(LĐ online) - Thật xót xa và đau đớn khi con người bị coi là thứ hàng hóa để đem ra mua bán. Hậu quả từ mua bán người đã để lại nhiều nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần cho các phụ nữ, trẻ em và gia đình nạn nhân. Nằm trong sự ảnh hưởng đó, tại huyện Đam Rông, tình hình tội phạm mua bán người đang có diễn biến phức tạp.
(LĐ online) - Thật xót xa và đau đớn khi con người bị coi là thứ hàng hóa để đem ra mua bán. Hậu quả từ mua bán người đã để lại nhiều nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần cho các phụ nữ, trẻ em và gia đình nạn nhân. Nằm trong sự ảnh hưởng đó, tại huyện Đam Rông, tình hình tội phạm mua bán người đang có diễn biến phức tạp.
Đến nay, cuộc sống đã trở lại bình thường và nỗi buồn như nguôi ngoai đối với chị G.T.T (xã Liêng S’rônh, huyện Đam Rông) - là nạn nhân của một vụ mua bán người. Câu chuyện buồn xảy ra đã hơn 1 năm qua, nhưng nó vẫn luôn ám ảnh chị.
Vào một ngày cuối tháng 9 năm 2013, vì nghe theo lời 2 đối tượng lạ mặt làm quen qua điện thoại hứa sẽ giúp mình có công ăn việc làm ổn định, với thu nhập cao để thoát khỏi cảnh nghèo khó, chị T đã cùng đứa con trai chưa đầy 1 năm tuổi bước lên xe đò đi tới thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Khi gặp, các đối tượng đã nhanh chóng đưa cả 2 mẹ con chị T ra tỉnh Lào Cai, rồi tách 2 mẹ con ra và đưa chị T đi theo đường rừng vượt qua biên giới để sang Trung Quốc. Sau đó, chị T được giao cho 4 đối tượng người Trung Quốc.
Sau hơn 10 ngày sống lạ lẫm và buồn tủi nơi xứ người, chị T bị các đối tượng bán làm vợ cho một người đàn ông, ở một vùng sâu, vùng xa của Trung Quốc. Tại đây, vừa phải lao động vất vả trên nương rẫy, lại phải tủi nhục phục vụ các thành viên trong gia đình người chồng Trung Quốc, khiến cuộc sống của chị T như “địa ngục trần gian”.
Vì khao khát được trở lại cuộc sống bình thường như trước và muốn thoát khỏi “địa ngục trần gian” nơi xứ người, chị T luôn tìm cách bỏ trốn để trở về quê hương. Đến đầu tháng 12/2013, nhân lúc tất cả mọi người trong gia đình người chồng Trung Quốc đi vắng, chị T đã chạy trốn. Sau nhiều ngày, chị tìm đến được một trụ sở Công an địa phương ở Trung Quốc để mong được giúp đỡ. Và đến ngày 7/12/2013, chị T đã được phía Công an Trung Quốc phối hợp cùng Công an Việt Nam đưa về nhà - nơi tưởng chừng mình không còn có thể quay trở lại nữa.
Nhưng niềm vui ngày đoàn tụ chưa trọn vẹn khi đứa con trai đến nay đã chừng 2 năm tuổi của chị T vẫn chưa tìm lại được. Cũng chính vì vậy, chị T và chồng mình chỉ biết nhớ, thương đứa con trai thiếu may mắn đã trở thành nạn nhân của mua bán người và mong con mình sớm được giúp đỡ để trở về.
Thực tế, có rất ít nạn nhân của các vụ mua bán người may mắn được trở về quê nhà giống như chị G.T.T, ở xã Liêng S’rônh. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện Đam Rông đã xảy ra 3 vụ mua bán người, với 6 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị bán sang Trung Quốc. Đến nay, mới có 3 nạn nhân may mắn trốn được và đã về địa phương sinh sống. Ngoài ra, còn có 3 người khác chưa xác định được tình hình sinh sống hiện nay và nghi cũng là nạn nhân mua bán người.
Những gia đình có nạn nhân mua bán người chưa được trở về địa phương thường bặt vô âm tín với thân nhân của mình. Họ phải sống trong cảnh cha mẹ mất con, chồng mất vợ, nhất là những đứa con thơ phải thiếu bàn tay chăm sóc dạy dỗ của người mẹ…
Trước thực tế trên, ngành chức năng huyện Đam Rông đã tăng cường tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống tội phạm mua bán người với nhân dân, nhất là người DTTS. Đặc biệt, Công an huyện đã tập trung điều tra, khám phá các vụ mua bán người xảy ra trên địa bàn. Qua đó, xác định các đối tượng tội phạm mua bán người thường dùng phương thức, thủ đoạn gặp trực tiếp hay gọi điện thoại, nhắn tin làm quen với các cô gái, rủ đi kiếm việc làm có thu nhập cao, rủ đi các tỉnh Lào Cai, Điện Biên để lấy chồng giàu… Sau khi đã lừa được các cô gái trẻ là người DTTS do ít hiểu biết, nhẹ dạ cả tin đi theo, bọn chúng bàn giao các cô gái cho nhóm đối tượng khác để bán sang Trung Quốc làm vợ hay lao động cưỡng bức, lạm dụng tình dục… Thượng tá Phạm Văn Sế - Phó Trưởng Công an huyện Đam Rông cho biết: “Công an huyện Đam Rông triển khai một số biện pháp tập trung điều tra làm rõ các vụ án đã xảy ra, tìm ra thủ phạm để xử lý trước pháp luật; đồng thời mở rộng vụ án. Ngoài ra, mở các đợt tấn công tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người để phục vụ công tác điều tra, khám phá cũng như phòng ngừa tội phạm mua bán người”.
Thật xót xa và đau đớn khi con người bị coi là thứ hàng hóa để đem ra mua bán. Những vụ án mua bán người được điều tra làm rõ, các đối tượng phạm tội sẽ được xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Tuy nhiên, những nạn nhân mua bán người và gia đình vẫn phải chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Không những vậy, mua bán người còn gây hoang mang lo lắng cho người dân, gia đình ở những vùng quê.
Do vậy, việc phòng, chống tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm mua bán người là của toàn xã hội. Song, trước tiên, mỗi người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác, khi thấy trường hợp có dấu hiệu tội phạm mua bán người cần báo ngay cho cơ quan Công an để kịp thời xử lý. Có như vậy, thì mỗi gia đình mới có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc, đồng thời, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Đam Trọng