Trải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân dân thành phố Đà Lạt anh hùng hôm nay vẫn còn mãi tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng cùng với những địa danh, di tích còn lưu giữ trên mảnh đất này...
Trải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân dân thành phố Đà Lạt anh hùng hôm nay vẫn còn mãi tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng cùng với những địa danh, di tích còn lưu giữ trên mảnh đất này.
Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND thành phố Đà Lạt |
Đó là những địa chỉ đỏ không thể nào quên:
"Nhà thiếc" là nơi diễn ra cuộc họp thành lập Chi bộ Đảng Tân Việt (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) vào đầu năm 1929 tại Đà Lạt (sau này là nhà số 5A, đường Hồ Tùng Mậu, Đà Lạt).
Khách sạn Palace (buồng số 2 nhà xe, Khách sạn Palace) là nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lâm Viên tháng 4 - 1930.
Nhà ông “Kiểm Tỵ” – đường Cầu Quẹo (sau này là nhà số 221-223, đường Phan Đình Phùng, thành phố Đà Lạt), là trụ sở của Chi bộ Đảng Cộng sản ở Cầu Quẹo đồng thời là cơ quan liên lạc, in ấn truyền đơn, tài liệu của Đảng trong những năm 1930-1931.
Nhà số 185 đường Cầu Quẹo (nay là đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt) là nhà ở và sinh hoạt của nhóm Công nhân “tiến bộ” năm 1937 - một tổ chức hoạt động nửa công khai nửa bí mật của một số công nhân tiên tiến nhằm giúp đỡ anh chị em công nhân về kinh tế, đồng thời giác ngộ tư tưởng cho anh em trong nhóm làm nòng cốt để gây dựng phong trào công nhân trong thành phố (mặt tiền của nhà có đề chữ Công Thành).
Trường Tiểu học “Pháp-Việt” (nay là Trường Phổ thông cơ sở Đoàn Thị Điểm – Đà Lạt) là nơi đã diễn ra cuộc họp khôi phục lại Chi bộ Đảng Cộng sản tại Đà Lạt tháng 12-1938), sau một thời gian dài bị địch khủng bố phải ngưng hoạt động.
Dinh Tỉnh trưởng Lâm Viên (nay là nhà số 4, đường Thủ Khoa Huân, thành phố Đà Lạt) là trụ sở của UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên sau ngày cướp chính quyền 23-8-1945).
Sân bay Cam Ly là nơi địch thảm sát 20 tù chính trị đêm 11-5-1951, sau khi tên Hassz Victor - Phó Thanh tra mật thám miền Nam Đông Dương, phụ trách Tây Nguyên và Đà Lạt - bị Đội cảm tử Phan Như Thạch trừng trị.
Chùa Linh Sơn là trụ sở bí mật của Ban Chấp hành “Lực lượng nhân dân, sinh viên, học sinh tranh thủ dân chủ” tháng 3 – tháng 4 năm 1966; đồng thời là nơi tổ chức hội họp, tập hợp lực lượng đấu tranh của sinh viên, học sinh và giới Phật tử Đà Lạt trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Dinh Toàn Quyền (nhà số 12, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đà Lạt) nơi xảy ra cuộc đấu tranh của công nhân hãng thầu Sidec năm 1936.
Trụ sở bí mật của ban chỉ đạo cuộc đình công của công nhân hãng thầu Sidec năm 1936 sau này là nhà số 26 đường Phan Đình Phùng, Đà Lạt.
Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (09 Hồ Xuân Hương, phường 9, thành phố Đà Lạt) là nơi địch dùng để giam cầm và nhằm cải huấn “gột rửa” tư tưởng Cộng sản, ý chí cách mạng, tinh thần yêu nước của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi tại Đà Lạt và một số địa phương khác ở miền Nam dưới thời Mỹ - nguỵ.
Trường Võ Bị Đà Lạt (Học viện Lục quân), Giáo hoàng chủng viện (nhà số 13 Đinh Tiên Hoàng), Đồi Đất Đỏ, Tỉnh đoàn Bảo An cũ, Khu vực Đa Cát, Dinh Tỉnh Trưởng (nhà số 1 Lý Tự Trọng), Trung tâm vô tuyến viễn thông (nhà số 23 Yersin – Đà Lạt) là những nơi diễn ra chiến dịch TK70 (cuộc tập kích chiến lược vào thành phố Đà Lạt năm 1970) của quân và dân ta trong thời kỳ chống Mỹ.
Dinh Tỉnh Trưởng (nay là số 1, Lý Tự Trọng, Đà Lạt) - nơi diễn ra chiến dịch TK70. The Provincial town hall (now 1 Ly Tu Trong St, Da Lat), where operation TK70 took place |
Những địa danh và những di tích lịch sử trên sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng (30/4/1975) đã được Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt ghi vào sử sách và đã được ngành VHTT&DL tổ chức khảo sát, kiểm kê, lựa chọn để lập hồ sơ khoa học. Song, một số điểm là nhà dân nên cũng có nhiều thay đổi theo thời gian, không còn giữ được nguyên trạng. Vì vậy, tỉnh cần phải sớm cho đặt, gắn các bia, biển ghi dấu sự kiện hoặc giới thiệu di tích tại những nơi này để tổ chức các tour du lịch về nguồn nhằm giáo dục và ôn lại truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ, đặc biệt cho các đối tượng học sinh, sinh viên. Đây cũng chính là “chất đề kháng” mạnh mẽ để chống lại những luồng “gió độc” từ bên ngoài xâm nhập vào thế hệ tương lai của đất nước trong thời kỳ mở cửa hội nhập với quốc tế và thế giới hiện nay; đồng thời, góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc.
Đoàn Bích Ngọ