Điều kỳ diệu của giấc ngủ

06:02, 26/02/2021

Bên thềm xuân mới 2021, phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc trò chuyện với Giáo sư - Tiến sĩ khoa học - Bác sĩ Dương Quý Sỹ...

Bên thềm xuân mới 2021, phóng viên (PV) Báo Lâm Đồng có cuộc trò chuyện với Giáo sư - Tiến sĩ khoa học - Bác sĩ (GS-TSKH-BS) Dương Quý Sỹ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, Chủ tịch Liên đoàn Y học Giấc ngủ ASEAN, Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam về những vấn đề liên quan đến giấc ngủ.
 
Ra mắt Ban Chấp hành Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 do GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ làm Chủ tịch Hội
Ra mắt Ban Chấp hành Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 do GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ làm Chủ tịch Hội
 
* PV: Thưa GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ! Xin ông giới thiệu đôi nét về Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam và một số nghiên cứu nổi bật?
 
- GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ: Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam ra đời vào ngày 11/1/2020 trong phiên Đại hội lần thứ I được tổ chức tại TP Đà Lạt theo Quyết định số 1071, ngày 10/12/2019 của Bộ Nội vụ. Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp chuyên ngành về y học giấc ngủ bao gồm các chuyên gia, các cán bộ y tế công tác trong các chuyên khoa khác nhau (hô hấp, tim mạch, tai - mũi - họng, thần kinh, nội tiết, dinh dưỡng...) được đào tạo thêm về lĩnh vực y học giấc ngủ. Cho đến nay, Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam đã có gần 400 hội viên trên cả nước và có văn phòng đại diện ở Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM và trụ sở chính tại TP Đà Lạt. Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam là thành viên của Tổng hội Y học Việt Nam và trong tháng 5/2021, Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị thường niên lần thứ II tại TP Đà Lạt và trong dịp này Hội sẽ công bố quyết định thành lập 2 chi hội trực thuộc là Chi hội Miễn dịch - Dị ứng và Rối loạn giấc ngủ có trụ sở tại Trường Đại học Y Hà Nội và Chi hội Ngủ ngáy - Ngưng thở khi ngủ có trụ sở tại Trường Đại học Y Dược TP HCM.
 
Những nghiên cứu nổi bật của Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam trong thời gian qua tập trung chủ yếu vào các bệnh lý có liên quan đến rối loạn giấc ngủ thường gặp như mất ngủ, ngủ ngáy - ngưng thở khi ngủ và chứng buồn ngủ ban ngày quá mức. Trong thời gian vừa qua, các thành viên Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam đã triển khai các nghiên cứu về tần suất mắc bệnh ngủ ngáy - ngưng thở khi ngủ ở người Việt Nam trưởng thành (với tỷ lệ là 8,5% người trên 18 tuổi bị mắc bệnh); nghiên cứu về tần suất và đặc điểm lâm sàng của trẻ em bị hen phế quản mắc bệnh ngủ ngáy - ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ; nghiên cứu tần suất và đặc điểm của người bị bệnh phổi tắc nghẽn bị ngưng thở khi ngủ; nghiên cứu về tác dụng điều trị mất ngủ của hương liệu chiết xuất từ hoa oải hương (lavender) và của trà an thần lá cây chanh dây. Trong thời gian sắp tới, Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam sẽ tiến hành các nghiên cứu đa trung tâm tại Việt Nam về mất ngủ và các rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường và gan nhiễm mỡ.
 
* PV: Trong tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc giãn cách xã hội khiến con người ở nhà nhiều hơn và ăn ngủ nhiều hơn, điều này có tốt cho sức khỏe không và vì sao, thưa ông?
 
- GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ: Trong thời gian qua, từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ trên toàn thế giới và tại Việt Nam, việc giãn cách xã hội tại các khu vực có dịch đã làm cho người dân hạn chế ra ngoài đường ngoại trừ khi có việc thật cần thiết hoặc phải đi làm việc, hạn chế việc đến các nơi vui chơi giải trí và hạn chế việc đi du lịch nhằm bảo đảm việc phòng dịch COVID-19. Việc tăng thời gian ở nhà và hạn chế thời gian ra ngoài đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt của những người dân sống trong vùng giãn cách xã hội: thời gian ăn uống nghỉ ngơi nhiều hơn, thời gian ngủ nhiều hơn sẽ rất có ích cho việc tăng cường sức đề kháng của cơ thể và giúp cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, việc ăn ngủ thoải mái hơn trong giai đoạn này có thể là không tốt cho sức khỏe ở những người thiếu vận động, không có thói quen tập thể dục rèn luyện thân thể, dẫn đến làm tăng cân, rối loạn chuyển hóa đường và mỡ, thay đổi nhịp sinh học giấc ngủ. Bên cạnh đó, tình trạng giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng đến việc học tập và công việc, tâm lý lo sợ mắc bệnh và dịch bệnh lan rộng cũng đã gây ra tình trạng lo lắng, trầm cảm cho một số người và có thể dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ và gây mất ngủ. Do vậy, cần phải có một tâm lý thật vững vàng trong tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, thực hiện tốt việc phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19, cần có chế độ học tập và làm việc hợp lý, duy trì chế độ ăn uống - nghỉ ngơi và ngủ phù hợp (tối thiểu 8-10 tiếng ở trẻ em và 6 tiếng ở người trưởng thành), thường xuyên tập thể dục rèn luyện sức khỏe để có sức khỏe và sức đề kháng thật tốt. 
 
GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân có bệnh lý về giấc ngủ
GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân có bệnh lý về giấc ngủ
 
* PV: Là chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực y học giấc ngủ, ông cho biết những phương pháp để có giấc ngủ ngon?
 
- GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ: Việc có được một giấc ngủ ngon hàng đêm là mơ ước của rất nhiều người vì giấc ngủ có một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống mỗi chúng ta. Chiếm 1/3 thời gian trong cuộc đời chúng ta dành cho việc ngủ. Một giấc ngủ ngon hay chất lượng tốt giúp tăng cường sức khỏe, tránh được các rối loạn tâm sinh lý, giúp tăng cường trí nhớ và khả năng học tập - tư duy của mỗi người, hạn chế được việc suy giảm trí nhớ tuổi già và giúp kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra, một số người bị rối loạn giấc ngủ như ngủ ngáy - ngưng thở khi ngủ, giảm thông khí phổi khi ngủ, mất ngủ sẽ gây ra những hậu quả trên bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, gan nhiễm mỡ, tăng nguy cơ ung thư da và giảm tuổi thọ. Do vậy, việc duy trì một giấc ngủ ngon và chất lượng giấc ngủ tốt là rất quan trọng trong cuộc sống mỗi người. Để có được một giấc ngủ ngon và tạo được sự sảng khoái sau khi thức giấc với một cơ thể tràn đầy năng lượng cho một ngày làm việc mới, cần phải tuân thủ một số nguyên tắc như sau: Cần phải ngủ đúng giờ và bảo đảm thời gian ngủ tối thiểu quy định cho từng độ tuổi, tránh sử dụng rượu bia và thuốc lá trước khi ngủ, tránh những lo lắng - căng thẳng trước khi ngủ, tạo môi trường trong phòng ngủ thuận lợi cho một giấc ngủ ngon và tránh tiếng động, tránh sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng trên giường ngủ, tránh xem các bộ phim có những hình ảnh hoặc nội dung gây sợ hãi hoặc xúc cảm quá mức làm tác động đến tâm lý trước khi ngủ, duy trì thói quen nghe những bản nhạc mình yêu thích hoặc đọc một vài chương sách hay khoảng 10 - 15 phút trước khi ngủ hoặc thực hiện một vài động tác yoga phối hợp với thư giãn tại giường và điều hòa hơi thở với nhịp thở chậm và sâu. Đây là những thói quen tốt giúp duy trì được một giấc ngủ ngon và phải thực hiện thường xuyên hàng đêm để có một giấc ngủ tốt.
 
* PV: Khách du lịch thường hay nói đến Đà Lạt chỉ để ngủ, ông có thể phân tích về mặt lợi thế của giấc ngủ ở Đà Lạt?
 
- GS-TSKH-BS Dương Quý Sỹ: Từ nhiều năm qua, Đà Lạt là một điểm đến rất hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước, do bởi những thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên đẹp và thơ mộng, con người Đà Lạt hiền hòa và đặc biệt nhất là môi trường trong lành với một khí hậu mát mẻ dễ chịu bốn mùa của một vùng cao nguyên mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Lạt. Khí hậu mát mẻ ban ngày và hơi se lạnh buổi tối của trời Đà Lạt về đêm rất tốt cho một giấc ngủ ngon sau một ngày thưởng ngoạn thăm viếng các nơi của khách du lịch. Giấc ngủ về đêm với khí hậu hơi lạnh của Đà Lạt và được cuộn mình trong một chiếc chăn ấm khi đêm về đã tạo ra một giấc ngủ rất ngon và rất thơ mộng trong tâm trí khách du lịch và một số người thường xuyên đến với Đà Lạt vào những ngày nghỉ cuối tuần chỉ để có được những giấc ngủ ngon sau những ngày làm việc căng thẳng, phải sống và làm việc trong môi trường nhộn nhịp hối hả của những thành phố lớn với tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn. Đà Lạt cho đến nay vẫn là một thành phố yên bình và không khí trong lành, luôn tạo được cảm giác thư giãn và sảng khoái cho khách du lịch đến từ các nơi khác, nhịp sống êm ả về đêm của thành phố cũng giúp cho khách du lịch dễ dàng có một giấc ngủ ngon và êm đềm. Một giấc ngủ ngon và được hít thở không khí trong lành rất tốt cho sức khỏe mỗi người, đây là một lợi thế rất lớn của khí hậu Đà Lạt. Do vậy, đến Đà Lạt du lịch để có được những giấc ngủ ngon trong một môi trường cảnh quan thiên nhiên - sinh thái sạch - đẹp - thân thiện và an toàn vẫn mãi là mơ ước của khách du lịch trong và ngoài nước. 
 
* PV: Cảm ơn GS-TSKH-BS!
 
DIỆU HIỀN (Thực hiện)