Khoáng chất trong chế độ ăn

08:04, 20/04/2014

Điều gì sẽ xảy ra nếu chế độ ăn không được cung cấp đầy đủ khoáng chất và nguyên tố vi lượng? Các chuyên gia dinh dưỡng tin rằng sự thiếu hụt ấy chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chế độ ăn không được cung cấp đầy đủ khoáng chất và nguyên tố vi lượng? Các chuyên gia dinh dưỡng tin rằng sự thiếu hụt ấy chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
 
Duy trì chế độ ăn cân bằng sẽ rất có lợi cho sức khỏe - Ảnh: shutterstock
Duy trì chế độ ăn cân bằng sẽ rất có lợi cho sức khỏe - Ảnh: shutterstock
 
Can xi. Nếu không có đủ can xi, xương và răng của trẻ nhỏ không thể phát triển tối ưu, trong khi đó xương của người trưởng thành sẽ trở nên suy yếu. Can xi rất cần thiết cho xương. Để ngăn chặn sự thiếu hụt can xi, cần cung cấp đầy đủ vitamin D - chất dinh dưỡng cho phép cơ thể hấp thụ can xi từ thức ăn hoặc các liệu pháp bổ sung một cách hiệu quả. Sữa bổ sung vitamin D đã được chứng minh có khả năng hạn chế bệnh còi xương. Phơi nắng ấm cũng tổng hợp được vitamin D cho cơ thể.
 
Sắt. Vai trò quan trọng của sắt là cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin) và vận chuyển ô xy từ phổi đến tất cả các cơ quan. Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu. Khi thiếu máu, khả năng vận chuyển  ô xy của hồng cầu giảm, làm thiếu ô xy ở các cơ quan đặc biệt là tim, cơ bắp, não, gây nên hiện tượng tim đập nhanh, trẻ nhỏ có thể bị suy tim do thiếu máu với các biểu hiện: hoa mắt, chóng mặt do thiếu ô xy não, cơ bắp yếu và cuối cùng là cơ thể mệt mỏi. Thiếu sắt nhẹ cũng có thể gây ức chế đến hoạt động trí não.
 
Kẽm. Chế độ ăn cung cấp đầy đủ kẽm giúp ích rất nhiều trong việc làm tăng nồng độ testosterone ở nam giới, từ đó giúp tinh trùng khỏe mạnh. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy đàn ông thiếu kẽm thì khả năng vô sinh rất lớn. Kẽm cũng đóng vai trò quan trọng trong tuyến tiền liệt. Một số nghiên cứu phát hiện rằng thiếu kẽm làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Thiếu kẽm cũng làm mất cảm giác ngon miệng và khả năng nhận biết mùi vị thức ăn; đồng thời còn làm suy yếu hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng, vết thương lâu lành.
 
I ốt. Là vi chất quan trọng giúp tuyến giáp tổng hợp các hoóc môn điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, da, lông, tóc, móng, duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động. Sự thiếu hụt i ốt vừa phải dẫn đến bệnh bướu cổ và giảm khả năng sản xuất hoóc môn tuyến giáp. Trẻ nhỏ thiếu i ốt những năm đầu đời có thể gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng...
 
(Theo Báo Thanh niên)