Cấp bách tìm giải pháp chống hạn cho cây trồng

06:02, 17/02/2020

Mặc dù chưa bước vào thời kỳ đỉnh điểm của mùa khô hạn, nhưng hiện nay nhiều hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã sụt giảm nguồn nước so cùng kỳ năm trước, thậm chí có hồ chứa đã ở mực nước chết, gây khó khăn cho hoạt động tưới tiêu của người dân

Mặc dù chưa bước vào thời kỳ đỉnh điểm của mùa khô hạn, nhưng hiện nay nhiều hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã sụt giảm nguồn nước so cùng kỳ năm trước, thậm chí có hồ chứa đã ở mực nước chết, gây khó khăn cho hoạt động tưới tiêu của người dân
 
Các giải pháp tưới nước tiết kiệm sẽ được tăng cường triển khai, nhằm tránh tình trạng khô hạn cho cây trồng.
Các giải pháp tưới nước tiết kiệm sẽ được tăng cường triển khai, nhằm tránh tình trạng khô hạn cho cây trồng.
 
Nhiều địa phương nguy cơ hạn hán rất cao
 
Theo Đài Khí tượng thủy văn Lâm Đồng, lượng mưa trung bình từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thấp hơn trung bình so với nhiều năm qua, khiến các hồ thủy lợi, thủy điện thiếu nước nghiêm trọng. Ông Nguyễn Hà Lộc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Hiện tại, mực nước các hồ thủy điện lớn đều ở dưới mực nước dâng bình thường từ 0,9 - 9,9 m. Các hồ chứa thủy lợi cũng đang trong tình cảnh tương tự. 
 
Trên các sông thuộc các vùng phía Bắc, Đông Bắc tỉnh (Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông), lưu lượng dòng chảy đang thấp hơn trung bình nhiều năm, tỉ lệ thiếu hụt từ 20 - 25%. Trên các sông thuộc các vùng phía Nam, Tây Nam tỉnh (Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên), tỉ lệ thiếu hụt lên đến 30 - 45%, riêng trên sông La Ngà đạt mực nước thấp hơn từ 96 - 98%. 
 
Đơn cử, tại huyện Đức Trọng, mực nước trong hồ Ma Póh đang rất thấp, còn hồ Yên Ngựa đã ở mực nước chết, có khả năng không đủ nước để phục vụ tưới. Trong khi đó, mực nước sông Đồng Nai cũng đang xuống thấp và sẽ còn xuống thấp hơn nữa, việc vận hành của các trạm bơm trên sông Đồng Nai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 
 
Vụ Đông Xuân 2019 - 2020, trên địa bàn toàn tỉnh sẽ bị thiếu hụt nước vào cuối vụ, và có khả năng kéo dài đến vụ Hè Thu năm 2020 khi dự báo mực nước các hồ chứa trong tỉnh trong 3 tháng đầu năm 2020 sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm 30% và nắng nóng kèm hạn hán xuất hiện cục bộ. Bên cạnh đó, hàng trăm hộ dân tại huyện Cát Tiên cũng được dự báo thiếu nguồn nước phục vụ sinh hoạt.
 
Người dân huyện Bảo Lâm tưới chống hạn cho cây cà phê trong mùa khô năm 2020. Ảnh: Khánh Phúc
Người dân huyện Bảo Lâm tưới chống hạn cho cây cà phê trong mùa khô năm 2020. Ảnh: Khánh Phúc
 
Khẩn trương chống hạn
 
Dự báo, tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 sẽ diễn ra hết sức khốc liệt, đe dọa hàng trăm nghìn ha cây trồng. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã có Văn bản số 523/UBND-NN đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán. 
 
Ông Trịnh Quang Ứng, Giám đốc Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác Thủy lợi (Sở NN-PTNT Lâm Đồng) cho biết: Trung tâm Quản lý Đầu tư và Khai thác Thủy lợi được UBND tỉnh phân cấp, giao quản lý 48 công trình thủy lợi. Trong đó có 32 hồ chứa nước, 6 đập dâng, 6 trạm bơm và 4 cống dâng. Đến nay, đơn vị đã tiến hành kiểm tra, rà soát công trình hồ chứa, có phương án vận hành an toàn, bảo đảm điều tiết hợp lý nhằm đáp ứng hai mục tiêu vừa an toàn hồ, đập, kè, công trình thủy lợi, vừa tích nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. 
 
Đối với các trạm quản lý khai thác thủy lợi, phải thường xuyên thông tin diễn biến thời tiết và dung tích các hồ chứa, để kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương và người dân trong vùng hưởng lợi được biết. Trên cơ sở kiểm tra, đánh giá trữ lượng nước trong các hồ chứa, các trạm thực hiện công tác tham mưu cho chính quyền địa phương và người dân để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc không thực hiện xuống giống đối với khu vực không đủ nguồn nước phục vụ. Vận hành và điều tiết hồ chứa hợp lý, tiết kiệm, trong đó ưu tiên cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp khi hạn hán xảy ra. Thực hiện công tác kiểm tra, quan trắc mực nước công trình thường xuyên theo quy định là 5 lần/ngày và thông tin liên tục cho chính quyền, người dân được biết. 
 
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Đối với các địa phương, đặc biệt là các huyện có công trình thủy lợi chưa tích đủ nước, nguy cơ thiếu nước tưới và xảy ra hạn hán cao cần liên tục theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, nắm bắt tình hình sản xuất để kịp thời báo cáo, đề xuất lên UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan nhằm đưa ra các giải pháp kịp thời, giải quyết những khó khăn trong quá trình chống hạn. 
 
Các ngành, đơn vị liên quan phải chủ động cân đối lượng nước hiện có của các hồ đập để cung ứng cho cây trồng một cách hiệu quả nhất. Mặt khác, mỗi địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện triệt để các biện pháp tưới nước tiết kiệm và thường xuyên vận động người dân ra quân nạo vét các kênh dẫn nội đồng, lòng sông để khơi thông dòng chảy. 
 
Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống hạn, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương xây dựng kịch bản chống hạn ngắn hạn và trung hạn, bám sát cơ sở, chủ động nắm bắt tình hình để xử lý hạn hán kịp thời. Bên cạnh đó, cần chủ động chuyển đổi cây trồng, luân phiên, có khung lịch thời vụ hợp lý, ưu tiên các giống cây trồng ngắn ngày phù hợp nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của hạn hán gây ra cho người dân. 
 
HỒNG THẮM - THANH SA