30 năm sống với nghề thêu, đan truyền thống

06:04, 28/04/2020

Trong căn phòng đơn sơ (số 6 Huyền Trân Công Chúa, Đà Lạt), hai người phụ nữ xấp xỉ tuổi nương tựa vào nhau, sống lặng lẽ bằng nghề đan móc len và thêu tranh truyền thống...

Trong căn phòng đơn sơ (số 6 Huyền Trân Công Chúa, Đà Lạt), hai người phụ nữ xấp xỉ tuổi nương tựa vào nhau, sống lặng lẽ bằng nghề đan móc len và thêu tranh truyền thống. 30 năm, họ miệt mài từng đường kim, mũi chỉ từ khi tóc còn xanh, nay đã ngả màu. 
 
Đó là hai chị Dương Thanh Mai và Phạm Thị Huệ. Họ là 2 cô - cháu, cùng nhau đến Đà Lạt khi tuổi ngoài đôi mươi, đến giờ vẫn chưa ai lập gia đình. Nghề đan móc cuốn các chị vào như một đam mê, ngày ngày cặm cụi quên cả thanh xuân. 
 
Hai nghệ nhân hơn 30 năm gắn bó với nghề thêu, móc.
Hai nghệ nhân hơn 30 năm gắn bó với nghề thêu, móc.
 
Sáng tạo tác phẩm tranh thêu nghệ thuật
 
Cách đây 30 năm, một lần hai cô cháu (chị Mai và chị Huệ) từ quê Hải Phòng rủ nhau đi du lịch Đà Lạt, mảnh đất xinh đẹp với khí hậu mát mẻ níu chân, hai cô gái quyết định ở lại, không về. Vốn giỏi nữ công gia chánh, thêu thùa đan móc, hai chị lấy việc thêu thùa đan móc làm nghề sinh sống. Thời gian đầu, 2 chị làm thuê cho các cơ sở sản xuất tranh thêu, đan len có tiếng. Bằng khả năng thẩm mỹ cao, sản phẩm của họ được khách hàng ưa chuộng. Ngày càng có nhiều người đặt hàng làm riêng, 2 chị không đi làm thuê nữa mà tự mình thêu, đan tại nhà. Với các mũi thêu: thêu bó, thêu bạt, đâm xô, giọt nước, nối đầu, xà hạt, lướt vặn; tỉ mẩn với từng đường kim mũi chỉ, các chị sáng tạo nên những bức tranh thêu da dạng, phong phú về chủ đề: chân dung con người, phong cảnh quê hương, muông thú, hoa lá cỏ cây. Dưới bàn tay tài hoa của chị Mai, chị Huệ, con vật luôn ngộ nghĩnh đáng yêu, thêu hoa lá cỏ cây sống động trong màu sắc đường nét, chân dung con người là toát lên thần thái trong từng ánh mắt cử chỉ, phong cảnh quê hương tươi đẹp, ngời sức sống.
 
Mới đầu hai chị thuê theo mẫu sẵn kiểu motip lặp lại, nhưng có lần một khách hàng là Việt kiều đặt thêu tranh phong cảnh quê hương với giá 20 triệu đồng, chị Mai đem ý tưởng của khách tìm họa sĩ và thuê vẽ phác họa, họa sĩ đề nghị giá 10 triệu đồng, như vậy tranh bán không đủ công thêu. Chị Mai tự mày mò vẽ “liều”, thế mà thành tác phẩm đẹp, lạ, độc đáo, được khách ngợi khen. Từ đó chị tự phác họa cho tất cả những bức tranh thêu, vừa bớt chi phí thuê vẽ, vừa tự do sáng tạo nên tác phẩm tranh thêu nghệ thuật của riêng mình. Lao động sáng tạo nghiêm túc, hai chị không lặp lại mà luôn đổi mới. Cùng một mẫu vẽ có thể thêu nhiều lần theo yêu cầu của nhiều khách hàng, nhưng mỗi sản phẩm lại khác nhau ở cách phối màu, làm cho bức tranh luôn tươi mới, không nhàm chán. Tranh thêu nhỏ làm quà tặng, tranh thêu lớn treo trong phòng khách; tuỳ khách hàng mà chị giới thiệu các ý tưởng tranh để họ lựa chọn, rồi nắm bắt tâm lý, sở thích của họ mà hình thành nên những gam màu cho tác phẩm tranh thêu. 
 
Đôi tay thoăn thoắt điêu luyện, từng mũi chỉ nhỏ mềm mịn dệt lên trên tấm lụa trắng, những chi tiết dần hiện ra. Chăm chút từng đường nét, vừa thêu vừa sáng tạo theo cảm hứng, chỗ nào không ưng ý là cắt ra ngay, để bức tranh thêu đạt đến độ hoàn mỹ nhất, các chị ưng ý nhất. Nghệ thuật trong mỗi bức tranh thêu được đặt lên hàng đầu. Nhiều bức tranh hai chị cùng chụm đầu thêu vài tháng mới xong. Nét độc đáo riêng trong những bức tranh thêu tay của chị Mai, chị Huệ là sự chân thật, độ tinh tế, có điểm nhấn, đặc tả tạo cho người thưởng lãm rung cảm vừa bởi sự tinh xảo, công phu toát lên từ đường kim, mũi chỉ, vừa bởi cái hồn của tranh. Có thể kể, “Được mùa” là hình ảnh một thôn nữ đội nón đứng rê thóc trước gió, từng hạt thóc rơi, khăn áo cũng bay tạo nên vẻ đẹp. Tác phẩm “Anh hùng tương ngộ” với hai con vật con hổ và đại bàng - kẻ làm chủ bầu trời, kẻ làm chúa mặt đất trong thiên nhiên muôn loài, giơ nanh vuốt dũng mãnh… 
 
Nhiều tranh thêu của hai chị đã theo khách hàng đi khắp thế giới, nhưng tác phẩm họ đắc ý nhất là “Loan phụng sum vầy” là cảnh giữa một khu rừng, có 2 con chim phượng hoàng rực rỡ nổi bật giữa 100 con chim nhỏ đủ loại chuyền cành ríu rít. Người xem như có thể nhìn thấy từng đôi cánh của những con chim bé nhỏ, niềm vui của chúng trong thiên nhiên hoang dã. Để làm nên bức tranh này, hai chị phải chụm đầu thêu trong ba tháng; vừa thêu vừa thảo luận xem “đi” gam màu nào cho hài hòa, sắc nét. Chị Mai tâm sự: Thêu xong, ngắm lại tác phẩm, không nghĩ là mình có thể làm nên được điều kỳ diệu như thế. Khi bán tranh đi rồi, tiếc và nhớ mỗi khi nghĩ đến nó. Chị Huệ cho biết: “Một bức tranh thêu tay đẹp thì khi nhìn vào phải thấy được cái tâm bỏ ra của người thợ cùng cái hồn của bức tranh mà người thợ thổi vào. Để có được điều đó, mỗi đường chỉ phải mảnh, mũi chỉ mịn, đôi tay phải khéo léo, điêu luyện, nghệ nhân phải thực sự cảm được linh hồn của bức tranh”. 
 
Hạnh phúc khi được làm đẹp cho đời
 
Không chỉ có thêu tranh, hai chị còn đan len, móc trang phục váy, áo dài. Mới đầu là móc những bộ váy dịu dàng, yểu điệu cho mình. Nhiều người thấy đẹp, đặt hàng. Để tạo nên những bộ váy đẹp, chị Mai phải vừa nắm bắt ý thích của khách, quan sát vóc dáng, từ đó chọn chất liệu len - sợi, chọn màu, tự tạo mẫu, tạo dáng cho từng chiếc váy. Cũng chỉ với các mũi móc I ngắn, I dài, xích, hạt bắp…; các chị tạo nên nhiều kiểu hoa văn trên váy áo như: móc lưới, đuôi công, hoa, ren rua... Tùy dáng vóc khách hàng, tùy loại trang phục (váy ngắn, váy dài, áo dài) mà tạo lên những bộ trang phục tôn lên vẻ đẹp cho người mặc. 
 
Căn phòng nhỏ chỉ toàn váy áo, tác phẩm tranh thêu đã hoàn thành cùng chỉ màu, len đủ loại, kim móc, khung thêu. 30 năm sống với nghề, chưa bao giờ chị Mai và chị Huệ thấy chán. Công phu, tỉ mỉ, thổi hồn vào từng sản phẩm váy, áo và tác phẩm tranh thêu nghệ thuật, nên dù không xây dựng riêng thương hiệu cho mình, tranh thêu tay và trang phục len của chị Huệ, chị Mai vẫn được khách hàng quen thuộc tìm đến, khách cũ giới thiệu cho khách mới, mua rồi, tiếp tục quay lại mua nữa. Họ sống được bằng nghề.
 
Tuy nhiên, những năm gần đây, các loại máy dệt hiện đại đã thay thế đan móc thủ công, thêm vào đó nhiều loại áo ấm với chất liệu khác nhau, mẫu mã thời trang, đa dạng đã làm cho khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Máy thêu và công nghệ in kỹ thuật số hiện đại cũng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật trang trí giá rẻ làm cho tranh thêu tay vốn đã “kén” khách hàng, nay thêm bị lấn lướt. Nếu trước đây chị Mai, chị Huệ “đan móc ra cơm ra gạo”, thì giờ đây, người mua ngày càng giảm dần. Nghề thêu tranh, móc len truyền thống ngày càng trở nên “khó sống”. Chị Mai và chị Huệ vẫn bám nghề, không nản. Bởi với hai chị, nghề thêu, đan không đơn thuần là để kiếm sống mà còn là một niềm say mê, khiến hai chị nặng lòng không thể từ bỏ. Được làm đẹp cho đời là động lực, là hạnh phúc lớn nhất thôi thúc chúng tôi tiếp tục làm nghề, gìn giữ nghề truyền thống - hai chị bày tỏ.
 
QUỲNH UYỂN