(LĐ online) - Những ngày này, trên mọi miền đất nước đang tràn ngập niềm vui đón chào "ngày hội toàn dân" sắp diễn ra vào ngày 23/5/2021...
(LĐ online) - Những ngày này, trên mọi miền đất nước đang tràn ngập niềm vui đón chào “ngày hội toàn dân” sắp diễn ra vào ngày 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là dịp để mỗi người dân Việt Nam thể hiện quyền công dân qua lá phiếu lựa chọn những người xứng đáng bầu vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin về cuộc bầu cử, trong đó, có các tổ chức chống cộng, các thế lực thù địch, những người thiếu thiện chí đưa ra ý kiến chỉ trích cuộc bầu cử ở Việt Nam. Thực ra, không xa lạ gì với những thông tin này vì cứ mỗi lần bầu cử, người ta lại có những luận điệu quen thuộc, giống nhau, như nói rằng Việt Nam “không có dân chủ, vì bầu cử chỉ là đảng cử, dân bầu”, mọi thứ do Đảng Cộng sản Việt Nam sắp đặt. Họ chỉ trích bầu cử năm 2016, gần 100 người tự ứng cử nhưng phần lớn đều rớt ở vòng thứ hai, vì tại các cuộc gặp mặt cử tri nơi cư trú những người này đều bị chỉ trích rất nhiều về đạo đức, tác phong, tài năng… và việc bỏ phiếu không đạt.
Để bày tỏ thái độ trước những thông tin lạc lõng, xuyên tạc cuộc bầu cử, trên trang trực diện TV, một số người Mỹ gốc Việt; trong đó, ông Minh Giang đã mạnh dạn lên tiếng phản đối có lý, có tình. Nói về việc “đảng cử”, ông Minh Giang cho rằng thực tế ở quốc gia nào cũng phải “đảng cử”. Ở Mỹ nếu không có sự đồng ý của đảng, được sự đồng ý của những người trong đảng thì chắc chắn ứng cử viên đó không thể nào trúng cử. Ông đưa ví dụ bà chủ tịch khối thiểu số của Hạ viện bên Đảng cộng hòa của Mỹ bị phế truất vì có hành động trái với ý kiến của đảng. Ông minh họa ở Mỹ, người ta nói rằng muốn thắng cử phải có ba điều kiện: Thứ nhất là tiền, thứ hai là tiền và thứ ba cũng là tiền. Người có nhiều tiền hơn thì có cơ hội thắng nhiều hơn. Ông cho rằng ở Việt Nam, luật pháp quy định công dân khi ra nộp đơn tự ứng cử không cần lấy chữ ký cử tri, không phải nộp tiền. Trong quá trình vận động, ứng cử viên cũng không phải gom tiền, vận động gây quỹ trong suốt quá trình kể từ khi thông qua hiệp thương lần thứ ba, đưa vào danh sách kèm tiểu sử ứng cử viên.
Có thể nói, từ trước đến nay, có rất nhiều ý kiến xuyên tạc về bầu cử ở Việt Nam, quanh đi quẩn lại cũng vẫn những luận điệu đó. Riêng lần này, từ khi có Chỉ thị 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đến nay, các thế lực thù địch và một số phần tử cơ hội, bất mãn, chống đối chính trị không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá nhằm vào các quy trình tổ chức cuộc bầu cử. Các đối tượng lan truyền, phát tán các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quốc hội cũng như cuộc bầu cử lần này.
Càng gần đến ngày bầu cử, họ càng ráo riết hoạt động, tung ra hàng loạt quan điểm sai trái, thù địch nhằm công kích vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công tác bầu cử. Họ cho rằng: “Cuộc bầu cử do Đảng cộng sản lãnh đạo là không chính danh, không đúng quy định của pháp luật, là ngăn cản quyền bầu cử của công dân”, “đã là cơ quan dân cử thì Đảng cộng sản không nên can thiệp vào công việc của Quốc hội”, “bầu cử chỉ là màn kịch dân chủ do chính Đảng cộng sản đạo diễn, chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”, “Đảng cộng sản đang độc diễn trong bầu cử”, “sẽ không bao giờ có dân chủ công khai minh bạch khi Đảng cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử”.
Các phần tử chống đối kêu gọi “Đảng phải tự rút lui và từ bỏ quyền lãnh đạo bầu cử, chấp nhận đa nguyên, đa đảng, chấp nhận sự cạnh tranh với các đảng khác để đảm bảo dân chủ”. Rõ ràng, việc tung ra những luận điệu trên cho thấy ý đồ thâm độc của các tổ chức, cá nhân chống đối nhằm chia rẽ Đảng cộng sản với Quốc hội; hạ uy tín, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, quá trình tổ chức cuộc bầu cử cũng như đối với sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Các thế lực thù địch và những người thiếu thiện chí không ngừng gieo rắc những thông tin sai trái, lệch lạc như: “Sự tồn tại của Quốc hội trong hệ thống chính trị ở Việt Nam chỉ có ý nghĩa “tượng trưng” mà thôi”; đả kích, phủ nhận vai trò thực chất và hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp, đặc biệt là trong lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Họ loan tin bịa đặt, xuyên tạc “việc tổ chức các kỳ họp Quốc hội và HĐND các cấp là không cần thiết, lãng phí ngân sách Nhà nước”, “hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, trao đổi, thỏa thuận trong phạm vi nghị trường của Quốc hội là hình thức, theo kiểu nói xong, kết luận xong, xếp vào ngăn bàn”.
Chưa dừng lại, các đối tượng còn đưa ra những luận điểm phủ định những thành tựu của Quốc hội và HĐND qua các thời kỳ cách mạng, hạ uy tín, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm và sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu đang nắm giữ các vị trí chủ chốt trọng yếu trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Từ đó, các đối tượng kết luận: “Quốc hội chưa xứng tầm là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân”, đòi phải làm theo mô hình các nước phương Tây. Họ tung ra một nhận định rất mơ hồ: “Nhân sự Quốc hội khóa XV đã an bài” vì các phe nhóm của Đảng đã ngấm ngầm thỏa hiệp, phân chia; việc bầu cử chỉ là để hợp thức hóa cho việc “xếp ghế” cho nhân sự trong Quốc hội. Họ đưa ra những “kiến nghị”, “tuyên bố” vô căn cứ về số lượng và cơ cấu đại biểu Quốc hội. Họ tùy tiện rêu rao “cần phải cân bằng quyền lực” trong Quốc hội bằng cách chia nửa số ghế cho những người ngoài Đảng”.
Thực tiễn khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng hoạt động một cách công khai, hợp pháp, hợp hiến; vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước đã được Nhân dân thừa nhận trong thực tế và được quy định tại Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đảng có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, một công cụ đắc lực, mạnh mẽ và sắc bén để Đảng thực hiện sự lãnh đạo của mình đối với toàn xã hội và có Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Việc Đảng lãnh đạo đối với Quốc hội, tổ chức quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp là việc đương nhiên. Vấn đề chủ yếu đối với một đảng cộng sản cầm quyền là cầm quyền một cách khoa học, dân chủ và theo pháp luật trên cơ sở giữ vững sự trong sạch, vững mạnh của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên và gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.
Vì lợi ích chung của đất nước, dân tộc, mỗi người dân Việt Nam cần nhận thức rõ vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp lần này, tỉnh táo để không bị tiêm nhiễm, lôi kéo, dẫn đến các hành vi sai lệch đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của Nhà nước và Nhân dân, làm tổn hại đến thành quả cách mạng.
HÀ PHÚC LÂM