định hướng này được cụ thể hóa qua từng giai đoạn, có lộ trình, bước đi cụ thể với những mục tiêu rõ ràng cho cột mốc 5 năm, 10 năm, tầm nhìn tới năm 2045, thể hiện khát vọng Việt Nam.
Để thực hiện những mục tiêu, định hướng trên, Đại hội đề ra hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp để đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới với 6 trọng tâm: Một là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Hai là, đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, hiện đại, hội nhập. Ba là, khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bốn là, giữ vững độc lập, tự chủ; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Năm là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Sáu là, quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Mùa xuân năm 2021 với dấu ấn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thể hiện ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc, sự thống nhất của ý Đảng quyện lòng dân, bản lĩnh, đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm vươn lên phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc; đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ hơn nữa công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, giành nhiều thắng lợi mới, to lớn hơn nữa, vẻ vang hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Toàn dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 2, tr. 16
(2), (3), (4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 186, 198, 3, 534
(6) Đảng ra “Thông cáo Đảng Cộng sản Đông Dương tự ý giải tán” ngày 11-11-1945, thực chất là rút lui vào hoạt động bí mật trước sự chống phá của các thế lực thù địch
(7), (8) Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 38, 434
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 673
(10), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 131, 417
(12) Kết luận số 148-BBK/BCT, 25-5-1994, của Bộ Chính trị, “Về một số vấn đề lịch sử Đảng thời kỳ
1954 - 1975”
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 532
(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 67 - 68
(15), (16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr. 77 - 78, 25
(17) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. 1, tr. 112
(18) Cách tiếp cận mới: trình độ phát triển, trình độ công nghiệp và thu nhập phù hợp với cách tiếp cận của thế giới
(Theo tapchicongsan.vn)