Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023

06:10, 28/10/2022
(LĐ online) - Ngày 27/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiều nội dung quan trọng khác.
 
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Lâm Đồng phát biểu tại hội trường
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Lâm Đồng phát biểu tại hội trường
 
Tham gia phát biểu tại hội trường, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Lâm Đồng góp ý: Trước hết, tôi cơ bản nhất trí với báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 do Thủ tướng Chính phủ trình bày. Trong tình hình thế giới, khu vực và trong nước biến động rất nhanh, chưa có tiền lệ, chính phủ đã tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình phòng chống dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin miễn phí lớn nhất từ trước đến nay; đồng thời, triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. 
 
Tôi cũng cơ bản nhất trí với dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với quan điểm chỉ đạo, điều hành, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và 12 nhóm giải pháp thực hiện như báo cáo đã đề ra. Tuy nhiên, đối với nhóm giải pháp về chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, đảm bảo gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, xin đề nghị Chính phủ bổ sung thêm nhóm giải pháp về phát triển chỉ số con  người, vì lý do như sau: Cùng với những thành tựu về kinh tế thì phát triển con người cũng có nhiều chuyển biển tích cực. Chỉ số phát triển con người ở Việt Nam tăng dần trong những nhăm vừa qua, từ 0.505 (năm 2000), lên 0.572 (năm 2010), 0,696 (năm 2017) và 0.704 (năm 2019), thuộc nhóm các nước có chỉ số phát triến con người khá cao. 
 
Tuy nhiên, để phản ánh mức độ tác động của tăng trưởng kinh tế đến phát triển con người, người ta sử dụng hệ số tăng trưởng vì con người GHR, yêu cầu đặt ra với hệ số này là nhận giá trị dương càng lớn càng tốt. Theo tính toán của chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP, từ năm 2001 đến nay, tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam luôn có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển con người, do hệ số tăng trưởng vì con người luôn nhận giá trị dương, tuy nhiên, đang có xu hường giảm dần qua từng giai đoạn, cụ thể như sau: Giai đoạn 2001-2005, GHR đạt 0.227, từ 2006-2010, GHR đạt 0.205, từ 2011-2019, GHR đạt 0.179. Điều này cho thấy mức độ lan tỏa của tăng trưởng kinh tế đến chỉ số phát triển con người đang có mối quan hệ đồng thuận, nhưng mức độ đồng thuận có xu hướng giảm dần theo thời gian. 
 
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Lâm Đồng phát biểu tại hội trường
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Lâm Đồng phát biểu tại hội trường
 
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng nêu ra 3 nguyên nhân ảnh hưởng đến chỉ số phát triển con người.
 
Ngoài ra, thay mặt Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng phản ánh một số vấn đề mà cử tri và Nhân dân Lâm Đồng quan tâm liên quan đến sự xuống cấp nghiêm trọng của tuyến Quốc lộ 27. Từ đó đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm cho cơ chế tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, trước mắt xem xét bố trí số vốn khoảng 250 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng hợp lý từ Trung ương năm 2023 để hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng đầu tư nâng cấp một số đoạn xung yếu, tiềm ẩn tai nạn giao thông, nhằm giải quyết tình trạng mất an toàn giao thông và đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của bà con nhân dân trước mùa mưa lũ sắp tới của năm 2023.
 
Kiến  nghị đổi mới trong công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với xu hướng phát triển kinh tế rừng. Cụ thể trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên đã ảnh hưởng không nhỏ tới tài nguyên rừng và hoạt động lâm nghiệp, độ che phủ của rừng nước ta giảm sút đến mức báo động, những tổn thất về rừng là không thể bù đắp được và gây ra nhiều tổn thất lớn về kinh tế, về công ăn việc làm và phát triển đất nước bền vững. Thực tế đã cho thấy hiện nay tại một số địa phương có độ che phủ, diện tích rừng lớn thì lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng gần như không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, có những địa phương 01 cán bộ chịu trách nhiệm với cả ngàn hecta rừng, tuy nhiên chế độ chính sách đối với đối tượng này còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng là một nhiệm vụ bất khả thi. Nhằm đột phá, đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng xin tiếp tục kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu để có cơ chế, chính sách cụ thể hơn về kinh tế rừng trong quá trình thực hiện pháp luật về lâm nghiệp, trong đó có các chính sách đặc thù về phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với quản lý, bảo vệ, phát triển rừng để đảm bảo phát huy tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh có độ che phủ rừng lớn trên cả nước. Đừng để địa phương càng có nhiều rừng lại càng nghèo.
 
NGUYỆT THU