Những lá phiếu xây dựng nền dân chủ cộng hòa

05:05, 20/05/2021

(LĐ online) - Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026...

(LĐ online) - Ngày 23/5/2021, cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cầm những lá phiếu nhẹ tênh trên tay, hẳn khó ai có thể đo được “sức nặng” và giá trị lịch sử của nó. Đó là những lá phiếu của quyền con người, quyền bình đẳng, tự do chỉ có tại các quốc gia dân chủ cộng hòa; nó được kết tinh giá trị nhân văn và lịch sử phát triển hàng ngàn năm của Nhân loại và của dân tộc Việt Nam.
 
 
Để mọi người được hưởng tự do, bình đẳng về quyền lợi
 
Lược sử phát triển nền cộng hòa (hay hình thức chính thể cộng hòa) trên thế giới có thể thấy rằng, đây là kiểu tổ chức nhà nước dân chủ, văn minh của nhân loại. Trong đó, chính quyền do dân thành lập nên, quyền lực tối cao của Nhà nước thuộc về một cơ quan do dân bầu ra trong một thời gian nhất định.
 
Chính thể cộng hòa sơ khai được hình thành từ thời cổ đại ở phương Tây với các nền cộng hòa dân chủ ở Aten, cộng hòa quý tộc Xpac, La Mã… Các công dân tự do được tham gia vào đời sống chính trị, bầu chọn người cai trị mình. Tuy nhiên, quyền lực chỉ tập trung vào tay giai cấp chủ nô, quyền dân chủ, bình đẳng bị hạn chế; giai cấp nô lệ bị tước đoạt mọi quyền công dân. Các chính thể cộng hòa này phát triển, tồn tại cho đến thời trung cổ, Phục hưng… quyền lực tiếp tục bị thâu tóm vào tay một số ít người giàu có hay một nhóm người, một giai cấp nắm giữ, mặc dù trên danh nghĩa vẫn do Nhân dân bầu ra [1].
 
Chính thể cộng hòa dân chủ đúng nghĩa chỉ ra đời khi cách mạng tư sản, cách mạng dân tộc, dân chủ Nhân dân và cách mạng XHCN thành công tại nhiều nước. Ở đó, người dân được trực tiếp bầu ra người thay mặt mình quản lý xã hội, quyền lực Nhà nước được tuyên bố thuộc về Nhân dân. Tuy vậy, mô hình nhà nước của các nước cộng hòa được tổ chức nhiều dạng khác nhau. Mô hình phổ biến ở các nước cộng hòa tư sản là Cộng hòa đại nghị, Cộng hòa tổng thống và cộng hòa hỗn hợp, phân lập quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Mô hình ở các nước cộng hòa dân chủ nhân dân ở các quốc gia theo đường lối chính trị định hướng XHCN như nước ta thì Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất nắm cả 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất. Hệ thống tư pháp có Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân. Đảng Cộng sản lãnh đạo bộ máy nhà nước.
 
Như vậy, để thiết lập và xây dựng hoàn thiện nền dân chủ cộng hòa, mỗi công dân có quyền bầu cử, ứng cử như ngày nay, nhân loại đã trải qua hàng ngàn năm đấu tranh không ngừng nghỉ vì mục tiêu mọi người sinh ra luôn được hưởng tự do và bình đẳng về quyền lợi - quyền con người.
 
Ngày hội non sông
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 trước quốc dân đồng bào: “Dân ta đã đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm để xây dựng nên Nhà nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ cộng hòa”, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Từ đó, mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ đều được hưởng quyền chính trị cơ bản là quyền bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Công dân từ 21 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ đều được hưởng quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND - cơ quan quyền lực Nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.
 
Để có được nền dân chủ cộng hòa của dân, do dân, vì dân; dân tộc ta đã phải trải qua quá trình đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ, phải trả bằng máu và nước mắt của biết bao thế hệ, lớp lớp các bậc tiền bối đi trước.  
 
Ngày 23/5/2021, mọi cử tri thực hiện quyền Hiến định, được cầm lá phiếu trực tiếp bầu chọn ra đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 – những người đại diện cho mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đây là ngày hội non sông, mỗi công dân Việt Nam thực hiện quyền chính trị thiêng liêng của mình và của cả dân tộc luôn khát vọng dân chủ, hòa bình. Cử tri đi bầu cử cũng chính là thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đóng góp xây dựng nền dân chủ cộng hòa và sự phát triển thịnh vượng của đất nước. 
 
Bằng những lá phiếu thể hiện quyền lực Nhân dân, cử tri cân nhắc, bày tỏ sự tín nhiệm, bầu chọn người đại diện chính trị cho mình, ủy thác cho họ thực hiện quyền lực mà mỗi người dân trong chế độ dân chủ, cộng hòa đang nắm giữ. Nói về ý nghĩa, tầm quan trọng của bầu cử, trước cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà” [2], rằng: “Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri...”, “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ nước nhà”[3]. Hiện nay, đi bầu cử cũng là một là một hình thức để Nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước.
 
Gửi gắm niềm tin
 
Cử tri và Nhân dân gửi gắm niềm tin, kỳ vọng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026 đều ý thức được rằng, mình ra ứng cử là để có cơ hội cống hiến, phụng sự cho lợi ích của Nhân dân, của đất nước, không vì mục đích nào khác. Trở thành người đại biểu Nhân dân là gánh vác sứ mệnh thiêng liêng: Đại diện cho cả nền dân chủ cộng hòa mà Nhân dân là người chủ, làm chủ, người nắm quyền lực. Nhân dân ủy thác cho các đại biểu thay mặt mình để thực hiện quyền lực của chính mình trong thời hạn nhiệm kỳ, có sự giám sát, kiểm soát của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắn nhủ các ứng cử viên: “Ngày mai người ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu được bầu thì ít, tất nhiên có người được cử, có người không được cử, những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, phải luôn ghi nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng”[4], “Người không trúng cử, cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó.”[5].
 
Đồng lòng quyết tâm vượt qua khó khăn thách thức của đại dịch Covid-19, cử tri Lâm Đồng cùng cả nước đang phấn khởi, tin tưởng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026 sẽ thành công, những người đại biểu của dân sẽ biến lời hứa, cam kết trong chương trình hành động thành hiện thực.
 
Tài liệu tham khảo:
[1]- PGS.TS Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Chu Dương - Lược giải tổ chức bộ máy nhà nước của các Quốc gia - NXB Tư pháp, HN. 2007.
[2]- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, HN. 2011, tr.153.
[3]- Sđd - Tập 12, tr. 565.
[4], [5]- Sđd - Tập 4, tr. 167, 168.
 
ThS.NGUYỄN VÂN HẬU