Hơn 45 năm đã trôi qua kể từ sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, đồng bào các dân tộc ở xã anh hùng cách mạng Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm đều tự hào trước những đổi thay của buôn làng, bởi sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở khu căn cứ xưa.
Hơn 45 năm đã trôi qua kể từ sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, đồng bào các dân tộc ở xã anh hùng cách mạng Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm đều tự hào trước những đổi thay của buôn làng, bởi sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở khu căn cứ xưa.
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đến thăm khu căn cứ cách mạng Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm. |
Chúng tôi trở lại xã anh hùng cách mạng Lộc Bắc trong những ngày đầu Xuân Canh Tý 2020, những đóa hoa rừng hòa lẫn với màu trắng rực rỡ của hoa cà phê tỏa ngát hương thơm cùng nhau khoe sắc tràn ngập trên từng nẻo đường.
Xã Lộc Bắc nằm cách xa trung tâm huyện Bảo Lâm khoảng 30 km, xã có 4 thôn, 11 buôn với tổng số 1.512 hộ, 5.127 nhân khẩu, có khoảng 10 dân tộc anh em cùng sinh sống (gồm Kinh, Mạ, Tày, Nùng, Mường, Dao, Hoa, Khmer, Kơ Ho...), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 79% dân số. Theo ông K’Tư - Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nên ý thức của người dân được nâng lên. Bên cạnh đó, người dân đã biết thay đổi tư duy, chủ động lựa chọn các phương thức sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương; biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất cây trồng được tăng cao và đời sống có nhiều khởi sắc.
Toàn xã hiện có tổng diện tích cà phê 888,51 ha, năng suất ước đạt khoảng 3 tấn cà phê nhân/ha; 398,9 ha chè, năng suất ước đạt 100 tạ/ha; ngoài ra còn trồng 186,6 ha điều và trồng xen 22,3 ha hồ tiêu, 5 ha mắc ca và 180,74 ha cây ăn quả các loại.
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về mọi mặt thông qua các chương trình dự án, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn như: Chương trình 167, 134, 135, 30a và Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới...; đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân xã Lộc Bắc đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong năm 2019, tổng nguồn vốn đầu tư chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bà xã hơn 25 tỷ đồng để tập trung duy tu, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình trường học, trụ sở làm việc, hội trường thôn, đường giao thông nông thôn, nhà ở, ao hồ, điện thắp sáng đường quê, cây trồng, vật nuôi... Chương trình giảm nghèo bền vững cũng được UBND xã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Trong năm, từ các chương trình dự án, Nhà nước đã đầu tư kinh phí gần 1,4 tỷ đồng, hỗ trợ cho 144 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo 10.247 cây giống; 6 con bò; 9 máy tưới; 23 máy xịt thuốc; 23 máy phát cỏ, 14 bình xịt thuốc và phân bón... Bên cạnh đó, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo 502 Tỉnh ủy đã phối hợp thực hiện nhiều công trình như xây dựng 16 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương và nhà nghĩa tình đồng đội; hỗ trợ đào các giếng nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư; sửa chữa và chỉnh trang một số hội trường thôn; xây dựng các mô hình kinh tế, trồng cây mắc ca, tổ chức 3 lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, sửa chữa nâng cấp cơ sở trường học...
Sau giải phóng, ông K’Sung - nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc hăng hái tham gia nghĩa vụ quân sự, theo học sĩ quan... rồi về công tác tại địa phương. “Trước đây, đời sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhờ chính sách định canh - định cư của Nhà nước; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất từ gieo tỉa lúa nương sang trồng chè, cà phê. Mặt khác, cơ sở hạ tầng nông thôn như: đường, điện, trường, trạm được xây dựng khá khang trang đã tác động tích cực đến nhận thức, đời sống người dân từng bước được đi lên”, ông K’Sung ở Thôn 1 cho hay.
Còn với ông K’Rao ở Thôn 4, ông bày tỏ sự phấn khởi, bởi thời gian gần đây cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã đã được Nhà nước đầu tư xây dựng khá hoàn thiện, trên các tuyến đường làng cũng đã được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, nên mỗi khi mặt trời khuất núi các tuyến đường chính lại sáng rực ánh đèn, không chỉ tạo thêm niềm vui mới, mà tình hình an toàn giao thông cũng được đảm bảo.
Nhờ chính sách đầu tư nhiều mặt của Nhà nước cùng sự nỗ lực vượt khó vươn lên của người dân trong việc thay đổi tập quán sản xuất, nên năng suất cây trồng được tăng cao, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc ít người ở vùng căn cứ cách mạng Lộc Bắc đã có sự chuyển mình rõ nét. Đến nay, toàn xã còn 60 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,96% (giảm 2,81%); 45 hộ cận nghèo, giảm xuống còn 3,64% và giảm 1,45% so với năm 2018; thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm; xã đã đạt 16/19 tiêu chí về nông thôn mới và phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ về đích nông thôn mới.
Ông Hoàng Ngọc Khuyên - Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bắc, cho biết: “Nếu so với cách đây 10 năm, xã Lộc Bắc đã có những đổi thay vượt bậc, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Điều đáng mừng là hiện nay, bà con các dân tộc trên địa bàn xã đã xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, nỗ lực vượt khó, phát huy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Nhờ tích cực chủ động trong lao động sản xuất, nhiều hộ đã thu được từ 5 - 7 tấn cà phê nhân. Từ đó người dân đã đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều phương tiện phục vụ sản xuất, tiện nghi sinh hoạt gia đình; chăm lo con cái ăn học và ý thức trong việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống”.
Phát huy truyền thống cách mạng, đồng bào các dân tộc xã Lộc Bắc luôn một lòng theo Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. Đến với Lộc Bắc hôm nay, chúng ta không khó bắt gặp những hình ảnh về sự đổi thay, những tuyến đường nhựa, bê tông; những ngôi trường, nhà ở mái ngói khang trang, minh chứng sự chuyển mình mạnh mẽ đi lên.
NDONG BRỪM