Thông tin về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) bỏ việc vẫn đang “nóng” từ các cơ quan quản lý, từ các tranh luận trên truyền thông, mạng xã hội đến diễn đàn Quốc hội. Theo Bộ Nội vụ, trong hơn 2 năm qua, có hơn 39.000 CBCCVC bỏ việc. Trong đó, ngành Giáo dục - Đào tạo và ngành Y tế chiếm đa số. Con số này dấy lên nỗi lo về sự kém hấp dẫn của khu vực công. Thế nhưng, trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới tình trạng này. Và chỉ khi nhìn nhận đúng thực chất, thì mới có thể có những giải pháp đúng, kịp thời cho thị trường lao động, cho sự hoạt động hiệu quả, cân đối giữa các khu vực, ngành nghề, nhất là những khu vực, ngành nghề nhạy cảm, có tác động xã hội lớn như y tế, giáo dục.
Trong số hơn 39.000 CBCCVC nghỉ việc, chỉ có hơn 4.000 công chức, còn lại là viên chức. Tỷ lệ nghỉ ở Trung ương là 18% và địa phương 82%. Trung bình mỗi năm, có 15.800 người nghỉ việc, chiếm 0,8% tổng biên chế, tập trung nhiều nhất là giáo dục và y tế. Ai cũng biết, giáo dục và y tế tư thời gian qua phát triển rất mạnh, cần rất nhiều nhân lực và đó chính là một trong những lý do chủ yếu “hút” nhân lực từ khu vực công sang. Hầu hết người chuyển việc sang khu vực tư đều khẳng định họ có chế độ đãi ngộ tốt hơn, thu nhập cao hơn và điều kiện làm việc cũng hiện đại, thoải mái hơn. Không phải tất cả công chức, viên chức khu vực giáo dục, y tế công khi chuyển đều sang khu vực tư nhưng có thể thấy, sự dịch chuyển này là theo nhu cầu thị trường lao động và xã hội. Cũng có nhiều người chuyển hướng sang các lĩnh vực khác mà họ thấy phù hợp với mình hơn như kinh doanh, dịch vụ…
Bên cạnh đó, các khu vực công đều có sự linh hoạt, có vào, có ra. Có nghĩa là có người chuyển đi thì có người xin vào. Cho dù sự ra - vào đó chưa thực sự cân đối nhưng ít nhất cũng có thể bù đắp được một phần thiếu hụt và các khu vực công hầu hết vẫn duy trì được sự hoạt động bình thường.
Mặc dù vậy, cũng cần nhìn nhận hiện tượng này ở một khía cạnh khác. Đại đa số các ý kiến cho rằng sở dĩ CBCCVC nghỉ việc là do chế độ tiền lương. Đây là một thực tế. Chính sách tiền lương nhiều năm qua thay đổi quá chậm, mức lương bình quân 5 - 6 triệu đồng/tháng hoặc nếu có cao thì cũng hơn 10 triệu đồng chưa đủ sức hấp dẫn, nhất là đối với nhân lực chất lượng cao, những người có kiến thức, có trình độ chuyên môn giỏi trong ngành Y tế, Giáo dục. Thời gian gần đây, Chính phủ đã xem xét tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, dự tính thực hiện từ 1/7/2023, tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành. Đây là tin vui nhưng vẫn có ý kiến cho rằng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và cần tiếp tục cải cách tiền lương mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Và còn có một lý do là áp lực công việc của CBCCVC ngày càng nhiều. Việc tinh giản biên chế khiến khối lượng công việc tăng thêm, tạo thêm áp lực cho những người làm khu vực công. Thực tế, số CBCCVC phải làm việc hơn 8 giờ/ngày khá lớn. Tinh thần chung mà họ được quán triệt là “hết việc chứ không hết giờ”. Thế nên, có nhiều ngày, dù đã 18 - 19 giờ tối, nhiều công sở vẫn sáng đèn. Nếu có được chính sách tiền lương, thu nhập hợp lý, cùng với môi trường làm việc phát huy được nhiệt huyết, khát vọng cống hiến, phát triển sự nghiệp, chắc chắn sẽ giữ chân được CBCCVC, nhất là những người giỏi chuyên môn, nghiệp vụ.
Trên diễn đàn Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách, nhiều đại biểu đã đề cập tới vấn đề này. Chúng ta yêu cầu rất cao đối với CBCCVC về trách nhiệm, nghĩa vụ nhưng lại thiếu cơ chế phát huy và chưa được bảo vệ đúng mức, thu nhập chưa tương xứng, nên cần có chính sách cụ thể, rõ ràng hơn. Đại biểu nêu thực trạng có một bộ phận CBCCVC yếu kém về năng lực, trình độ và đặc biệt là đang có bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm; một số quen cách làm cũ, tham nhũng vặt, không có lợi thì không làm…
Từ sự phân tích trên cho thấy, việc CBCCVC nghỉ việc thời gian qua đều cần được suy xét, nhìn nhận thật kỹ lưỡng ở nhiều góc độ, nhiều khía cạnh khác nhau, không nên phiến diện, một chiều. Số lượng nghỉ việc nhiều là đáng băn khoăn, suy nghĩ. Nhưng thêm vào đó, phải có thêm số liệu về số người mới được tuyển dụng; về nhu cầu nhân lực của khu vực tư; về sự dịch chuyển bình thường của thị trường lao động… thì mới đầy đủ ý nghĩa và nêu được bản chất vấn đề, sự việc, để có được các giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất. Và điều quan trọng là phải phát huy tốt nhất nguồn nhân lực ở cả khu vực công và tư.
TRỌNG NHÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin