Nhân ngày Sức khỏe thế giới (7/4/2017) với chủ đề "Trầm cảm - hãy cùng trò chuyện" nhắc nhở nhân loại quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe tâm thần cộng đồng. PV Báo Lâm Đồng có cuộc trò chuyện với BSCKI Nguyễn Ngọc Điệp - Phó Trưởng Khoa Tâm thần - Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh về kiến thức phổ cập liên quan đến bệnh này.
Nhân ngày Sức khỏe thế giới (7/4/2017) với chủ đề “Trầm cảm - hãy cùng trò chuyện” nhắc nhở nhân loại quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe tâm thần cộng đồng. PV Báo Lâm Đồng có cuộc trò chuyện với BSCKI Nguyễn Ngọc Điệp - Phó Trưởng Khoa Tâm thần - Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh về kiến thức phổ cập liên quan đến bệnh này.
|
BSCKI Nguyễn Ngọc Điệp - Phó Trưởng Khoa Tâm thần - Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh đang tư vấn cho người bệnh. Ảnh: D.H |
Thưa BS! Tình hình thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng tại địa phương hiện nay như thế nào?
BSCKI Nguyễn Ngọc Điệp: Thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em tỉnh Lâm Đồng đã triển khai hoạt động ở 126/147 xã, phường, thị trấn của 12/12 huyện, thành phố trong tỉnh. Đến nay, số bệnh nhân tâm thần phân liệt (TTPL) đang được quản lý là 1.416 bệnh nhân; số bệnh nhân động kinh đang quản lý 1.581 bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân TTPL điều trị đều đạt 93,8% (chỉ tiêu giao trên 90%); tỷ lệ bệnh động kinh điều trị đều 94,6% (chỉ tiêu giao trên 90%); tỷ lệ bệnh nhân TTPL tái hòa nhập cộng đồng 93,4% (chỉ tiêu giao trên 90%). Năm 2016 chúng tôi phát hiện đưa vào chương trình quản lý và điều trị được 85 bệnh nhân TTPL mới.
Tại phòng khám (đặt tại Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội tỉnh), trung bình mỗi tháng Khoa Tâm thần khám bệnh, đo điện não, lưu huyết não, đo điện tim cho khoảng 150 lượt bệnh nhân; trong đó số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh trầm cảm là 13 lượt/tháng. Hiện nhân sự phục vụ ở Trung tâm có 1 thạc sỹ chuyên khoa tâm thần, 1 bác sỹ chuyên khoa cấp I về tâm thần, 2 y sỹ chuyên khoa sơ bộ về tâm thần.
Xin bác sĩ nói về chủ đề bệnh trầm cảm?
BSCKI Nguyễn Ngọc Điệp: Bệnh trầm cảm là một bệnh lý về tâm thần với biểu hiện rối loạn cảm xúc, xảy ra với một người ở thời điểm nào đó trong cuộc đời. Bệnh đặc trưng với cảm xúc trầm buồn, mất quan tâm hứng thú và mệt mỏi kéo dài. Bệnh trầm cảm có thể chữa khỏi hoàn toàn, một số người có thể bị tái phát và trở thành mạn tính. Tỷ lệ bệnh có khoảng 10% - 15% người lớn trong dân số chung có ít nhất một cơn trầm cảm trong giai đoạn nào đó của cuộc sống. Tuổi phát bệnh thường gặp nhất trong lứa tuổi 20 - 50, tuổi trung bình thường gặp là khoảng 40 tuổi. Về giới tính: Trầm cảm thường gặp ở nữ gấp 2 lần so với nam. Tình trạng kinh tế, xã hội: Trầm cảm thường gặp ở những vùng nông thôn hơn là ở thành thị. Tình trạng hôn nhân: Tỉ lệ của bệnh trầm cảm cao hơn đáng kể ở người có mối quan hệ xã hội kém hoặc ly dị, góa bụa.
BS cho biết nguyên nhân dẫn đến trầm cảm?
BSCKI Nguyễn Ngọc Điệp: Nguyên nhân của bệnh gồm các yếu tố di truyền: Người thân với người bị bệnh trầm cảm có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn trong dân số chung. Tỉ lệ bệnh trầm cảm ở sinh đôi cùng trứng là 65 - 75%, trong khi ở trẻ sinh đôi khác trứng chỉ là 14 - 19%. Bất thường trong chất dẫn truyền thần kinh: Có 3 chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến bệnh lý trầm cảm đó là Norepinephrine, Serotonine và Dopamine. Qua nghiên cứu người ta thấy rằng trong bệnh trầm cảm, cả ba chất dẫn truyền thần kinh này đều sụt giảm nồng độ đáng kể trong não bộ và dịch não tủy của người bệnh. Do nội tiết: Bệnh trầm cảm liên quan đến Trục tuyến thượng thận và Trục tuyến giáp. Theo đó, bệnh trầm cảm thường xảy ra khi có sự tăng tiết Cortisol và giảm phóng thích Thyroid stimulating hormon (TSH). Do các yếu tố tâm lý xã hội: Căng thẳng, stress, thất nghiệp v.v…
Vậy các dấu hiệu nhận biết người mắc bệnh trầm cảm là gì thưa BS?
BSCKI Nguyễn Ngọc Điệp: Dựa vào 12 dấu hiệu sau: Cảm xúc trầm cảm chiếm khoảng 90% các trường hợp, người bệnh than phiền mình cảm thấy buồn, chán nản, trống rỗng, vô vọng hoặc không còn tha thiết điều gì nữa; ở trẻ em thường xuất hiện dưới tình trạng cáu kỉnh, bực bội, trốn học, không vâng lời.
Mất hứng thú: Bệnh nhân hình như không còn tha thiết với bất kỳ hình thức hoạt động nào mà trước đó bệnh nhân rất thích như hoạt động tình dục, sở thích hoặc các công việc hàng ngày.
Ăn mất ngon: Khoảng 70% bệnh nhân có triệu chứng này và kèm theo sụt cân, chỉ có số ít bệnh nhân có cảm giác thèm ăn, đặc biệt là đồ ăn ngọt như kẹo, đường, sữa, bánh ngọt.
Rối loạn giấc ngủ: Bệnh nhân trầm cảm thường bị mất ngủ cuối giấc, họ thức giấc sớm từ 3 - 4h sáng và không thể nào ngủ lại được.
Rối loạn tâm thần vận động: Bệnh nhân trầm cảm, hành vi trở nên chậm chạp, trì trệ; biểu lộ sự chậm chạp trong suy nghĩ, lời nói, các cử động cơ thể; hỏi một lúc mới trả lời, trả lời câu hỏi với giọng đều đều, chậm và nghèo nàn, mắt nhìn xa xăm.
Mệt mỏi, mất năng lượng: Cảm thấy mệt mỏi, không còn sức mặc dù không làm gì nhiều, tình trạng này thường nặng nhất vào buổi sáng sớm sau khi thức dậy và sau đó khá dần hơn.
Mặc cảm tự ti và ý tưởng bị tội lỗi: Hơn 50% bệnh nhân trầm cảm tự đánh giá thấp bản thân, thường tự trách mình và khuếch đại các lỗi lầm nhỏ nhặt của mình; nặng hơn có thể đi đến hoang tưởng hoặc thậm chí có cả ảo giác.
Thiếu quyết đoán và giảm tập trung chú ý: Ứng xử trở nên lúng túng do bệnh nhân không thể đưa ra các quyết định; người bệnh than phiền suy nghĩ của mình quá chậm, tập trung kém và rất đãng trí.
Ý tưởng và hành vi tự sát: Bệnh nhân trầm cảm thường nghĩ đi nghĩ lại về cái chết; từ chỉ là cảm giác chung quanh sẽ tốt hơn nếu không có mình đến việc lập ra một kế hoạch tự sát cụ thể; khoảng 1% bệnh nhân trầm cảm tự sát trong vòng 12 tháng sau khi phát bệnh; nguy cơ tự sát cao nhất thường xảy ra ngay lúc mới bắt đầu điều trị và khoảng từ 6 - 9 tháng sau, khi các triệu chứng cơ thể đã hết.
Lo âu: Đa số bệnh nhân trầm cảm có lo âu kèm theo lo sợ, đánh trống ngực, mạch nhanh, cồn cào bao tử, lo lắng, bồn chồn, bất an.
Dấu hiệu cơ thể: Thường gặp đau đầu, đau lưng, chuột rút, buồn nôn, táo bón, thở nhanh, thở sâu, đau ngực; những triệu chứng này làm bệnh nhân trầm cảm thường tìm đến các cơ sở y tế đa khoa thay vì đến chuyên khoa tâm thần.
Dấu hiệu loạn thần: Đó là ảo giác và hoang tưởng; các bệnh nhân trầm cảm nếu có biểu hiện loạn thần thường khó đáp ứng với điều trị và cũng dễ tái phát hơn...
Hiện nay việc điều trị bệnh trầm cảm như thế nào thưa BS?
BSCKI Nguyễn Ngọc Điệp: Một số phương pháp điều trị, bao gồm điều trị bằng thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm đặc biệt hữu ích trong điều trị, cải thiện cảm xúc và khí sắc người bệnh được nâng lên, ổn định các triệu chứng về cơ thể và triệu chứng về thần kinh thực vật. Các thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng hiện nay là các thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Amitriptyline 25 mg), thuốc chống trầm cảm thế hệ mới ức chế tái hấp thu Serotonine (Fluoxetine 20 mg, Paroxetine 20 mg, Sertralin 50 mg). Trong đó thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc Serotonine ngày nay được coi như thuốc đầu bảng trong điều trị trầm cảm do chúng có ít tác dụng phụ và độ dung nạp tốt hơn. Thời gian điều trị trầm cảm là 6 tháng đến 1 năm liên tục.
Điều trị bằng choáng điện: Choáng điện được chỉ định khi triệu chứng trầm cảm là nghiêm trọng, bệnh nhân có ý tưởng tự sát mãnh liệt hoặc không chịu ăn uống kéo dài. Người ta cho một dòng điện chạy qua não bệnh nhân mà không chạy qua tim, gây nên một cơn co giật kiểu động kinh. Phương pháp này an toàn và hiệu quả cao nhưng chỉ được tiến hành ở các bệnh viện chuyên khoa tâm thần nơi có đầy đủ bác sỹ và máy móc chuyên dùng.
Điều trị bằng tâm lý: Các phương pháp trị liệu được đề nghị bao gồm tâm lý trị liệu cá nhân, tâm lý trị liệu nhóm, liệu pháp hành vi nhận thức...
Lời khuyên của bác sĩ về những vấn đề cần chú ý trong bệnh trầm cảm?
BSCKI Nguyễn Ngọc Điệp: Trầm cảm là một bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi hẳn và không để lại ảnh hưởng gì đến trí tuệ, trí nhớ, tình cảm, khả năng làm việc trước đây. Vì vậy, người bệnh sau khi khỏi bệnh vẫn tiếp tục công việc một cách bình thường. Mọi người nên có ý thức quan tâm và bảo vệ sức khỏe tâm thần của mình như: giữ gìn sức khỏe, lao động và nghỉ ngơi hợp lý, tránh các xung đột, va chạm, căng thẳng tâm lý, hạn chế các chất kích thích có hại cho thần kinh như thuốc lá, rượu bia, ma túy; khi thấy mình có biểu hiện của trầm cảm thì không nên giấu diếm mà phải đi khám bệnh ngay để được điều trị kịp thời.
Tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, tuyên truyền giáo dục sức khỏe về bệnh trầm cảm để nâng cao kiến thức, hiểu biết về bệnh trầm cảm. Khi phát hiện gia đình, cộng đồng có người biểu hiện bệnh trầm cảm cần quan tâm giúp đỡ, động viên an ủi và đưa đi khám ngay tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần. Không đưa bệnh nhân đi cúng bái, uống các loại thuốc, thảo dược và điều trị bằng các phương pháp khác mà hiện nay chưa được khoa học kiểm chứng và cho phép. Tuân thủ chỉ định và thời gian điều trị của bác sỹ. Trong thời gian điều trị ngoại trú người nhà cần theo dõi sát bệnh nhân đề phòng họ có ý tưởng và thực hiện hành vi tự sát.
Cảm ơn BS đã dành thời gian chia sẻ thông tin đến mọi người!
DIỆU HIỀN (Thực hiện)