Hỗ trợ người dân nông thôn làm nhà vệ sinh

06:04, 28/04/2020

Trong nhiều năm nay, đã có không ít các công trình nhà vệ sinh cho các gia đình nghèo, gia đình dân tộc thiểu số trong tỉnh được xây từ sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ và Hội Nông dân tỉnh, góp phần cải thiện vệ sinh môi trường, nâng chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn. 

Trong nhiều năm nay, đã có không ít các công trình nhà vệ sinh cho các gia đình nghèo, gia đình dân tộc thiểu số trong tỉnh được xây từ sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ và Hội Nông dân tỉnh, góp phần cải thiện vệ sinh môi trường, nâng chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn. 
 
Anh Cil Ha Bếp bên công trình nhà vệ sinh và nhà tắm mới xây trong vườn nhà.
Anh Cil Ha Bếp bên công trình nhà vệ sinh và nhà tắm mới xây trong vườn nhà.
 
Niềm vui bên “công trình nhỏ”
 
Vừa đi làm vườn về, anh Cil Ha Bếp, 45 tuổi, người thôn Long Lanh, xã Đạ Chais - Lạc Dương đưa chúng tôi ra sau nhà để thăm công trình vệ sinh vừa xây xong của mình. Nằm cách nhà một khoảng ngắn, công trình vệ sinh của anh Ha Bếp có 2 phòng, tường xây, mái lợp tôn, một bên là công trình vệ sinh, một bên là phòng tắm cho cả nhà. “Bên này Hội Nông dân hỗ trợ, còn bên này nhà tự bỏ tiền ra xây”- anh Cil Ha Bếp nói.
 
Theo ông K’Tuyến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Chais, nhà anh Cil Ha Bếp là một trong những hộ nghèo trong xã được nhận sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Có tổng cộng 13 hộ như vậy trong xã, mỗi hộ được hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Hội Nông dân tỉnh, khoảng 6 triệu đồng, số tiền này quy ra toàn bộ bằng vật liệu như gạch, xi măng, cát, đá, bồn cầu... “Chúng tôi hợp đồng thẳng với một đại lý bán vật liệu xây dựng để đưa đến từng gia đình của người dân, các gia đình được hỗ trợ bỏ công để xây, trong đó có xây hố tự hoại” - ông K’Tuyến cho biết.
 
Theo ông K’Tuyến, trong đợt này, Hội Nông dân huyện Lạc Dương cùng UBND xã Đạ Chais cũng đã hỗ trợ cho các hộ gia đình được chọn, mỗi hộ 10 bao xi măng. Nhiều gia đình trong dịp này cũng bỏ thêm tiền nhà để xây thêm một phòng tắm bên cạnh nhà cầu. Như nhà anh Ha Bếp chẳng hạn, ông đã bỏ thêm khoảng 7 triệu đồng để xây thêm nhà tắm kế bên. “Trước đây, khi cần thì cả nhà phải ra vườn cà phê phía sau này, có lúc trời mưa ướt cả người, nay có công trình này thích lắm, còn nước ở đây không thiếu vì có nước tự chảy của xã” - anh Ha Bếp vui vẻ chỉ tay cho chúng tôi đường ống nước dẫn vào nhà.
 
Theo Hội Nông dân tỉnh, khi được Hội Nông dân Trung ương hỗ trợ 100 triệu đồng để xây dựng các công trình nhà vệ sinh cho vùng nông thôn, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Lạc Dương khảo sát và chọn xã Đạ Chais làm điểm trong huyện. Qua đó, tổ chức tập huấn cho 100 cán bộ và hội viên nông dân trong xã để trở thành các tuyên truyền viên bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ ở địa phương, đồng thời cũng họp dân để lựa chọn 13 gia đình đủ điều kiện tham gia chương trình sau đó bàn giao vật liệu và hướng dẫn kỹ thuật xây dựng mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh. Toàn bộ 13 hộ gia đình được chọn trong cuối tháng 12/2019 vừa qua đều đã xây xong nhà vệ sinh theo quy định. 
 
Bà Hồ Thị Bích Linh - cán bộ Hội Nông dân tỉnh cho biết, mục tiêu lâu dài của mô hình này không chỉ hỗ trợ cho các hộ tham gia dự án, xây dựng các công trình vệ sinh, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường sống mà còn là mô hình điểm của huyện để nhân rộng, góp phần nâng cao nhận thức, vận động, hướng dẫn sử dụng và giữ gìn nhà vệ sinh sạch khuẩn để đảm bảo sức khỏe cho người dân tại địa phương.
 
Để nhiều gia đình có nhà vệ sinh
 
Một trong những nguồn vốn hỗ trợ rất nhiều cho các gia đình trong tỉnh xây nhà tiêu hợp vệ sinh lâu nay chính là quỹ có một cái tên rất dài “Quỹ quay vòng vệ sinh môi trường hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng công trình vệ sinh theo tiêu chuẩn” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Lâm Đồng phụ trách. 
 
Ra đời từ năm 2012, Quỹ này là một điểm nhấn trong công tác cải thiện vệ sinh môi trường cho người nghèo trong vùng nông thôn của tỉnh với nguồn vốn rất lớn, đến 2,4 tỷ đồng, do Dự án của Ngân hàng Thế giới (World Bank) hỗ trợ. Mục tiêu của Quỹ là giúp các hội viên phụ nữ trong tỉnh trong diện gia đình khó khăn được vay vốn xây, sửa chữa nhà tiêu hợp vệ sinh. Việc vay vốn này được thực hiện thông qua Hội Phụ nữ các cấp ở cơ sở từ cấp huyện đến cấp xã, thị trấn, đến thôn với các tổ vay vốn được thành lập và vận hành, có bình xét công khai.
 
Theo Hội Phụ nữ tỉnh, hiện Quỹ đang duy trì cho vay tại 6 huyện, thành trong tỉnh, gồm xã Đạ Sar (Lạc Dương); xã Tân Hà và thị trấn Nam Ban (Lâm Hà); thị trấn Bằng Lăng và xã Rô Men (Đam Rông); các xã Lộc An, Lộc Thắng; Lộc Đức (Bảo Lâm); xã Lộc Nga (Bảo Lộc) và thị trấn Madagui (Đạ Huoai). 
 
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cán bộ phụ trách Quỹ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, mức vay 10 triệu đồng/hội viên đã được duy trì trong nhiều năm nay. 
 
Thông qua các cấp hội, mỗi thôn trong các xã được chọn của các huyện, thành trên có các tổ hoạt động, tổ trưởng phụ trách chịu trách nhiệm thu theo tháng; mỗi hội viên khi vay sẽ trả dần số tiền vay trong 36 tháng, mỗi tháng chỉ trả 320 nghìn đồng.
 
“Hội viên khi vay có thể sử dụng tiền để làm mới nhà vệ sinh hay sửa chữa, lắp hệ thống nước sạch, cải thiện lại điều kiện vệ sinh cho gia đình mình. Việc trả dần trong 3 năm cũng tạo thói quen tiết kiệm cho chị em; giúp chị em có thể sử dụng đồng vốn tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình nếu cần” - bà Thảo cho biết.
 
Tính từ năm 2012 đến nay, tổng cộng đã có 847 hội viên phụ nữ gia đình khó khăn trong tỉnh được vay vốn từ nguồn quỹ này, hầu hết như bà Thảo cho biết đều sử dụng đúng mục đích, có sự kiểm tra của các cấp hội khi cho vay vốn. Đặc biệt, cho đến nay rất ít hoặc không có trường hợp nào bị nợ quá hạn. Từ con số 2,4 tỷ đồng ban đầu đến nay, Hội Phụ nữ tỉnh theo bà Thảo không chỉ bảo tồn được nguồn vốn mà đã phát triển thêm lên với tổng số vốn Quỹ đang có 8,47 tỷ đồng (tính theo giá trị lũy kế).
 
“Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục cho hội viên vay, trong tương lai gần có thể mở rộng sang một số địa điểm nông thôn khác trong tỉnh nơi các hội viên cần nguồn vốn này” - bà Thảo cho biết.
 
GIA KHÁNH