Mặt trận Tổ quốc phản biện xã hội Đề án chống ùn tắc giao thông thành phố Đà Lạt

01:10, 26/10/2022
(LĐ online) - Sáng ngày 26/10, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến phản biện xã hội vào dự thảo Đề án chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Đà Lạt đến năm 2025 và tầm nhìn dến năm 2035.
 
Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị
 
Ông Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức thành viên của Mặt trận, chính quyền thành phố và các nhà nghiên cứu về quy hoạch, xây dựng. 
 
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Ngọc Hiệp nhấn mạnh: Việc lấy ý kiến phản biện xã hội phải nêu rõ về thực trạng, nguyên nhân và vấn đề cần giải quyết; nêu rõ yếu tố tác động bên ngoài và nội tại; phân tích lưu lượng phương tiện giao thông hiện nay và đưa ra dự báo thời gian tới… Kết quả phản biện xã hội của đại biểu là cơ sở quan trọng, bổ sung thêm thông tin, góc nhìn đa chiều. Qua đó, giúp Sở GTVT, Chính quyền thành phố có thêm dữ liệu và góc nhìn rõ hơn để việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới tốt hơn, hướng tới tầm nhìn Đà Lạt là thành phố thông minh.
 
Đại biểu tham gia ý kiến phản biện Đề án chống ùn tắc giao thông thành phố Đà Lạt
Đại biểu tham gia ý kiến phản biện Đề án chống ùn tắc giao thông thành phố Đà Lạt
 
Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải, Đề án chống ùn tắc giao thông Tp Đà Lạt bao gồm các dự án hạ tầng giao thông đường bộ, giao thông công cộng, hạ tầng bến bãi, các dự án được thực hiện từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Đề án bổ sung một số nút giao thông lắp đặt đèn tín hiệu; tiến hành nâng cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng vỉa hè cho người đi bộ, tổ chức phố đi bộ khu trung tâm; đầu tư mua sắm phương tiện hoạt động trên 3 tuyến xe buýt trục tần suất cao trên các tuyến trục chính đô thị Bắc - Nam và Đông - Tây thành phố’ phát triển dịch vụ xe đạp điện công cộng; xây dựng bãi đỗ xe trung chuyển chân đèo Prenn, bãi đỗ xe trung chuyển Đarahoa; thí điểm ứng dụng giao thông thông minh trong tổ chức và quản lý giao thông… Tổng kinh phí thực hiện đề án từ nay đến năm 2025 là hơn 3.793 tỷ đồng, từ năm 2025 đến năm 2030 là trên 2.579 tỷ đồng. 
 
Phản biện xã hội tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao nội dung tổng thể của Đề án, đồng thời tập trung cho ý kiến một số vấn đề về thực trạng, nguyên nhân, giải pháp; phản biện công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu hoạt động giao thông, tổng hợp kinh nghiệm triển khai, đánh giá tác động, việc tổ chức, quản lý, điều hành, ý thức người tham giao thông; giải pháp đảm bảo an toàn giao thông bền vững trong mùa du lịch, việc điều hành hoạt động giao thông lúc cao điểm, tính khả thi triển khai để phù hợp với Đề án quy hoạch 704 của Chính phủ; nguồn lực tài chính đầu tư, giải pháp áp dụng khoa học công nghệ thông tin để điều tiết chống ùn tắc giao thông tại địa bàn trung tâm thành phố…
 
NGUYỆT THU