Đó là phường 12, thành phố Đà Lạt. Nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, người dân trong phường không chỉ tạo công ăn việc làm cho mình mà còn thu hút rất đông lao động từ nhiều nơi khác đến.
Đó là phường 12, thành phố Đà Lạt. Nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, người dân trong phường không chỉ tạo công ăn việc làm cho mình mà còn thu hút rất đông lao động từ nhiều nơi khác đến.
|
Một nhà kính trồng hoa hiện đại của một hộ dân trong phường 12 - Đà Lạt |
Ông Hồ Ngọc Định, Chủ tịch Hội Nông dân của phường 12 khi nhờ người đưa chúng tôi thăm các hộ sản xuất tiêu biểu trong phường đã có chút phân vân vì không biết phải chọn ai: “Ở đây có nhiều hộ làm ăn lớn lắm, thu nhập mỗi năm trên tỷ đồng là chuyện thường”. Còn bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch UBND phường 12 mỉm cười: “Mô hình làm giàu ở phường rất nhiều, nhưng điều đặc biệt nhất là phường chúng tôi không có người thất nghiệp”.
Nằm ven thành phố, phường 12 là một phường làm nông nghiệp của Đà Lạt. Tổng diện tích đất nông nghiệp nơi đây khoảng 430ha với 3 loại cây trồng chủ yếu là rau, hoa và cây dược liệu atisô. Sinh sống tại đây có 1.480 hộ, 8.430 nhân khẩu trong đó có hơn 1.200 hộ (chiếm 85% dân số) làm nông nghiệp.
Điều đáng nói, trong 430ha đất trên, hầu hết đều được áp dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. Khoảng 320ha, chiếm 70% diện tích đã được làm nhà kính, trong đó có rất nhiều nhà kính làm bằng khung sắt mái phủ nilông, hệ thống chiếu sáng, hệ thống che sáng và hệ thống tưới hiện đại rất đắt tiền. Trong toàn bộ diện tích này, chỉ khoảng 70ha trồng rau, sản lượng khoảng 2.000 tấn/năm; 40ha trồng cây atisô sản lượng khoảng 600 tấn khô/năm (là phường còn trồng nhiều atisô nhất hiện nay tại Đà Lạt) và phần diện tích đất còn lại được trồng hoa. Có thể nói đây là một vùng chuyên canh hoa vào hàng lớn nhất Đà Lạt với sản lượng hoa cắt cành đạt 450 triệu cành/năm. Trồng rau nơi đây, theo ông Hồ Ngọc Định, chủ yếu là các loại rau có giá trị cao, phần lớn được trồng trong nhà kính, nhà lưới với hệ thống tưới nước tự động, thu nhập cho người canh tác khoảng 450 - 500 triệu đồng/ha/năm. Nhưng vài năm gần đây, người dân trong phường đang chuyển dần từ rau sang hoa. “Hoa có thu nhập gấp đôi gấp ba lần so với trồng rau nên mọi người làm thôi” - ông Định cho biết. Bình quân giá trị sản xuất hoa cúc theo ông Định đạt gần 1 tỷ đồng/ha/năm, đầu ra gần đây khá ổn định, cũng có lên xuống theo thời giá nhưng không bấp bênh như rau. Mỗi nhà chỉ cần 5 sào nhà kính chuyên canh hoa cúc là có thể sống tốt, còn nếu trồng các loại hoa cao cấp hơn như hoa ly thì cần vốn lớn nhưng lợi nhuận cũng lớn hơn nhiều.
Để có kết quả như hôm nay, theo UBND phường, người dân trong phường đã trải qua một quá trình chuyển đổi tư duy canh tác, chuyển đổi quy trình sản xuất, thay đổi chủng loại cây trồng. Bắt đầu từ một số hộ nông dân tiên phong làm nhà kính, đưa một số loại hoa cúc vào trồng thử nghiệm và những thành công bước đầu của các hộ này đã khích lệ nhiều hộ khác làm theo. Tuy nhiên, những nhà kính ban đầu khá thô sơ, chủ yếu bằng vật liệu đơn giản tre nứa, chủng loại cây trồng còn khá đơn điệu.
Khi thành phố Đà Lạt phát động chương trình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn, UBND phường 12 đã tích cực vận động người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hằng năm, UBND phường phối hợp với Hội Nông dân tổ chức các đợt hội thảo, các lớp tập huấn để chuyển giao công nghệ cho dân, từ cách làm nhà kính, nhà lưới, cách lắp đặt hệ thống tưới tự động, tập huấn quy trình sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, kỹ thuật lắp đặt hệ thống điện cấp ánh sáng cho cây trồng, cách trồng và chăm sóc các loại rau, hoa, cây trồng mới…; tổ chức cho các hộ đi tham quan các mô hình trình diễn của thành phố, các cuộc hội thảo đầu bờ, đưa ra các mô hình nhà kính để người dân lựa chọn đầu tư theo khả năng của mình.
Trong năm 2013 vừa qua, UBND phường đã phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp, Phòng Kinh tế thành phố và Chị cục Phát triển nông thôn Lâm Đồng chuyển giao 2 nhà kính công nghệ cao hiện đại tại phường như là mô hình trình diễn để các hộ sản xuất trong phường đến tham quan học tập.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao, các hộ dân đã không ngừng tăng doanh thu trên một đơn vị diện tích, số hộ ăn nên làm ra của phường mỗi năm một nhiều thêm. Theo số liệu của UBND phường, bình quân thu nhập của người dân trong phường tính theo đầu người khoảng 3,8 triệu đồng/tháng. Số hộ nghèo trong phường hiện chỉ còn 7 hộ (chiếm 0,45% dân cư), hầu hết là những hộ neo đơn, gặp hoàn cảnh khó khă, bệnh tật. 70% số hộ dân làm nông nghiệp của phường hiện nay đã có mức thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên, trong đó gần 150 hộ (10%) đã vượt lên với mức thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ nhờ tích lũy được vốn sau nhiều năm làm ăn đã mạnh dạn đầu tư vào làm nhà kính hiện đại để trồng hoa ly cao cấp. Điển hình sản xuất giỏi của phường có thể kể đến ông Cao Minh, ông Nguyễn Văn Thành, ông Trương Đình Minh, ông Cao Văn Phong, ông Nguyễn Bình… tất cả đều giàu lên nhờ hoa ly, có người thu mỗi năm 2 - 3 tỷ đồng.
Và điều đáng nói, nhiều gia đình nơi đây đã vươn lên thành những “doanh nghiệp” nông nghiệp. Có 3 hộ đầu tư hình thành cơ sở cấy mô sinh học cung cấp giống khoai tây và hoa cúc cho người dân; 20 cơ sở ươm giống các loại đáp ứng đủ nhu cầu cây giống của người dân trong phường. Trong phường, hiện đã có 18 kho lạnh người dân xây dựng để bảo quản củ giống hoa ly.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho người dân trong phường mà hầu hết các hộ dân làm nông nghiệp nơi đây đang rất cần thêm nhân công. “Mọi người đều cần có việc làm. Phường đang thiếu nhân công lao động trầm trọng, đặc biệt là những lúc cao điểm mùa vụ xuống giống, thu hoạch, nhất là lúc lễ, tết… Tiền công thuê rất cao”- bà Nguyệt cho biết.
Địa phương này lâu nay đã thu hút cả nghìn lao động từ mọi nơi trong nước đến làm việc thường xuyên nơi đây, đa số là người ngoại tỉnh. Những dãy nhà trọ cũng mọc lên nhanh trong các khu dân cư. Mùa cao điểm có lúc lên đến 1.500 lao động. Phường 12, Đà Lạt hiện đã không còn bóng dáng của một phường vùng ven.
Viết Trọng