Vốn nổi tiếng từ lâu với thương hiệu bánh tráng truyền thống, những năm gần đây, cái tên Lạc Lâm còn được biết đến với sản phẩm bánh tráng mắm ruốc được thị trường ưa chuộng...
Vốn nổi tiếng từ lâu với thương hiệu bánh tráng truyền thống, những năm gần đây, cái tên Lạc Lâm còn được biết đến với sản phẩm bánh tráng mắm ruốc được thị trường ưa chuộng. Người dân gốc Kinh Bắc lưu luyến nghề cũ của quê hương - làng Xuân Hòa (Bắc Ninh) phát triển thành một làng nghề, xây dựng nên thương hiệu bánh tráng Lạc Lâm và giờ đây nhờ bánh tráng mắm ruốc mà thương hiệu đó có mặt rộng rãi hơn trên khắp cả nước, cũng được nhiều người biết đến hơn.
|
Hiện tại, bánh tráng mắm ruốc được làm bằng máy thay vì nướng bằng tay. Ảnh: V.Q |
Chị Trần Thị Nương (35 tuổi) ở lô Bảy Hòa vẫn tự hào là người đầu tiên ở thôn Xuân Thượng làm nên đặc sản bánh tráng mắm ruốc từ cách đây hơn chục năm. Trước đây, chị Nương chỉ nướng bánh tráng trứng hành truyền thống. Để thay đổi khẩu vị cho người ăn, chị nghĩ ra việc kết hợp bánh tráng với mắm ruốc. Không ngờ sự kết hợp giản dị ấy lại được nhiều người yêu thích. Ưu điểm của bánh tráng mắm ruốc là có thể mang đi xa làm quà vì để được lâu mà vẫn giòn rụm, giữ nguyên hương vị món ăn chứ không sợ bị hư như bánh tráng mỡ hành. Vậy là người ta đặt hàng chị Nương mang đi làm quà ngày càng nhiều. Chị bỏ hẳn lò than nhỏ nướng bánh nơi vỉa hè, tập trung làm bánh tráng mắm ruốc với số lượng lớn.
Đến bây giờ, lò nướng bánh tráng mắm ruốc của gia đình chị Nương đã thuộc hàng lớn nhất nhì thôn Xuân Thượng, Lạc Lâm. Cuối năm 2016, chị Nương đầu tư gần 150 triệu đồng mua 2 máy nướng tự động. Không còn sản xuất với lò than thủ công nóng nực, vậy mà 6 con người trong gia đình chị vẫn hoạt động liên tục từ sáng đến tối, người quét mắm, đưa bánh tráng vào lò, đóng gói,... mới đủ hàng cung ứng cho thị trường với số lượng hơn 4.000 cái mỗi ngày.
Ở thôn Xuân Thượng bây giờ, hầu như nhà nào cũng làm bánh tráng, không làm bánh tráng truyền thống thì làm bánh tráng mắm ruốc và loại nào cũng đã bắt đầu có máy thay vì làm thủ công như trước đây. Có nhà làm cả 2 loại như hộ ông Nguyễn Văn Uy (53 tuổi) với thương hiệu bánh tráng Tuyết Trọng được biết đến từ 25 năm nay và hiện tại tráng hơn 1 tạ gạo mỗi ngày. Cô Tuyết - vợ chú Uy cho hay: “Bánh tráng mắm ruốc chỉ mới phổ biến ở Xuân Thượng 3 năm trở lại đây với số lượng ngày càng nhiều do khách tới đặt hàng tăng liên tục. Khách hàng gợi ý nên gia đình tôi phát triển thêm bánh tráng mắm ruốc bên cạnh hơn 7 sản phẩm khác. Trong đó, bánh tráng mắm ruốc vẫn được tiêu thụ nhiều nhất”. Ngày nào cũng vậy, công việc của 2 vợ chồng cô Tuyết từ sáng sớm đến 12 giờ trưa là tráng bánh, sau đó là công đoạn phơi, thu bánh vào. Buổi chiều nướng khoảng 2.000 bánh tráng mắm ruốc và chuẩn bị nguyên phụ liệu cho ngày tiếp theo. Cô bảo, công việc có vất vả, người lúc nào cũng lấm lem bột hoặc vương mùi mắm, nhưng đầu óc không phải suy nghĩ gì và thu nhập ổn định.
Hiện nay, thôn Xuân Thượng có 23 hộ làm bánh tráng truyền thống và khoảng hơn chục hộ làm bánh tráng mắm ruốc. Sản phẩm được đưa đi nhiều thị trường như Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Sài Gòn.
Anh Quận - Trưởng thôn Xuân Thượng cho hay, trong thôn hiện có khoảng 8 máy nướng bánh tráng. Không cầu kỳ như bánh tráng nướng trứng hành mà nhiều người vẫn gọi là pizza Đà Lạt, bánh tráng mắm ruốc giản dị và mộc mạc. Bánh tráng loại dày có mè được quết một lớp mắm ruốc (đã qua sơ chế đặc biệt), sau đó được nướng trên lò than hồng hoặc qua máy nướng. Khi giòn đều, bánh được gấp đôi lại. Bánh sau khi nướng được để nguội rồi cho vào túi bóng, buộc chặt lại để giữ độ giòn rụm của bánh. Chừng đó công đoạn thôi mà các lò nướng ở thôn Xuân Thượng vẫn phải nhộn nhịp, hoạt động hết công suất cả ngày vẫn bị điện thoại reo hối hàng liên tục.
Bánh tráng mắm ruốc ra đời đã góp phần tiêu thụ một lượng lớn bánh tráng truyền thống của địa phương. Cô Vương Thị Hương (55 tuổi, thôn Yên Khê Hạ) cũng bắt đầu làm bánh tráng mắm ruốc từ hơn một năm nay cho biết: “Trước đây, nhà cô chỉ bán cơm rồi mấy thứ linh tinh. Sau thấy người ta chuộng bánh tráng mắm ruốc quá, cô mới đi lấy bánh ngay trong thôn Xuân Thượng về nướng bán. Mới đầu thì nướng tay, giờ thì có máy rồi nên chỉ cần tranh thủ nướng buổi tối. Mỗi ngày, gia đình cô nướng được khoảng 2.000 cái. Mỗi tiếng nướng được khoảng 300 cái, nhanh gấp 3 lần nướng tay. Hàng của nhà cô chủ yếu đóng đi Đà Nẵng. Hiện tại, mặc dù ở gần ngay trong làng bánh, phải lấy bánh từ 2-3 hộ nhưng cô vẫn không có đủ bánh tráng mắm ruốc để nướng”.
Ông Trương Quang Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm cho biết, sau khi bánh tráng Lạc Lâm được cấp thương hiệu, bà con không ngừng tìm tòi, sáng tạo nên những sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Xã cũng đang khuyến khích bà con đầu tư máy móc hiện đại để phát triển sản phẩm, nhất là sản phẩm bánh tráng mắm ruốc đang được thị trường ưa chuộng.
VIỆT QUỲNH