Một thời, buôn Con Ó (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) được nhiều người biết đến với 2 chữ "gian nan" bởi nơi đây cái nghèo luôn đeo bám bà con quanh năm. Nhưng giờ đây, được sự đầu tư chăm lo của Đảng, Nhà nước và sự cố gắng vươn lên của người dân, đã và đang giúp Con Ó "thay da, đổi thịt" từng ngày.
Một thời, buôn Con Ó (xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh) được nhiều người biết đến với 2 chữ “gian nan” bởi nơi đây cái nghèo luôn đeo bám bà con quanh năm. Nhưng giờ đây, được sự đầu tư chăm lo của Đảng, Nhà nước và sự cố gắng vươn lên của người dân, đã và đang giúp Con Ó “thay da, đổi thịt” từng ngày.
|
Cây cao su đang mang lại nhiều hy vọng cho người dân ở Con Ó. Ảnh: K.Phúc |
Buôn Con Ó (xã Mỹ Đức) hiện có 148 hộ dân, với 570 nhân khẩu. Trong đó, có 3 hộ người kinh, còn lại là bà con người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Châu Mạ sinh sống. Nằm lọt thỏm trên những sườn núi cánh cung phía đông, cách trung tâm huyện Đạ Tẻh hơn 10 km, không xa, nhưng Con Ó là cái tên gắn liền với cuộc sống của bà con người Mạ bao đời nay. Trước đây, cuộc sống của bà con người Mạ nơi đây luôn gắn liền với núi rừng. Nhưng, khi rừng không còn là mảnh đất “màu mở” bởi sự tàn phá, tận diệt của con người, cũng là lúc bà con người Mạ ở Con Ó phải đối diện với cảnh “bữa đói, bữa no”. Song, với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách, chương trình thiết thực đã giúp Con Ó đổi thay mạnh mẽ trong những năm gần đây.
5 năm trở lại đây, cùng với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, thì chính quyền địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến tận mỗi người dân ở Con Ó. Nhờ vậy, người dân đồng bào DTTS nơi đây đã biết bảo ban nhau lên rẫy để làm quen với những mùa bắp, mùa điều. Giờ đây, khi trở lại Con Ó chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi phần lớn bà con nơi đây đã xây được nhà mới khang trang. Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng từ trồng cây ngắn ngày thu nhập thấp sang trồng câu lâu năm như điều, cà phê... nên đời sống của bà con đã dần tăng lên sau mỗi vụ mùa. Ông K’Doa, một trong những hộ dân đi đầu trong đổi mới tư duy biết cách vươn lên từ chính mảnh đất Con Ó chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 ha đất nông nghiệp, trước đây, chủ yếu trồng một vụ mì (sắn) nên hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp. Nhưng từ năm 2010 đến nay, được cán bộ huyện và xã đến “cầm tay chỉ việc” và được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn, gia đình tôi đã chuyển qua trồng cây điều và giờ trồng xen cả cà phê. Với 5 ha điều và hơn 1 ha cà phê trồng xen, mỗi năm mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng. Từ đó, cuộc sống của gia đình tôi ngày càng ổn định, ấm no hơn”.
Nhận thức của người dân thay đổi, đồng nghĩa với những chương trình hỗ trợ của Nhà nước ngày một được bà con ở Con Ó phát huy và mang lại hiệu quả cao. Minh chứng là Dự án trồng cao su tập trung từ nguồn vốn 30a và 135 với diện tích 77 ha cho 77 hộ dân ở Con Ó đã và đang mang lại kết quả khả quan. Được triển khai từ năm 2011 đến nay, 77 ha cao su đã phủ một màu xanh bạt ngàn ở Con Ó. Theo kế hoạch, đầu năm 2018, người dân Con Ó sẽ bắt tay vào khai thác mủ cao su. Ông K’Hùng, một trong những người trồng cao su tập trung ở Con Ó phấn khởi: “Đất đai ở đây rất tốt và hợp với cây cao su nên cây lớn rất nhanh. Vườn cao su nhà tôi có hơn 300 cây, thì có gần 200 cây đã được cán bộ đánh dấu có khả năng cho thu hoạch. Nghe cán bộ nói qua năm 2018, là bà con chúng tôi được thu hoạch mủ cao su. Giờ chúng tôi đang được Trung tâm Nông nghiệp huyện mở lớp hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ cao su nên ai nấy rất vui mừng, phấn khởi”.
Nói về cuộc sống hiện tại của bà con đồng bào DTTS nơi đây, ông K’Túc, Trưởng thôn Con Ó cho biết: “Trước đây, khi cán bộ chưa về buôn, bà con chúng tôi chỉ biết đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống hoặc trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng từ ngày có cán bộ về buôn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thì nhận thức của bà con đã ngày một thay đổi. Hiện, trong buôn, hộ ít nhất cũng có 1 ha điều cho thu hoạch, hộ nhiều có đến 5 - 6 ha điều. Nhờ vậy, cái nghèo không đeo bám bà con chúng tôi nữa mà thay vào đó là cuộc sống ngày một ấm no dần. Toàn buôn Con Ó hiện còn lại 18 hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới. Trong buôn có tới 95% hộ dân có nhà xây kiên cố. Việc đầu tư cho con cái học hành cũng đã được bà con chú trọng, quan tâm. Toàn buôn, hiện có 10 em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp...”.
Chia tay Con Ó, điều đọng lại trong chúng tôi không chỉ là rừng cao su bạt ngàn phủ một màu xanh hy vọng, hay những ngôi nhà xây mới khang trang... mà ở đó còn là sự thay đổi nhận thức của cả một thế hệ con em người Mạ nơi đây. Đó chính là những nỗ lực của bà con người Mạ ở Con Ó trong giai đoạn hiện nay để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống trên chính mảnh đất mình sinh ra.
KHÁNH PHÚC