Theo kết quả giám sát mới đây của HĐND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011 - 2016 cho thấy còn nhiều việc phải làm.
Theo kết quả giám sát mới đây của HĐND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011 - 2016 cho thấy còn nhiều việc phải làm.
|
Hình thành sản xuất theo chuỗi ATTP - Một góc vườn rau của Đà Lạt GAP. Ảnh: A.Nhiên |
Trên 120 văn bản chỉ đạo về ATTP
Trong 5 năm qua, UBND tỉnh đã ban hành trên 120 văn bản chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện Luật ATTP và các luật có liên quan, các nghị định của Chính phủ; chỉ thị, nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ; thông tư, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về ATTP. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định như: Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2012 - 2015 tại tỉnh Lâm Đồng; Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo ATTP giai đoạn 2016 -2020; các quyết định về Quy định phân công, phối hợp trong việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện ATTP... Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn quản lý.
Tuy nhiên, qua giám sát của HĐND thì đến nay UBND tỉnh chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, quy định cụ thể điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ đối với sản phẩm đặc thù trên địa bàn tỉnh. Mặc dù có chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng sau gần 2 năm, các sở: Nông nghiệp - PTNT, Công thương, Y tế và UBND cấp huyện, thành phố vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý đã được phân công.
Chẳng hạn như Sở Công thương chưa thực hiện phân công, phân cấp quản lý, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý của ngành, chỉ mới thực hiện thí điểm ở 3 địa phương Đức Trọng, Bảo Lộc, Đạ Tẻh. Tương tự, Sở Nông nghiệp - PTNT chưa thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc đánh giá, phân loại, xử phạt đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh nông - lâm - thủy sản; kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản đủ điều kiện ATTP.
Qua giám sát, HĐND tỉnh phát hiện Chi cục ATVSTP tỉnh ban hành 2 văn bản không đúng thẩm quyền và yêu cầu Sở Y tế tiến hành thu hồi 2 công văn này và chấn chỉnh việc ban hành văn bản không đúng thẩm quyền, nội dung.
Công tác triển khai, tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia ATTP giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn tỉnh với một số mục tiêu, dự án chưa đạt chỉ tiêu đề ra nhưng đến nay địa phương chưa tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện. Cụ thể, một số chỉ tiêu, dự án đến năm 2015 phải hoàn thành gồm: Hình thành hệ thống cảnh báo nhanh về ATTP và cảnh báo được trên 70% các nguy cơ được phát hiện; 75% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP; 100% cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm quy mô công nghiệp, 65% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 85% bếp ăn tập thể được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 60% chợ được quy hoạch và kiểm soát ATTP; 100% cơ sở giết mổ tập trung trong vùng quy hoạch áp dụng quy chuẩn giết mổ gia súc gia cầm; 100% các huyện, thành phố có mô hình chợ đảm bảo vệ sinh ATTP…
Có chuyển biến nhưng chưa mạnh mẽ
UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất rau, chè tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; quyết định phê duyệt kế hoạch xây dựng chuỗi ATTP năm 2016. Đến nay, số cơ sở và diện tích sản xuất theo mô hình VietGAP tăng cao 56.490 ha (trong đó: rau 1.550 ha, chè 386 ha, cà phê 44.000 ha 4C, cây ăn quả 113 ha), có 779 hộ chăn nuôi và 971 hộ sản xuất nông sản được cấp VietGAP; các cơ sở tham gia chuỗi ATTP hiện có 25 chuỗi rau, 17 chuỗi chè, 1 chuỗi chuối (với tổng diện tích 1.266 ha, sản lượng 184.924 tấn/năm) và 4 chuỗi chăn nuôi cho sản lượng 1.368 tấn/năm.
Để đảm bảo tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã đề xuất Trung ương bố trí nguồn kinh phí, đồng thời hàng năm bố trí kinh phí địa phương để thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP cho các sở, ngành, cụ thể: Sở Nông nghiệp - PTNT 14,22 tỷ đồng, Sở Y tế 13,4 tỷ đồng, Sở Công thương 3,4 tỷ đồng.
Các sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp - PTNT đã tổ chức 603 lớp tập huấn về kiến thức ATTP cho 32.971 lượt người và 32 lớp tập huấn cho hệ thống trường học với 2.175 lượt học viên. Kết quả cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP chưa nhiều: ngành Y tế đã cấp cho 660 lượt cơ sở, 2.316 Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP; ngành Công thương cấp 110 Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và cấp 810 Giấy xác nhận kiến thức về ATTP; ngành Nông nghiệp - PTNT cấp 1.865 Giấy chứng nhận vệ sinh ATTP, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, kinh doanh thuốc thú y và Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra ATTP với tổng số 83.657 lượt cơ sở đã được thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện 18.515 lượt cơ sở vi phạm và tiến hành xử lý 3.167 lượt cơ sở (chiếm 17,1%). Việc xử lý vi phạm hành chính quá ít nên chưa đảm bảo tính răn đe, như huyện Di Linh chỉ ban hành 10 quyết định xử phạt/1.552 cơ sở vi phạm, Bảo Lâm ban hành 15 quyết định xử phạt/2.068 cơ sở vi phạm…
Trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với 550 người mắc, có 4 người tử vong; trong đó có 6 vụ quy mô trên 30 người mắc, xảy ra chủ yếu tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Chương trình mục tiêu quốc gia ATTP trên địa bàn tỉnh không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 về cở sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu về VSATTP (thực hiện 75,3%/80% kế hoạch), còn xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc, tỉ lệ mắc ngộ độc thực phẩm/100.000 dân quá cao (9,57/kế hoạch 5,5).
AN NHIÊN