Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, được coi là cơ chế thực sự hữu hiệu để bảo vệ người tiêu dùng. Việc hình thành một cơ chế cho phép tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng đối với các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng...
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, được coi là cơ chế thực sự hữu hiệu để bảo vệ người tiêu dùng. Việc hình thành một cơ chế cho phép tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng đối với các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng là một động lực mới nhằm hạn chế việc người tiêu dùng chỉ biết "ngậm bồ hòn làm ngọt" khi mua phải hàng hóa hoặc được hưởng dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng với giá trị đồng tiền và công sức bỏ ra. Điều này cũng sẽ góp phần nâng cao vị thế xã hội, cái "uy" của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khiến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm phải nể sợ mà không dám vi phạm hoặc nhanh chóng khắc phục hậu quả vi phạm.
|
Kiểm tra công tác đo lường xăng - dầu |
Là một tỉnh miền núi, địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, đời sống của đại bộ phận nhân dân còn nhiều có khăn nên từ lâu Lâm Đồng được xem là mảnh đất “màu mỡ” cho những kẻ gian lợi dụng và tìm cách vận chuyển tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và những vi phạm pháp luật trong kinh doanh thương mại. Đây là một vấn nạn gây bức xúc cho người tiêu dùng, đồng thời dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các ngành chức năng, đặc biệt là Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Lâm Đồng. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, thời gian qua, Hội đặc biệt chú trọng thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về 8 quyền của người tiêu dùng, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm những sản phẩm an toàn; luôn luôn duy trì các hoạt động tư vấn tiêu dùng, tiếp nhận ý kiến và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng. Theo đó, từ năm 2005 đến nay, đã tiếp nhận và phối hợp giải quyết thỏa đáng cho hơn 100 trường hợp khiếu nại của người tiêu dùng về chính xác đo lường của công tơ điện, đồng hồ đo nước lạnh, trụ bơm xăng dầu, chất lượng hàng may mặc, thực phẩm, phân bón, gas… Chỉ tính riêng năm 2013, Hội đã tiếp nhận và giải quyết thỏa đáng cho 2 trường hợp khiếu nại của người tiêu dùng về xăng kém chất lượng; đồng thời tiếp tục tư vấn cho người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Văn phòng khiếu nại người tiêu dùng cũng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc tư vấn, giải thích, khuyến cáo những vấn đề bức xúc của người tiêu dùng liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng như mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện, cốc thủy tinh có chứa chất gây độc hại, cách thức mua chọn các loại thực phẩm, an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm… Ngoài ra, Hội cũng đã phối hợp với Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng và các đơn vị liên quan trong tỉnh hướng dẫn và duy trì có hiệu quả hoạt động cân đối chứng để kịp thời giải quyết các tranh chấp về đo lường giữa người bán và người mua, đồng thời xây dựng và duy trì được nếp sống văn minh thương mại tại các chợ trung tâm trong tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Thái - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Lâm Đồng cho biết: “Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Lâm Đồng được thành lập ngày 14/3/1998, với chức năng nhiệm vụ là đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho hội viên và người tiêu dùng; tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tham gia kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước về những chủ trương, chính sách, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm hàng hóa nhằm phát triển công tác bảo vệ người tiêu dùng… Nhờ chủ động gắn kết, lồng ghép các hoạt động nên bước đầu Hội đã vận động được một số doanh nghiệp tâm huyết hưởng ứng tham gia. Đồng thời, duy trì tốt hoạt động tư vấn, tiếp nhận ý kiến người tiêu dùng và công tác phản biện tư vấn, đề xuất với các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng. Mặc dù, số vụ việc được giải quyết chưa nhiều, nhưng tất cả những trường hợp mà người tiêu dùng khiếu nại đều được hội giải quyết thỏa đáng với tỷ lệ cao (100%) liên quan đến các lĩnh vực nhạy cảm như: đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trách nhiệm bảo hành của nhà sản xuất… Đây là sự nỗ lực lớn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Hội đối với cộng đồng người tiêu dùng trong tỉnh”.
Có thể nói, thông qua những hoạt động trên, người tiêu dùng trong tỉnh từng bước hiểu biết và ngày càng tin tưởng hơn đối với Hội Bảo vệ quyền người tiêu dùng Lâm Đồng, đồng thời các nội dung yêu cầu của người tiêu dùng đối với hội ngày càng nhiều và đa dạng. Đặc biệt, người tiêu dùng đã từng bước có nhận thức, hiểu biết về các quy định của pháp luật liên quan đền quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Từ đó, biết tự bảo vệ quyền lợi của mình và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết tốt các vấn đề liên quan.
Hải Phong
Kiểm tra công tác đo lường xăng - dầu