Chương trình tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử là cơ hội để các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026...
Chương trình tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử là cơ hội để các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thể hiện chương trình hành động của mình với cử tri. Từ đó, cử tri đánh giá chất lượng chương trình hành động của các ứng cử viên. Vì thế, các bước tiếp xúc cử tri được tiến hành hết sức công khai, dân chủ, bình đẳng và đúng luật.
|
Cử tri bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị với ứng cử ĐBQH nếu trúng cử. |
Ông Đường Anh Ngữ - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng: Chương trình tiếp xúc cử tri thực chất là diễn đàn của những người ứng cử và cử tri. Qua đó, tạo điều kiện để những người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử của mình. Cử tri có cơ hội để gặp gỡ, cảm nhận trực tiếp, đầy đủ, cụ thể hơn về những người được giới thiệu ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp. Đây là cơ sở giúp cử tri đặt niềm tin vào lá phiếu của mình trong ngày 23/5 nhằm chọn ra những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng nhất đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân vào Quốc hội và HĐND.
Kết thúc 3 vòng hiệp thương, toàn tỉnh đã công bố niêm yết danh sách 13 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV, để bầu 7 đại biểu. Giới thiệu 112 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh để bầu 66 đại biểu, giới thiệu 642 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện để bầu 396 đại biểu và giới thiệu 5.545 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã để bầu 3.365 đại biểu, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đây là danh sách, số lượng đại biểu được lựa chọn tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3, dựa trên cơ sở kết quả nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người được giới thiệu ứng cử, bảo đảm cơ cấu, thành phần, chất lượng người ứng cử theo kế hoạch đề ra.
Theo quy định của pháp luật có 2 hình thức vận động bầu cử: Một là, gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại các cuộc tiếp xúc ở địa phương nơi mình ứng cử; hai là, vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Luật Bầu cử Quốc hội và bầu cử HĐND các cấp đã quy định rõ những nguyên tắc trong vận động bầu cử. Theo sát chương trình tiếp xúc cử tri chuẩn bị bầu cử lần này, chúng tôi ghi nhận các buổi tiếp xúc cử tri được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chuẩn bị hết sức chu đáo, cơ sở chuẩn bị mọi điều kiện tốt. Có điểm tại huyện được trực tuyến về nhiều điểm cầu của xã, thị trấn giúp ứng cử viên có cơ hội được trình bày chương trình hành động với cử tri. Chương trình tiếp xúc cử tri được đảm bảo công khai, công bằng giữa các ứng viên, tạo không khí dân chủ, cởi mở, thoải mái giữa người ứng cử và cử tri.
Ông Lê Văn Tòa - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh chia sẻ: Tại buổi tiếp xúc cử tri, tôi cảm nhận rằng tất cả các ứng cử viên đều phản ánh được những nội dung mà cử tri và xã hội đang quan tâm. Chương trình hành động có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trách nhiệm với cử tri khi mình thực hiện tiếp xúc. Nhất là các nội dung về thu hút nhân tài, phòng chống tham nhũng, rừng và bảo vệ rừng, bạo hành trẻ em… là những vấn đề cử tri chúng tôi hết sức quan tâm. Chúng tôi mong muốn và kỳ vọng rằng những chương trình hành động này sẽ không chỉ trả lời tại hội nghị, mà những nguyện vọng của cử tri phải được trình bày tại diễn đàn Quốc hội nếu ứng cử viên trúng cử. Chương trình hành động này không phải chỉ nằm trên giấy hay dừng lại ở lời hứa, cam kết với cử tri thôi mà cử tri mong muốn nó phải đi vào thực tế đời sống, đáp ứng mong đợi của cử tri.
Chương trình hành động là căn cứ để cử tri đánh giá năng lực, trình độ ứng cử viên, góp phần lớn vào quyết định thái độ có hay không ủng hộ, lựa chọn ứng cử viên thay mặt cho mình tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Chương trình hành động của các ứng cử viên phải thể hiện được nhiều nội dung, trong đó quan trọng nhất là những cam kết, vì nếu trúng cử, cử tri sẽ là người giám sát và đánh giá việc các ứng cử viên có thực hiện được cam kết đó hay không.
Còn với các cử tri, chương trình hành động và tiểu sử của các ứng cử viên là những căn cứ để họ quyết định bầu ai là đại biểu cho mình. Thông qua các cuộc tiếp xúc, ứng cử viên có điều kiện “ghi điểm” với cử tri qua việc chứng tỏ năng lực, phẩm chất, những đóng góp của mình. Nhưng, cũng có thể dễ dàng “mất điểm” nếu chương trình hành động không đủ thuyết phục. Ghi điểm hay mất điểm, đôi khi không phụ thuộc vào bằng cấp, trình độ, mà còn phụ thuộc vào kỹ năng.
PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt Nhân Đà Lạt bày tỏ: Chúng tôi đánh giá rất cao về chương trình hành động của các ứng cử viên, họ đã đầu tư thích đáng về nhiều nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực công tác của mình. Trong đó, chú trọng những vấn đề nóng, nổi cộm được dư luận xã hội và cử tri quan tâm, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Chúng tôi đặt niềm tin rằng những người ứng cử với năng lực, trách nhiệm của mình sẽ hoàn thành vai trò người đại biểu nhân dân nếu trúng cử.
Để chuẩn bị cho bước vận động bầu cử này, Ủy ban Bầu cử tỉnh, các huyện, thành phố đã tổ chức tập huấn kỹ năng, bồi dưỡng cho các ứng cử viên. Mới đây, Hội nghị tập huấn kỹ năng vận động bầu cử cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh được Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Ban Công tác Đại biểu (Quốc hội) tổ chức tại Đà Lạt theo hình thức trực tuyến đến 21 điểm cầu trong tỉnh đã mang lại nhiều bổ ích, kinh nghiệm cho những người ứng cử. Bên cạnh việc hướng dẫn để các ứng cử viên có thể vận động bầu cử hiệu quả, thì những quy định về các hành vi bị cấm trong vận động bầu cử là một trong những nội dung được nhấn mạnh.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, mỗi cử tri cần sáng suốt lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
NGUYỆT THU