Hội thảo tham vấn ý kiến về quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

06:10, 26/10/2022
(LĐ online) - Hội thảo được tổ chức ngày 26/10, do Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp chủ trì cùng Giám đốc Sở Xây dựng Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hoàng Việt Lâm. 
 
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
 
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở ngành, địa phương, hội - hiệp hội kiến trúc thuộc tỉnh Lâm Đồng; các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc và xây dựng từ các bộ, viện, doanh nghiệp trong nước và quốc tế…
 
Triển khai thực hiện Quyết định số 946/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh và sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, nhất là Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị liên danh tư vấn GITAD…, nên công tác lập Quy hoạch tỉnh cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. 
 
UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến góp ý Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa đồ án quy hoạch tỉnh, đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, thống nhất và chất lượng… 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp nhấn mạnh những cơ sở về điều kiện tự nhiên, kết quả phát triển kinh tế - xã hội; cùng nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng trong mục tiêu đưa tỉnh Lâm Đồng trở thành một tỉnh khá toàn diện của cả nước, trở thành một tỉnh đáng đến và đáng sống, tỉnh xanh vào năm 2045. Tỉnh Lâm Đồng cũng quyết tâm tự cân đối ngân sách và có điều tiết nộp về ngân sách Trung ương vào năm 2030; đến năm 2045, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải hoạch định được tầm nhìn chiến lược và phải thực sự trở thành công cụ quan trọng trong quá trình định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian địa giới hành chính của tỉnh và là tiền đề để tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường và gắn chặt với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
 
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đại biểu tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm là tích cực thảo luận, phân tích thêm những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức từ kết quả thực hiện các nhiện vụ phát triển toàn diện của tỉnh Lâm Đồng; chú trọng vào sự đồng bộ và khả thi của các phương án phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, định hướng lớn tạo đột phá, tính chất liên kết vùng, sự phù hợp giữa định hướng phát triển của tỉnh với định hướng phát triển chung của vùng Tây Nguyên và của quốc gia…; những ý kiến tham gia phản biện, đóng góp chuyên sâu và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia, các nhà khoa học và ý kiến của các đồng chí lãnh đạo các cấp, các ngành và địa phương để góp phần hoàn thiện Quy hoạch tỉnh…
 
PGS.TS Trần Trọng Hanh - Chủ nhiệm Đồ án, báo cáo đề dẫn
PGS.TS Trần Trọng Hanh - Chủ nhiệm Đồ án, báo cáo đề dẫn
 
Báo cáo dẫn đề tóm tắt nội dung quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của PGS.TS Trần Trọng Hanh - Chủ nhiệm Đồ án, đưa ra các vấn đề lớn, là tổng quan nhận diện các vấn đề của Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng; quan điểm, mục tiêu và lựa chọn các phương án phát triển tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nội dung các phương án; giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tỉnh. Đặc biệt, ông Hanh đưa ra 9 điểm mạnh, 6 cơ hội lớn cho Lâm Đồng với các cực tăng trưởng và địa kinh tế; cũng như 9 điểm yếu và 6 thách thức… để xây dựng tỉnh Lâm Đồng thành một điểm đáng đến và đáng sống.
 
Ông Djoko Prihanto trình bày tham luận
Ông Djoko Prihanto trình bày tham luận
 
Các đại biểu, các chuyên gia từ các tập đoàn tư vấn trong nước và quốc tế đã tham gia thảo luận và tham luận. Trong đó, ông Djoko Prihanto - Chủ tịch Hội Quy hoạch Singapore, Giám đốc Quy hoạch thuộc Tập đoàn tư vấn DPA Singapore, có bài tham luận về định vị hướng tăng trưởng: nghiên cứu dự án điển hình quốc tế truyền cảm hứng cho tăng trưởng phát triển là Singapore, Rwanda để gợi ý cho các nghiên cứu định vị và tái định vị cho tỉnh Lâm Đồng.
 
PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn trình bày tham luận
PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn trình bày tham luận
 
Tham luận của PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng Khoa Kế hoạch phát triển (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) về nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thông qua việc đánh giá chất lượng tăng trưởng và các tiêu chí đánh giá của tỉnh Lâm Đồng…; nhấn mạnh các vấn đề tăng trưởng xanh và phát triển nền kinh tế tuần hoàn… Tham luận của Ths. KTS Thái Linh - Đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam về các động lực tăng trưởng hướng tới tầm nhìn mới cho quy hoạch tỉnh Lâm Đồng bằng việc phân tích các động lực phát triển từ nội vùng, nội lực, nội sinh…; đưa ra 8 nguyên tắc, chính sách tích hợp với quy hoạch… để tìm kiếm các yếu tố cho một mô hình phát triển phù hợp hướng tới tầm nhìn mới cho quy hoạch tỉnh Lâm Đồng…
 
Ông Đinh Thanh Tâm góp ý cho Đồ án Quy hoạch
Ông Đinh Thanh Tâm góp ý cho Đồ án Quy hoạch
 
Ông Đinh Thanh Tâm - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lưu ý các vấn đề cần chú trọng khi trình Quy hoạch lên các cấp bộ, ngành, Hội đồng thẩm định Trung ương… về cơ sở pháp lý, hồ sơ, dữ liệu (hiện trạng, phương hướng, kịch bản phải phù hợp và thống nhất với phương án lựa chọn, kết nối với ngành trọng tâm…). Quy hoạch cần thể hiện liên kết trong nội vùng, định hướng các nội dung vĩ mô… Thời gian thẩm định mất khoảng 2 tháng, nên tỉnh cần chủ động điều chỉnh các nội dung hoàn thiện hồ sơ để trình thẩm định…
 
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp trân trọng cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham gia sâu sắc, toàn diện, tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu, của đại diện các bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học… đã có bài tham luận và nhiều ý kiến chất lượng và có tính lý luận, thực tiễn cao giúp tỉnh Lâm Đồng hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, nhất là các vấn đề liên quan đến mục tiêu, quan điểm, khung phát triển, các trụ cột tăng trưởng; thực trạng về tiềm năng phát triển của tỉnh và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với điều kiện của tỉnh... và hướng tới mục tiêu phát triển tỉnh Lâm Đồng.
 
Ths. KTS Thái Linh trình bày tham luận
Ths. KTS Thái Linh trình bày tham luận
 
Trong quá trình tổ chức lập Quy hoạch lần này, tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng sẽ khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế và khai thác tối đa sức mạnh, lợi thế của từng khu vực, từng vùng, từng lĩnh vực với một tầm nhìn mới để đón đầu các xu hướng phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng như hiện nay; đảm bảo sự phát triển của tỉnh Lâm Đồng trong tương lai có sự bứt phá và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội - môi trường - quốc phòng, an ninh; phấn đấu xây dựng Lâm Đồng trở thành một khu vực kinh tế động lực của vùng Tây Nguyên; huy động mọi nguồn lực để xây dựng tỉnh Lâm Đồng phát triển nhanh, bền vững, dựa trên 3 trụ cột chính, đó là: Nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế; phát triển du lịch - dịch vụ theo hướng chất lượng cao và bền vững; phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thân thiện với môi trường…
 
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, ngay sau Hội thảo, Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp thu tối đa, nghiêm túc, giải trình đầy đủ các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành Trung ương và các đơn vị có liên quan để tổ chức một hội nghị hoàn thiện dự thảo Quy hoạch tỉnh đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và trình cấp có thẩm quyền xem xét thẩm định và phê duyệt trong năm 2022 theo quy định.
 
LÊ HOA