Biến phế liệu thành tiền

06:12, 25/12/2019

Xuất phát từ việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, mô hình "Tiết kiệm từ phế liệu" của cán bộ, hội viên phụ nữ xã Trạm Hành (TP Đà Lạt) đã và đang giúp đỡ nhiều chị em trên địa bàn, lan tỏa hình ảnh đẹp người phụ nữ hiện nay. 

Xuất phát từ việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, mô hình “Tiết kiệm từ phế liệu” của cán bộ, hội viên phụ nữ xã Trạm Hành (TP Đà Lạt) đã và đang giúp đỡ nhiều chị em trên địa bàn, lan tỏa hình ảnh đẹp người phụ nữ hiện nay. 
 
Mô hình “Tiết kiệm từ phế liệu” của chị em hội viên xã Trạm Hành (TP Đà Lạt) duy trì có hiệu quả, giúp đỡ cho nhiều phụ nữ nghèo thêm vốn để phát triển kinh tế. Ảnh: Thân Hiền
Mô hình “Tiết kiệm từ phế liệu” của chị em hội viên xã Trạm Hành (TP Đà Lạt) duy trì có hiệu quả, giúp đỡ cho nhiều phụ nữ nghèo thêm vốn để phát triển kinh tế. Ảnh: Thân Hiền
 
Nhằm chung tay cùng thành phố bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan đô thị sạch đẹp, nếp sống văn minh, ngoài việc tuyên truyền, nhắc nhở hội viên bỏ rác đúng nơi quy định, Hội Phụ nữ xã Trạm Hành còn vận động chị em thu gom ve chai theo từng thôn để bán lấy tiền xây dựng quỹ hoạt động và giúp đỡ hội viên nghèo.
 
Đầu năm 2016, gắn liền với tên gọi của mô hình dân vận khéo “Tiết kiệm từ phế liệu”, việc thu gom các loại ve chai đã trở thành thông lệ đối với chị em hội viên. Đến nay đã triển khai và thực hiện tại 4 thôn: Trường Thọ, Trạm Hành 1, Trạm Hành 2 và Phát Chi.
 
Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Bùi Thị Kim Liên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: “Song hành với mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thực hiện tốt tiêu chí 17 về bảo vệ môi trường, Hội Phụ nữ xã đã thực hiện nhiều mô hình ý nghĩa. 
 
Trong đó, mô hình “Tiết kiệm từ phế liệu” đã thay đổi được nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường, tạo sự lan tỏa rộng khắp đến các đơn vị”.
 
Bởi, vừa gần gũi và thực hiện đơn giản, mỗi gia đình tự phân loại và đựng rác thải vào thùng riêng biệt. Rác thải vô cơ được tập hợp lại để xe thu gom rác thải mang đi xử lý, còn rác tái chế như: chai lọ nhựa, giấy, kim loại,… được chị em gom lại rồi đem đến điểm tập kết của chi hội, mỗi tháng sẽ bán một lần. Số tiền thu về sẽ được dùng để làm quỹ hoạt động vào việc thăm ốm, mua bảo hiểm,… nhằm giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
 
Theo chân chị Liên, chúng tôi đến nhà chị Phạm Anh Thu - Chi hội trưởng Phụ nữ Trạm Hành 2 trong một buổi chiều đang thu gom ve chai. Chị Thu kể, sau khi tham gia vào mô hình của phụ nữ xã phát động và ý thức được tác hại của rác thải nhựa nên chúng tôi đã phân loại rác thải để bảo vệ môi trường sống. Đồng thời, với việc bán vỏ lon, chai nhựa, gây được quỹ mua quà, cho chị em vay số vốn nho nhỏ để làm ăn và mua bảo hiểm y tế,… “Công việc không quá xa lạ với chị em, đơn giản chị em chỉ cần đưa các vỏ chai mang sang chỗ tôi. Việc làm này, chị em phụ nữ vừa không phải bỏ tiền túi ra để tiết kiệm nhưng vẫn có một số tiền để gây quỹ hằng năm” - chị Thu chia sẻ.
 
Riêng năm 2019, mô hình “Tiết kiệm từ phế liệu” đã gây quỹ được gần 9 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí tiết kiệm được, Hội đã cho nhiều hộ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay để ổn định cuộc sống, giúp chị em thoát nghèo. Tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Ánh (tại Trạm Hành 2) nhiều năm trước còn thuộc diện hộ nghèo của xã.
 
Ngồi chăm chú phơi những mẻ hồng giòn cuối cùng, chị Ánh thấy có khách lạ bèn mời chúng tôi vào nhà thưởng thức sản phẩm. Được biết, hoàn cảnh gia đình chị còn gặp nhiều khó khăn. Chồng mất, đứa con trai công việc chưa ổn định nên ai thuê gì làm đấy, rồi cũng đi làm ăn xa chẳng mấy khi về thăm nhà. Thương cho hoàn cảnh của chị nên sau khi có nguồn quỹ đầu tiên từ mô hình “Tiết kiệm phế liệu”, chị em phụ nữ đã trích ra 2 triệu đồng để giúp đỡ. Chị Ánh vui vẻ nói: “Ban đầu tôi được mọi người giúp đỡ 2 triệu đồng để từ đó tạo điều kiện kiếm thêm thu nhập từ nguồn vốn đó. Và dần dần tôi bắt đầu vay để mua hồng về làm kinh tế trong nhà. Đến nay, gia đình đã thoát nghèo rồi đấy”. 
 
Chị Liên cho biết thêm, từ mô hình trên, đến nay đã giúp đỡ được 7 chị có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ 10 triệu đồng cùng đơn vị xây nhà tình nghĩa cho gia đình chị Phạm Thị Hồng (Tổ 1, Trường Thọ). “Hội Phụ nữ xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các mô hình tiết kiệm, nhân rộng mô hình tiết kiệm đến các địa bàn lân cận trong thời gian tới” - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trạm Hành nhấn mạnh.
 
THÂN HIỀN