Đề án 1816 góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các tuyến

08:04, 14/04/2017

Quyết định số 1816/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh" (gọi tắt là Đề án 1816) đang được triển khai có hiệu quả tại Lâm Đồng. 

Quyết định số 1816/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (gọi tắt là Đề án 1816) đang được triển khai có hiệu quả tại Lâm Đồng. 
 
Các bác sĩ bệnh viện tuyến trên đang tiến hành chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng khớp gối cho BVĐK tỉnh theo Đề án 1816 năm 2014. Ảnh: D.H
Các bác sĩ bệnh viện tuyến trên đang tiến hành chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng khớp gối cho BVĐK tỉnh theo Đề án 1816 năm 2014. Ảnh: D.H
Ghi nhận từ Đam Rông
 
BSCKII K’Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đam Rông cho biết: Tại Đam Rông, Đề án 1816 được đánh dấu với sự chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lâm Đồng cho TTYT huyện để triển khai một số phẫu thuật cấp cứu ngoại khoa, sản khoa. BVĐK tỉnh đã cử 12 cán bộ y tế triển khai 7 đợt công tác chuyên môn kỹ thuật tại TTYT huyện Đam Rông hỗ trợ triển khai phòng mổ, thực hiện chuyển giao kỹ thuật trên số bệnh nhân được phẫu thuật 27 bệnh nhân. Các bác sĩ của TTYT huyện đã tiếp nhận đào tạo, chuyển giao 5 kỹ thuật: phụ dụng cụ mổ, mổ đẻ, mổ hở ruột thừa, hướng dẫn chăm sóc và theo dõi sơ sinh tại phòng đơn nguyên sơ sinh, gây mê hồi sức; quá trình chuyển giao này được đánh giá chất lượng tốt. 
 
Bên cạnh đó, TTYT huyện Đức Trọng đã cử 9 cán bộ qua 3 đợt giúp TTYT huyện Đam Rông triển khai phòng mổ, phẫu thuật cắt ruột thừa mở và phẫu thuật mổ bắt con. TTYT Đam Rông cũng cử 15 lượt bác sĩ trải qua 120 ngày hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới thực hiện khám, chữa bệnh cho 1.192 bệnh nhân. 
 
BS K’Ngọc Hùng nhận xét, việc cử cán bộ tuyến trên xuống chuyển giao kỹ thuật có trình độ chuyên môn tốt, nhiệt tình trong công các chuyển giao kỹ thuật, tận tình hướng dẫn; cán bộ tuyến dưới được hỗ trợ nhiệt tình học hỏi, kết quả chuyển giao tốt. Vì vậy, chúng tôi đề xuất, kiến nghị BVĐK tỉnh và TTYT Đức Trọng tiếp tục duy trì công tác chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816 để hoạt động khám, chữa bệnh tại TTYT Đam Rông được tốt hơn.
 
Theo Sở Y tế, từ năm 2011 - 2016, việc hỗ trợ chuyên môn từ tuyến huyện cho tuyến xã được các TTYT huyện, thành phố cử trên 1.113 lượt cán bộ hỗ trợ chuyên môn hàng tuần (vào các ngày trong tuần theo lịch được thông báo trước) cho các TYT xã, phường, thị trấn, đặc biệt những TYT chưa có bác sĩ, các TYT vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các cán bộ luân phiên từ tuyến huyện cho tuyến xã đã thực hiện khám chữa bệnh cho gần 125.000 lượt bệnh nhân tại xã và tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn cho trên 1.348 lượt cán bộ y tế tuyến xã. Hỗ trợ khám, chữa bệnh từ tuyến huyện cho tuyến xã, góp phần giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật tốt hơn ngay tại y tế cơ sở; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các TYT, đặc biệt các TYT chưa có bác sĩ. 
 
Tuyến tỉnh tiếp nhận hàng chục kỹ thuật mới
 
Thống kê của Sở Y tế từ năm 2011-2016, các bệnh viện trong tỉnh như: BVĐK Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện YHCT Bảo Lộc, Trung tâm Phòng chống Bệnh xã hội Lâm Đồng, TTYT huyện Di Linh, TTYT huyện Đạ Huoai đã được tiếp nhận trên 100 lượt cán bộ hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng II, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện YHCT TP Hồ Chí Minh… hỗ trợ về các lĩnh vực chuyên môn: Hồi sức cấp cứu, phòng và điều trị các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, chuyên khoa nhi, chẩn đoán hình ảnh, khám, chữa bệnh YHCT, tâm thần … 
 
Đặc biệt, gần đây nhất là tiếp nhận các kỹ thuật: Lọc máu bằng kỹ thuật thẩm tách siêu lọc dịch bù trực tiếp từ dịch lọc (HDF online), siêu âm đàn hồi vú, siêu âm đàn hồi mô (gan, tuyến vú, tuyến giáp); kỹ thuật chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh nhân viêm gan B, C mạn tính; kỹ thuật trong chụp và can thiệp thần kinh; kỹ thuật định lượng HBV, HCV, HIV, CMR bằng phương pháp Real time PRC; điều trị loạn nhịp bệnh lý tim mạch; điều trị chống đông máu; vật lý trị liệu, phục hồi chức năng; chuyên khoa sơ bộ nhi.
 
Các cán bộ đến luân phiên đã tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn tại chỗ cho các bác sĩ của đơn vị, trực tiếp thăm khám các bệnh nhân và hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật. 
 
Qua hỗ trợ của các bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện tuyến tỉnh đã nâng cao chất lượng chuyên môn tại đơn vị, triển khai được 37 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới với 1.516 lượt cán bộ của tỉnh đã được tập huấn, nâng cao trình độ.
 
Ngoài ra, có trên 3.000 bệnh nhân được các bác sĩ tuyến trên trực tiếp khám, chữa bệnh; trên 400 bệnh nhân được các cán bộ chuyên môn tuyến trên trực tiếp khám, chữa bệnh, thực hiện chuyển giao kỹ thuật, không phải chuyển lên tuyến trên.
 
Riêng năm 2016, các bệnh viện tuyến tỉnh đã nâng cao chất lượng chuyên môn, triển khai được thêm 12 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới, trên 116 lượt cán bộ tuyến tỉnh được tập huấn nâng cao trình độ, trên 179 bệnh nhân được các cán bộ chuyên môn tuyến trên trực tiếp khám, chữa bệnh, thực hiện chuyển giao kỹ thuật không phải chuyển lên tuyến trên.
 
Cầm tay chỉ việc cho tuyến huyện 
 
Theo phân công của Sở Y tế, các bệnh viện tuyến tỉnh cử cán bộ luân phiên hỗ trợ các bệnh viện tuyến huyện (theo nhu cầu đề xuất của các bệnh viện tuyến huyện). Theo đó, trong giai đoạn 2011-2016, các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh đã cử trên 450 lượt cán bộ hỗ trợ 155 nội dung chuyên môn thuộc các lĩnh vực chuyên khoa cho 12 TTYT huyện. Các lĩnh vực chuyên môn được các bệnh viện tuyến tỉnh hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến huyện bao gồm: Hồi sức cấp cứu, ngoại khoa, sản phụ khoa, nhi khoa, tai mũi họng, mắt, răng hàm mặt, Y học cổ truyền và phục hồi chức năng. 
 
Qua hỗ trợ của các bệnh viện tuyến tỉnh, các bệnh viện tuyến huyện đã triển khai được 60 kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng mới; các cán bộ hỗ trợ đã trực tiếp khám, chữa bệnh cho khoảng 5.000 bệnh nhân tại huyện; trên 1.500 trường hợp không phải chuyển tuyến trên và 1.775 lượt cán bộ tuyến huyện được tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn. 
 
Để đảm bảo chuyển giao các kỹ thuật có hiệu quả, chất lượng, từ năm 2011 - 2016, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh đã tiếp nhận các cán bộ do TTYT các huyện, thành phố gửi lên để hướng dẫn, đào tạo theo hình thức cầm tay chỉ việc. Đây là hình thức chuyển giao kỹ thuật có hiệu quả trong điều kiện mà các bệnh viện tuyến tỉnh chưa đủ lực lượng cán bộ chuyên khoa để trực tiếp luân phiên tại tuyến dưới như hiện nay. Hình thức này kết hợp với việc bố trí cán bộ xuống hỗ trợ trực tiếp tại đơn vị cơ sở giúp nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, nâng cao hiệu quả của đề án.               
 
AN NHIÊN