Việt Nam xứng đáng ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025

05:12, 12/12/2021

(LĐ online) - Thời gian gần đây, một số tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước thiếu thiện chí, có tư tưởng thù địch với Việt Nam tiếp tục lợi dụng vấn đề nhân quyền để rắp tâm bịa đặt...

(LĐ online) - Thời gian gần đây, một số tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước thiếu thiện chí, có tư tưởng thù địch với Việt Nam tiếp tục lợi dụng vấn đề nhân quyền để rắp tâm bịa đặt, xuyên tạc lố bịch, vô căn cứ, thổi phồng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam; trong đó, đáng chú ý là các đối tượng đã phát tán nhiều bài viết, video clip phản đối Việt Nam tham gia ứng cử vào thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
 
 
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là một tổ chức liên chính phủ trực thuộc đại hội đồng Liên Hợp Quốc có sứ mệnh thúc đẩy bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Các thành viên Hội đồng Nhân quyền được đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu với tư cách đại hội đồng nhóm quốc gia phân vùng địa lý, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 3 năm. Ngày 22/2/2021, tại Giơnevơ, Thụy Sĩ, phát biểu tại kỳ họp thứ 46 đại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc theo hình thức trực tuyến, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã thông báo việc Việt Nam với tư cách ứng cử viên của ASEAN tham gia ứng cử vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. 
 
Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam ứng cử vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Trước đó, Việt Nam đã là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Việt Nam ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thể hiện đường lối, định hướng phát triển của Việt Nam là hết sức đúng đắn, là chủ trương, chính sách của Đảng về quyền con người, lấy con người là trung tâm; đồng thời, thể hiện mong muốn của Việt Nam trong việc đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới, nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Vấn đề này được các quốc gia, dân tộc, các tổ chức, cá nhân, nhất là những người có lương tri, trách nhiệm, những người có tư tưởng tiến bộ vì con người và toàn bộ các khối nước ASEAN đã hết sức tin tưởng, tín nhiệm, đồng tình ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.  
 
Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân đã phản đối Việt Nam rất gay gắt. Điều đó cũng dễ hiểu bởi vì dân chủ và nhân quyền là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng thù địch, phản động, phần tử cơ hội triệt để lợi dụng chống phá, tác động chuyển hóa nội bộ gây sức ép về chính trị, kinh tế, ngoại giao nhằm thực hiện mục tiêu chuyển hóa dân chủ đối với Việt Nam. Họ coi đây là một mũi tấn công chính gây sức ép lớn và là một trong bốn đột phá để vu cáo Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận, vi phạm nhân quyền, nhằm phá vỡ sự ổn định về chính trị, xã hội, làm suy yếu tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 
 
Có thể khẳng định rằng, thành tựu sau hơn 35 năm đổi mới đất nước khẳng định đường lối đúng đắn của Việt Nam, Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. 
 
Đặc biệt là trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã chung sức đồng lòng, kịp thời, quyết liệt, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”, coi việc bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của Nhân dân là ưu tiên cao nhất, nỗ lực để an sinh xã hội “không để ai bị bỏ lại phía sau”. 
 
Những quyết sách của Chính phủ Việt Nam tiến hành trong thời gian qua cho thấy sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong việc tuân phủ biện pháp phòng chống Covid-19, ủng hộ chủ trương sản xuất, thử nghiệm vắc xin, như việc Việt Nam đã huy động 8.795,7 tỷ đồng (tính đến ngày 15/11/2021) cho Quỹ Vắc xin phòng Covid-19. Cộng đồng quốc tế đã ca ngợi, ghi nhận Việt Nam như là hình mẫu trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Kết quả này có được là sự nỗ lực, hành động về quyền con người, luôn đặt con người là trung tâm trong mọi chính sách của Đảng, Nhà nước. Đó là một thực tế không thể phủ nhận, không thể bàn cãi về quyền con người ở Việt Nam được bảo đảm và làm cơ sở để khẳng định Việt Nam ứng cử vào hội đồng nhân quyền là xứng đáng. Các nước thành viên ASEAN đã tín nhiệm và đề xuất Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
 
Để chống đối Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội đã không từ bỏ một thủ đoạn nào, tấn công trên các bình diện đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đánh từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào. Lực lượng trong nước tăng cường tạo ra cái cớ làm ngòi nổ, ngoài nước thổi phồng dư luận, vận động hành lang gây sức ép, tung tin thất thiệt, đổi trắng thay đen, xuyên tạc phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, dụ dỗ lôi kéo các phần tử bất mãn với chế độ, các đối tượng hận thù dân tộc để xây dựng lực lượng chống đối, tạo tiếng nổ, tạo tiếng vang, tạo điểm nóng kích động những người nhẹ dạ cả tin, biểu tình gây bất ổn về chính trị, mất trật tự an toàn xã hội, tạo thực trạng giả để khẳng định Việt Nam không xứng đáng ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
 
Đặt biệt gần đây, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội để thực hiện thủ đoạn giả mạo, giả danh, giả mạo văn bản, tài liệu, giả mạo fanpage của các cơ quan chức năng và cá nhân, giả mạo hình ảnh của những người nổi tiếng có uy tín trong xã hội, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo ở các địa phương, nhằm thu hút lực lượng tương tác để thực hiện mục đích chiếm lĩnh không gian mạng. Xuyên tạc, bịa đặt, phủ nhận thành quả và những nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong việc giải quyết những vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Điều đáng chú ý họ giả danh trí thức, giả danh dân chủ, giả danh bộ đội, công an, tạo dựng hiện trường, dựng phim, ghép hình, lồng tiếng, cắt ghép video clip tung lên mạng xã hội vu cáo công an và chính quyền địa phương đàn áp Nhân dân, vi phạm tự do dân chủ, tự do báo chí, vi phạm nhân quyền, hòng hạ uy tín nước Việt Nam trên trường quốc tế.
 
Những giọng điệu lạc lõng xuyên tạc, bóp méo phản ánh không đúng về tình hình nhân quyền tại Việt Nam của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội là nhằm dụng ý xấu hòng phá hoại sự ổn định và kìm hãm sự phát triển đất nước của Việt Nam. Hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta cần nhìn nhận đúng đắn, luôn luôn tỉnh táo, cảnh giác để nhận diện các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử chống đối Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
 
LINH KIỀU