Chuyên gia khuyến cáo biện pháp đảm bảo an toàn khi nới lỏng giãn cách

07:04, 23/04/2020

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân cả nước, nhất là các địa phương nguy cơ thấp, không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân cả nước, nhất là các địa phương nguy cơ thấp, không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
 
Tính đến ngày 22/4, Việt Nam có 6 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Trong ngày cũng đã có thêm 6 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được công bố khỏi bệnh. Như vậy, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 222 bệnh nhân COVID-19, chỉ còn 46 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
 
Nới lỏng nhưng vẫn phải đảm bảo phòng dịch
 
Đánh giá về những tín hiệu tích cực trên, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng trong 6 ngày qua, Việt Nam không có ca mắc mới, đã khống chế được các ổ dịch. Tình hình các ca bệnh nhập cảnh hoặc lây lan đều đã được chống chế nhưng tình hình dịch nói chung vẫn còn phức tạp. Trên thế giới vẫn có nhiều người mắc bệnh, người chết vì COVID-19, nguy cơ bệnh xâm nhập Việt Nam là vẫn còn, kể cả các trường hợp qua đường mòn lối mở không quản lý được hết.
 
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu nhận định, Chính phủ sẽ có "nới lỏng" quy định với các ngành nghề, quy mô, số lượng người tiếp xúc nhưng vẫn phải đảm bảo phòng dịch. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho dễ thực hiện, dễ kiểm tra, thậm chí xây dựng thành bảng điểm, chấm điểm, nếu không đạt thì xử phạt hoặc yêu cầu đóng cửa trở lại.
 
Người dân cả nước, nhất là các địa phương nguy cơ thấp, không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
 
Chuyên gia này cũng khuyến cáo người dân vẫn cần tiếp tục thực hiện các nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đó là đeo khẩu trang; tránh giao tiếp quá gần; không tập trung đông người, trong đó đặc biệt lưu ý đối tượng người cao tuổi, người có bệnh lý mãn tính; không ra khỏi nhà khi không thật cần thiết và thực hiện khai báo y tế.
 
Cần đảm bảo an toàn trường học, nơi làm việc
 
Học sinh ở nhiều tỉnh, thành phố sẽ trở lại trường học sau thời gian dài nghỉ học để phòng, chống dịch. Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu, phải tạo ra được môi trường an toàn và tâm lý tốt cho các em học sinh, phụ huynh về trường học an toàn.
 
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp xây dựng, ban hành quy định cụ thể để thực hiện trường học an toàn một cách cụ thể, chi tiết với từng đối tượng: giáo viên, phụ huynh, học sinh, việc lau chùi, khử khuẩn bàn ghế, ngồi giãn cách cho đến đeo khẩu trang, rửa tay, đo thân nhiệt. Các em có triệu chứng ho, sốt, đau rát họng... cần được báo với y tế nhà trường và gia đình để nghỉ học.
 
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu khuyến cáo phụ huynh học sinh nên mua cho con em mình một lọ dung dịch rửa tay sát khuẩn để mang theo tới trường dùng. Nhà trường cũng bố trí nơi rửa tay với xà phòng, để dung dịch sát khuẩn, hướng dẫn học sinh thực hiện đúng quy định. Ông cũng đặc biệt lưu ý các trường đại học, trung học có kí túc xá thì cần phải chú ý việc ăn ở, phòng bệnh cho các em học sinh, sinh viên ở nội trú tập trung. Nếu chỉ chú ý thực hiện trên lớp, trường mà không chú ý tới nơi ăn chốn ở bệnh có thể rất dễ lây lan trong môi trường đó.
 
Thêm vào đó, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, công nhân làm việc, sinh sống đông cần phải có quy định cụ thể để đảm bảo các biện pháp an toàn cho người lao động. Nhiều nơi đã làm tốt như đo nhiệt độ, bố trí ngồi cách xa, kể cả ăn cơm, đeo khẩu trang. Khi vực ở của công nhân cũng phải có những quy định cụ thể, quan trọng là phải hướng dẫn, tuyên truyền để công nhân biết cách phòng bệnh.
 
Tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng bệnh
 
"Chúng ta không thể chủ quan bởi đã có bài học từ Singapore đã có trường hợp bùng phát dịch bệnh ở những khu lao động tự do nhập cư. Đây là bài học cho chúng ta. Địa phương nào, chỗ nào làm không tốt dịch cũng có thể bùng lên. Phải hết sức chú ý để làm sao phát hiện được kịp thờica bệnh ở những nơi nguy cơ cao, từ đó khoanh vùng, dập dịch ngay, khống chế ổ dịch, không để lây lan," Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
 
Việt Nam đã trải qua giai đoạn giãn cách xã hội nên ý thức của người dân đã được nêu cao. Hầu hết người dân đã đeo khẩu trang, biết cách phòng bệnh, họ cũng đã biết nếu không tuân thủ sẽ bi xử phạt. Đó là điều rất tốt, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu đánh giá.
 
Tuy nhiên ông cũng cho rằng, tuyệt đối không được chủ quan, thấy tình hình dịch căng là thực hiện nghiêm chỉnh còn khi thấy dịch lui thì chủ quan tăng lên vì dịch còn diễn biến phức tạp dù ta đã đạt được thành công bước đầu.
 
"Chúng ta chưa thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết nên người dân vẫn tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng bệnh đã nêu ở trên. Đặc biệt, với những những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở, mệt mỏi không rõ nguyên nhân phải được tư vấn, xét nghiệm phát hiện bệnh, có phương án điều trị phù hợp," Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu nói.
 
Bước đi phù hợp với diễn biến dịch
 
Việt Nam đã làm tốt chiến lược phòng, chống dịch bệnh từ khâu ngăn chặn, cách lý, khoanh vùng dập dịch cho đến điều trị. Đến thời điểm này vẫn cho thấy chiến lược này là đúng đắn và đã được Tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức khác đánh giá cao. Quan trọng hơn cả là các hành động phòng chống dịch đều được thống nhất cao từ Chính phủ đến tới người dân. Nhân dân hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ các biện pháp này.
 
"Việt Nam đã có những bước đi phù hợp với thực tiễn diễn biến dịch bệnh, kéo dài giai đoạn các ca bệnh nhập cảnh đến giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng. Việt Nam đã áp dụng rất đúng lúc, kịp thời và quyết liệt việc giãn cách xã hội để phòng bệnh mà không gây hại đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội của người dân một cách không đáng có," ông Trần Đắc Phu đánh giá.
 
Việt Nam ngay từ đầu đã áp dụng test kit xét nghiệm, tự sản xuất được test kit, phân lập được virus, trong đó tập trung chủ yếu vào xét nghiệm các đối tượng nguy cơ. Đó là sự tiết kiệm trong khi chưa thể áp dụng được mô hình xét nghiệm quá lớn.
 
Về điều trị, Việt Nam áp dụng tốt phương án 4 tại chỗ và đã có những ca bệnh được điều trị thành công ở tuyến huyện. Việt Nam đã có kinh nghiệm từ điều trị SARS nên khi có những ca bệnh COVID-19 nặng, các y bác sỹ vẫn tập trung cấp cứu kịp thời, bệnh nhân nặng đều đã qua giai đoạn nguy hiểm, chưa có ca nào tử vong.
 
(Theo TTXVN)