Làm giàu từ cà phê giữa vùng sâu Sơn Điền

06:01, 06/01/2021

Giữa thôn Đăng Cao, xã vùng sâu Sơn Điền, huyện Di Linh có một ngôi nhà lầu khang trang. Đó là mái ấm của gia đình anh K'Brìm, người nông dân giỏi giang, chăm chỉ của xã Sơn Điền.

Giữa thôn Đăng Cao, xã vùng sâu Sơn Điền, huyện Di Linh có một ngôi nhà lầu khang trang. Đó là mái ấm của gia đình anh K’Brìm, người nông dân giỏi giang, chăm chỉ của xã Sơn Điền.
 
Anh K’Brìm trong vườn cà phê tái canh
Anh K’Brìm trong vườn cà phê tái canh
 
Đưa khách đi thăm vườn cà phê mới được tái canh, trồng xen những cây bơ, cây sầu riêng xanh mướt, anh K’Brìm nhớ lại những ngày vất vả của người Sơn Điền. Anh bảo, xưa người K’Ho Nộp quê anh chuyên trồng lúa rẫy. Sống định cư nhưng làm rẫy du cư, bà con lang thang theo những sườn đồi, đốt rừng, cắm rựa, gieo hạt lúa xuống và mong Yàng thương, mưa đủ nước để cây lúa sống được. Trồng vài vụ, đất cằn, bà con lại bỏ rẫy đi phát nương chỗ khác. Người Sơn Điền chăm chỉ, tay không rời cây rựa mà vẫn nghèo, vẫn đói. Cho đến khi theo lời kêu gọi của chính quyền, người Sơn Điền định canh định cư, trồng cây cà phê, cây lúa nước.
 
Như anh K’Brìm là một trong những hộ đầu tiên của thôn Đăng Cao làm cà phê, từ hồi những năm 1985-1986. Cây cà phê đã giúp nhà anh an cư lạc nghiệp, giúp anh trở thành một trong những nông hộ khá nhất xã Sơn Điền. Anh hiện có 4 ha cà phê, 5 sào lúa nước. Anh cho biết: “Làm cà phê một năm mình có 10 tấn nhân, thu được 300 triệu đồng. Lúa nước cũng thu được sáu bảy chục bao, nhà ăn không hết phải bán bớt. Như ngôi nhà này mình xây năm 2017, trị giá gần 1 tỷ đồng, chủ yếu từ tiền bán cà phê gom góp lại”. Anh K’Brìm bảo, trồng cà phê hay trồng lúa nước cũng phải chăm chỉ, làm cỏ bỏ phân, chăm sóc theo đúng kỹ thuật được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. Như lúa nước nhà anh trồng giống cao sản, 5 sào nhưng thu 1 vụ tới 3 tấn, một năm 2 vụ lúa là có 6 tấn thóc vàng ươm, vừa ăn vừa bán vẫn còn dư. “Vùng chúng tôi đây khí hậu rất khắc nghiệt, mùa khô dài và mưa trễ. Không tưới nước đầy đủ là cà phê chết héo, không ra bông, kết trái. Phải theo dõi thường xuyên để chăm sóc, tưới tắm cho cà phê kịp thời”, anh K’Brìm chia sẻ. 
 
Không dừng lại ở chăm sóc, thu hoạch diện tích cà phê có sẵn, anh K’Brìm đang tiến hành tái canh vườn cà phê của gia đình. Năm 2018, anh tái canh thử được 3,3 sào với sự hỗ trợ của Nhà nước. Anh bảo, Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh hỗ trợ 70% tiền giống cà phê và cây ăn trái. Anh chọn tái canh hòan toàn, múc bỏ gốc cà phê cũ, trồng cây mới, trồng xen sầu riêng và bơ vào vườn cà phê. Sau 2 năm, cà phê đã cho trái bói và theo anh đánh giá, chất lượng cũng như sản lượng khả quan, tầm trên 3 tấn/ha, cao hơn 50% so với năng suất 2 tấn nhân/ha của vườn cà phê cũ. Thấy hiệu quả, anh đang tiếp tục tái canh số diện tích cà phê của gia đình theo phương pháp tái canh dần dần, vừa tái canh vừa có cà cho thu hoạch, đảm bảo thu nhập cho cuộc sống gia đình. 
 
Anh K’Biển, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Điền đánh giá, anh K’Brìm là nông hộ rất tiến bộ. Anh siêng năng, chịu khó, có kiến thức chăm sóc cà phê. Anh là một trong những nông hộ trồng cà phê khá giả nhất xã Sơn Điền, xây nhà đẹp, mua xe đẹp, là tấm gương cho bà con trong xã. Thấy anh K’Brìm tái canh cà phê hiệu quả, bà con trong thôn, trong xã cũng học theo anh, trục cà phê già cỗi trồng mới hay ghép mới chồi cao sản trên cây cà phê mẹ. Không chỉ trồng cà phê, anh K’Brìm còn thả giống heo đen truyền thống trong vườn, cũng là một nguồn thu tốt vì heo thả rông cho thịt ngon, nhiều người tiêu dùng rất ưa chuộng. Anh cũng thả thêm gà leo cây trong vườn, vừa có thịt, vừa có trứng phục vụ bữa ăn, vừa bán cho bà con. Nhiều hộ cũng học anh, nuôi thêm con gà để cải thiện điều kiện sinh hoạt. Từ những người như anh K’Brìm, cuộc sống của bà con vùng sâu Sơn Điền ngày một no ấm hơn, hướng tới một tương lai tốt đẹp giữa vùng đất khó.
 
DIỆP QUỲNH