Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ đã gây khó khăn cho người Âu trở về quê hương nghỉ phép hằng năm. Họ muốn đến nghỉ dưỡng ở Đà Lạt, một vùng có khí hậu trong lành gợi nhớ đến hình ảnh của cố hương.
Một góc Đà Lạt. Ảnh: Thanh Toàn |
[links()]ĐƯỜNG LÊN CAO NGUYÊN
Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ đã gây khó khăn cho người Âu trở về quê hương nghỉ phép hằng năm. Họ muốn đến nghỉ dưỡng ở Đà Lạt, một vùng có khí hậu trong lành gợi nhớ đến hình ảnh của cố hương.
Tháng 10 năm 1914, chiếc ô tô đầu tiên từ Phan Thiết lên Đà Lạt chỉ mất một ngày đường. Đây là một kỷ lục mở đường cho giao thông đường bộ lên Đà Lạt qua ngả Djiring (Di Linh ngày nay).
Từ năm 1915, nhiều du khách lái xe từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Hãng ô tô S.C.A.L. - chi nhánh của Công quản đường sắt miền Nam - tổ chức những chuyến viếng thăm Đà Lạt. Muốn lên Đà Lạt, du khách đi xe lửa từ Sài Gòn đến Ma Lâm rồi từ đây đi ô tô lên Djiring và Đà Lạt.
Trước năm 1914 đã có con đường bộ từ Phan Rang lên Đà Lạt qua Krong Pha, Dran, Trạm Hành, Cầu Đất nhưng đường rất khó đi, nhất là đoạn đèo Ngoạn Mục (Bellevue) phải đi bộ, bằng cáng hay con la.
Năm 1933, đường bộ nối liền Đà Lạt với Sài Gòn qua đèo Blao được khai thông.
Năm 1937, đường số 21 nối liền Đồng Nai Thượng với Đắc Lắc cũng được hoàn thành. 160 ô tô chạy trên đường này trong 3 tháng mùa khô.
Đường sắt là phương tiện vận tải chủ yếu từ Sài Gòn và vùng đồng bằng lên Đà Lạt. Tuyến đường sắt từ Tháp Chàm lên Đà Lạt dài 84 km khởi công từ năm 1915, hoàn thành vào năm 1932. Tuyến đường này có tổng cộng 16 km đường răng cưa và 68 km đường sắt thông thường; nhiều hầm (hầm giữa Cầu Đất và Trạm Hành dài 650m), nhiều cầu và tường.
Mỗi ngày có 4 chuyến tàu đi từ Tháp Chàm lên Đà Lạt và ngược lại. Hành khách đi xe lửa từ Đà Lạt đến Hà Nội, Sài Gòn.
Xe lửa chở gạch từ Tháp Chàm và Dran; thiếc, xi măng, ống nước và máy móc từ Sài Gòn. Đà Lạt còn tiếp nhận từ vùng đồng bằng gạo, gia súc, đồ gỗ,…
Ngược lại, xe lửa chở xuống Sài Gòn gỗ, chè Cầu Đất, cà phê Phi Nôm và nhất là rau hoa.
TRUNG TÂM DU LỊCH
Với rừng thông trùng điệp, thác nước, hồ, suối, khung cảnh yên tĩnh, Đà Lạt không những là một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng mà còn là một trung tâm du lịch nổi tiếng.
Vào những năm 1930, ở Đà Lạt, có thể dễ dàng thuê ô tô và ngựa, nhưng nhờ khí hậu mát mẻ, đi bộ là một thú vui lớn. Du khách dạo chơi trên những con đường mòn dưới rừng thông hay đi xa hơn ra ngoài vùng ven thành phố. Những ai thích leo núi, ngoài các đỉnh núi Lang Biang, có thể tự vạch những lối đi băng rừng lên đến đỉnh non cao. Những người quan tâm đến kinh tế địa phương có thể viếng thăm các đồn điền chè và cà phê ở Cầu Đất, Djiring và trạm thử nghiệm cây canh-ki-na ở Dran. Sinh hoạt của người dân tộc thiểu số còn mang tính chất nguyên sơ và thuần phác cũng rất hấp dẫn.
Đà Lạt và vùng lân cận có rất nhiều thác nước: Cam Ly, Ankroet, Prenn, Liên Khàng, Gougah, Pongour, Queyon, Bobla,…
Những người yêu thích thể thao tìm thấy ở Đà Lạt một môi trường thích hợp. Một trong những trung tâm thể thao hấp dẫn là Hồ Lớn (Grand Lac, nay là hồ Xuân Hương). Tại đây, những ai yêu thích chèo thuyền và bơi lội rất thích thú trải qua những giây phút khó quên. Nhà thuỷ tạ với bục nhào đặc biệt được xây dựng cho những tay bơi.
Một địa điểm khác cũng hấp dẫn không kém là sân cù 9 lỗ với lối đi rất đa dạng.
Đà Lạt có 3 khách sạn lớn:
- Langbian Palace là một khách sạn lớn sang trọng, trang bị hiện đại, có 30 phòng;
- Hotel du Parc;
- Khách sạn Desanti gồm nhiều ngôi nhà nhỏ rải rác ven bờ hồ mà ngôi nhà lớn nhất mang tên Hotel du Lac.
Ngoài ra, Đà Lạt còn có nhiều biệt thự, nhà nghỉ gia đình (pension de famille), 3 cư xá và 6 khách sạn khác.
Năm 1939 xảy ra chiến tranh thế giới lần thứ hai, liên lạc với nước ngoài bị gián đoạn, người Pháp phải ở lại Đông Dương trong thời gian lâu hơn khiến cho số người lên nghỉ mát ở Đà Lạt luôn luôn tăng lên.
Xe lửa đi từ Hà Nội đến Đà Lạt chỉ mất 48 giờ nên số du khách từ miền Bắc đến nghỉ hè ở Đà Lạt rất đông. Các buồng trong khách sạn được khách đặt thuê từ nhiều tháng trước.
Vốn không sử dụng ở Nam Kỳ được đầu tư ở Đà Lạt. Khắp nơi, người ta bán đất, xây dựng các biệt thự. Số giấy phép xây dựng là 59 trong năm 1939, tăng lên 155 trong năm 1940, 257 trong năm 1941 và vượt quá con số 300 trong năm 1942. Số biệt thự là 530 trong năm 1940, tăng lên 728 vào cuối năm 1942.
Dân số từ 1.500 người năm 1923, tăng lên 13.000 người năm 1940 và hơn 20.000 người vào cuối năm 1942. Số người lưu trú hằng năm tăng từ 8.000 năm 1925 lên 12.000 người năm 1940 và 20.000 người năm 1942.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Berjoan, A. Dalat. Indochine, Hanoi, 1943, No 126.
Le Chemineau. Le Langbian. Revue Indochinoise, Hanoi, 1916, No 3 - 4.
Lefèvre, F. Le chemin de fer du Langbian.L’Asie Nouvelle Illustrée, Saigon, 1937, No 56.
Néis, Paul & Septans, Albert.Rapport sur un voyaged’exploration aux sources du Dong-nai. Excursions et reconnaissances, Saigon, 1891.
Monographie de Dalat. Mairie de Dalat, 1953.
Vassal, Gabrielle M. On and off duty in Annam. William Heinemann, London, 1910.
NGUYỄN HỮU TRANH