Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và một chiếc xe đạp thồ, Ka Yép ( người dân tộc K'Ho, ở xóm 3, thôn B'Đơ, Lộc An, Bảo Lâm) đã nỗ lực vượt qua những ngày gian khó để vươn lên thoát nghèo. Chuyện Ka Yép làm giàu từ chiếc xe đạp thồ, bây giờ, không còn là câu chuyện ít người biết ở Lộc An.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và một chiếc xe đạp thồ, Ka Yép ( người dân tộc K’Ho, ở xóm 3, thôn B’Đơ, Lộc An, Bảo Lâm) đã nỗ lực vượt qua những ngày gian khó để vươn lên thoát nghèo. Chuyện Ka Yép làm giàu từ chiếc xe đạp thồ, bây giờ, không còn là câu chuyện ít người biết ở Lộc An.
Ka Yép năm nay 54 tuổi. 35 năm trước, Ka Yép cưới chồng ra riêng với hai bàn tay trắng. Từ những ngày đầu khởi nghiệp bằng cách khai hoang trồng lúa đồi, hai vợ chồng Ka Yép đã biết chịu thương chịu khó. “Hồi đó, nhà mình chỉ biết trồng lúa đồi, vì đó là cách duy nhất để không bị đói. Năm nhiều nhất, nhà mình thu được 99 gùi (1 gùi = 50kg) thóc. Năm ít thì cũng hơn 60 gùi. Tuy hồi đó còn rất nghèo, nhưng nhờ lúa đồi mà nuôi các con khôn lớn. Sau 10 năm trồng lúa đồi, gia đình dần tích góp rồi mua được chiếc xe đạp” - Ka Yép kể.
|
Ka Yép bên giàn máy vò chè |
Cuối thập niên 80, nhà nào “tậu” được chiếc xe đạp là xem như có một tài sản đáng giá. Có được chiếc xe đạp, cộng thêm chút vốn tích góp, Ka Yép bắt đầu chuyển sang nghề thu mua chè tươi. Trên chiếc xe đạp, hai vợ chồng Ka Yép rong ruổi khắp nơi tìm mối mua chè. Rồi cũng trên chiếc xe đạp này, chồng Ka Yép thồ từng bao chè mang ra Bảo Lộc bán cho các xưởng chế biến. Cứ thế, việc mua và bán chè dần dần “dạy” cho vợ chồng Ka Yép cách làm giàu chính đáng. Ka Yép chia sẻ: “Mỗi kg chè bán ra, thời điểm đó, lời được 20 ngàn đồng. Trung bình 1 ngày, tôi bán được 5 tạ, lời được 100 ngàn đồng. Chi phí xăng xe và chi tiêu trong gia đình hết 30 ngàn, còn lại 70 ngàn là phần để dành”. Sau 6 năm tích góp từ việc đi thu mua và bán chè tươi, đến năm 1998, Ka Yép thoát nghèo. Đó cũng là năm Ka Yép xây nhà kiên cố, thay thế căn nhà gỗ mái tranh ọp ẹp đã từng là nơi nương náu suốt quãng bần hàn gần 20 năm.
Trong những ngày đi thu mua và bán chè tươi, Ka Yép để ý và học cách chế biến chè khô từ các xưởng chế biến. Cô nói: “Mình thấy việc thu mua và bán chè tươi chỉ giúp mình có được cái ăn hàng ngày chứ khó mà làm giàu. Muốn làm giàu, mình phải chế biến chè khô để bán cho các cơ sở ướp chè hương”. Nghĩ thế, Ka Yép tiếp tục dành khoản tiền tích góp để mua đất, xây nhà xưởng, trang bị máy vò chè, sấy chè... và bắt đầu làm chè khô. Được một số cơ sở thu mua cam kết hợp đồng “đầu ra”, Ka Yép mạnh dạn tăng sản lượng thu mua chè tươi để chế biến chè khô, rồi mang những mẻ chè khô thành phẩm đầu tiên đi “thử sức”. Sau nhiều lần bị loại, bị hạ thấp chất lượng, cuối cùng, sản phẩm chè khô của Ka Yép được thị trường chấp nhận. Và từ đó, Ka Yép làm giàu.
Sau 3 năm chế biến chè khô, Ka Yép đầu tư thêm chiếc xe tải nhẹ để vận chuyển hàng hóa thuê và cũng để mang chè khô của gia đình đi bỏ mối. Hiện tại, trung bình 1 ngày, xưởng chế biến chè khô của Ka Yép xuất ra thị trường khoảng 5 tạ, thu về khoảng 20 triệu đồng, trừ chi phí, lãi gần 10 triệu đồng. Ngoài thu nhập từ xưởng chè, Ka Yép còn có thêm nguồn thu nhập từ 1,5ha chè và cà phê (đã chuyển đổi giống mới). Trung bình mỗi năm, Ka Yép thu về 2,5 - 3 tấn cà phê/ha và khoảng 7 - 8 tạ chè.
Ka Yép không thuê lao động, nhưng lại tận dụng công lao động của tất cả con cháu họ hàng và trả công sòng phẳng. Học theo Ka Yép, 5 cô con gái trong gia đình đều làm ăn ổn định, có kinh tế khá. Trong đó, Ka Ria, cô con gái thứ tư, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn B’Đơ, là điển hình học tập, làm kinh tế giỏi của nhiều chị em phụ nữ trong thôn. Ka Ria bảo: “Tất cả đều học từ mẹ. Mẹ rất chịu khó và dạy các con phải biết chịu khó giống mình”.
Bây giờ, gia đình đã có “của ăn của để”, nhưng Ka Yép vẫn rất tằn tiện trong chi tiêu, không hoang phí. “Tôi còn muốn trang bị thêm kiến thức làm chè ướp hương. Hy vọng một ngày nào đó, sẽ làm ra sản phẩm chè ướp hương của riêng mình” - Ka Yép chia sẻ sự kỳ vọng của mình.
HẢI UYÊN