Họ là nông dân, là doanh nhân, là trưởng thôn, cán bộ phụ nữ phường..., dù là gì thì họ vẫn luôn là nhân tố tích cực trong cộng đồng, hướng đến những người chung quanh.
Họ là nông dân, là doanh nhân, là trưởng thôn, cán bộ phụ nữ phường..., dù là gì thì họ vẫn luôn là nhân tố tích cực trong cộng đồng, hướng đến những người chung quanh.
|
Người làm đang vận hành máy tưới tại trang trại hoa Lily của ông Nguyễn Hữu Trí ở Xuân Thọ, Đà Lạt. Ảnh: V.T |
Làm việc thiện bằng tấm lòng
Không khó để tìm được nhà ông Nguyễn Hữu Trí ở thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ vùng ven Đà Lạt. Một cán bộ ở UBND xã tươi cười bảo tôi cứ hỏi người dân nơi đây ai ai cũng biết ông Trí “hoa Ly”. Ngay tại đầu thôn một người bảo tôi cứ đi thẳng xuống con dốc của làng, chừng nào thấy các vườn trồng nhiều hoa Lily hai bên thì đó là nhà ông Trí.
Nhưng đó đâu chỉ là nhà mà đúng hơn đó là một trang trại hoa Ly trải dài 2 bên đường, rộng đến gần 6 ha, có vạt đất đang xuống củ giống, có vạt hoa đang ra nụ, có vạt hoa đến kỳ thu hoạch. Rất đông người làm đang đóng gói hoa trong nhà xưởng, chuẩn bị đưa đi TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Ông Trí người Bình Dương, năm nay 53 tuổi, từng là cán bộ nhà nước lâu năm nhưng “thích cây cỏ” nên một ngày ông quyết định nghỉ làm công chức lên Đà Lạt tìm mua đất làm trang trại trồng hoa ở Đa Quý, Xuân Thọ. Lúc đầu, ông chỉ mua được chừng 2 ha ở đây, dần ông mở rộng sản xuất và đến nay diện tích trang trại của ông đã lên khoảng 6 ha, tất cả đều chuyên canh hoa Lily. Trồng hoa Lily nên người dân nơi đây còn gọi ông bằng biệt danh “Trí - hoa Ly”. Mỗi năm, ông mua từ Hà Lan về đây khoảng 2 triệu củ giống để trồng, trong trang trại ông có kho lạnh trữ củ giống để trồng và bán hoa ra thị trường quanh năm.
Đặc biệt, ông còn có quầy phân phối hoa tại TP Hồ Chí Minh, không chỉ tiêu thụ hoa Lily trong trang trại, ông còn tổ chức thu mua nhiều loại hoa của người dân trồng trong vùng để bán.
Và không chỉ là một nông dân - chủ trang trại sản xuất - kinh doanh giỏi với thu nhập rất cao tính trên một đơn vị diện tích với khoảng 15 tỷ đồng/ha/năm, ông Nguyễn Hữu Trí còn là một người nổi tiếng làm việc thiện vì cộng đồng tại xã Xuân Thọ.
“Tôi từng là cán bộ nhà nước nhưng giờ là nông dân, nông dân chính tông, ngày đêm sống chết với đất vườn nên tôi hiểu được nỗi cực khổ của người nông dân một nắng hai sương” - ông Trí nói.
Không chỉ tạo việc làm cho rất nhiều lao động tại trang trại của mình với thu nhập ổn định, từ năm 2012 đến nay, ông Trí đã hỗ trợ cho xã Xuân Thọ xây dựng 13 căn nhà tình thương với tổng số tiền trên 500 triệu đồng, đóng góp hàng chục triệu đồng để làm giao thông, bắc điện chiếu sáng đường nông thôn trong xã, hỗ trợ cho rất nhiều hoạt động văn hóa - xã hội của xã.
Như trong năm 2017 này, ông Trí hỗ trợ cho xã xây 2 căn nhà tình thương, mỗi căn 45 triệu đồng, hiện xã đã xây được 1 căn.
Những người vì cộng đồng
Đà Lạt có rất nhiều những con người với tấm lòng như thế. Họ có thể là nông dân, doanh nhân, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, người về hưu, người làm công tác Hội nhưng điểm nổi bật ở họ là tấm lòng vì mọi người, vì cộng đồng.
Điển hình như ông Bùi Văn Sỹ - người Phường 11 - Đà Lạt chẳng hạn. Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi với 4 ha canh tác hoa các loại cho thu nhập bình quân 800 triệu đồng/ha/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động mà ông Sỹ còn đóng góp trên 300 triệu đồng làm đường giao thông trong khu vực. Hay bà Thạch Ngọc Mai, nông dân Phường 8 với vườn ươm rau hoa cho thu nhập hằng tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động. Bà Mai thường xuyên bán hỗ trợ cây giống trả chậm cho nông dân trong vùng trị giá hằng trăm triệu đồng trong năm.
Nhiều trường hợp khác cũng là nông dân, dù còn khó khăn nhưng họ sẵn sàng vì mọi người. Đó là bà Trần Thị Minh Sơn ở thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường đã tự nguyện hiến gần 2.000 m2 đất vườn đang trồng cây để mở đường đi vào khu vực sản xuất cho mọi người cùng sử dụng. Cũng như bà Sơn, bà Đinh Thị Thùy, người xã Tà Nung, đã đầu tư 250 triệu đồng để làm đường đi chung cho cả xóm.
Hoặc như ông Nguyễn Căn - Trưởng thôn, thôn Trường Sơn, xã Xuân Trường cũng là điển hình rất tiêu biểu bởi tinh thần vì cộng đồng. Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, ông Căn còn dành nhiều thời gian đi vận động mọi người trong thôn tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn đạt kết quả rất tốt.
Trong phong trào “Phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc” của Đà Lạt nổi bật có ông Huỳnh Dương Quốc Hùng, Trưởng ban Bảo vệ dân phố Phường 3; ông Hồ Thanh Hoài, Đội trưởng dân phòng xã Tà Nung; ông Nguyễn Đình Đơn,Tổ trưởng bảo vệ dân phố Thái Thịnh - Phường 12. Đây là những con người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” đóng góp công sức mang lại bình yên cho cộng đồng.
Nhiều cán bộ Hội Phụ nữ phường, xã cũng là tấm gương vì cộng đồng, điển hình như bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch Hội Phụ nữ Phường 3; bà Nguyễn Thị Bích Thu - Chi hội trưởng phụ nữ tổ Đa Phước 2, Phường 11… đã dành không ít thời gian để vận động hội viên tại địa phương mình. Hoặc như bà Võ Thị Sơn, Chi hội trưởng, tổ trưởng đan len móc Phường 10 rất năng động trong việc tìm ra nguồn hàng tạo việc làm thường xuyên trong năm cho trên 30 chị em tại phường.
Những người như thế, như UBND thành phố Đà Lạt nhận xét, là nhân tố tích cực cần được nhân rộng trong cộng đồng để ngày càng có thêm nhiều hơn các điển hình tiên tiến.
Riêng với ông Nguyễn Hữu Trí, ông chỉ đơn giản cho rằng: “Mình có ít làm ít, có nhiều làm nhiều, tùy theo sức và khả năng của mình, làm bằng cả tấm lòng, phải có trách nhiệm đóng góp để địa phương ngày càng đi lên”.
VIẾT TRỌNG