Ngày 23/1/2021, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BCA quy định về mẫu thẻ căn cước công dân gắn chip...
Ngày 23/1/2021, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BCA quy định về mẫu thẻ căn cước công dân gắn chip. Theo đó, tất cả công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước công dân được cấp thẻ căn cước công dân mới này. Tỉnh Lâm Đồng hiện cũng đang gấp rút thực hiện cấp, đổi thẻ căn cước công dân cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều công dân đang lúng túng, thắc mắc về thẻ căn cước công dân mới và quy trình, thủ tục để được cấp, đổi.
Cán bộ công an thực hiện các thủ tục đổi căn cước công dân cho người dân. Ảnh: Lê Tiến |
Căn cước công dân mới có nhiều ưu điểm
Theo đánh giá, thẻ căn cước công dân (CCCD) sử dụng chip điện tử có nhiều ưu điểm hơn giấy Chứng minh nhân dân (CMND) hiện hành với độ bảo mật cao hơn và tích hợp thêm các thông tin khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe, thuế.
Việc đổi sang CCCD gắn chip không gây ảnh hưởng gì tới các loại giấy tờ đang dùng cũng như số căn cước công dân mã vạch trước đó. Thực tế, dãy số trên căn cước công dân gắn chip với số trên căn cước công dân mã vạch là giống nhau, do đó, công dân không phải đi đổi lại các giấy tờ. Sau khi được cấp căn cước công dân gắn chip, công dân vẫn có thể thực hiện các giao dịch đã sử dụng số căn cước công dân trước đây bình thường mà không hề có bất cứ phiền toái nào.
Thông tư số 06/2021/TT-BCA quy định đối với công dân đã được cấp thẻ CCCD, CMND 9 số trước ngày 23/1/2021 thì thẻ vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Điều này đồng nghĩa với việc công dân không phải bắt buộc đổi thẻ CCCD mã vạch CMND 9 số đang còn thời hạn sử dụng sang thẻ căn cước công dân gắn chip.
Cán bộ công an thực hiện các thủ tục đổi căn cước công dân cho người dân. Ảnh: Lê Tiến |
Cần làm gì khi đi làm mới, đổi CCCD
Khi đi làm mới hoặc đổi CCCD, người dân chỉ cần cung cấp thông tin nhân thân. Cán bộ trích xuất dữ liệu trong phần mềm cấp CCCD để thực hiện quy trình cấp. Công dân không cần kê khai, ký giấy tờ nào theo quy trình cấp CCCD mã vạch trước đây (trừ trường hợp công dân chưa có dữ liệu thông tin dân cư, thông tin có sự thay đổi, điều chỉnh). Người dân chỉ cần xuất trình sổ hộ khẩu, CMND/CCCD, giấy tờ hợp pháp khi chưa có dữ liệu thông tin dân cư hoặc có sự thay đổi, điều chỉnh thông tin cá nhân. Trường hợp CMND/CCCD cũ còn hiệu lực thì người dân vẫn dùng để giao dịch, thực hiện thủ tục cho đến khi hết hạn. Khi nào có thẻ CCCD mới, cơ quan công an mới cắt góc CMND, CCCD cũ. Những trường hợp thẻ cũ hết hạn ngay trong giai đoạn này sẽ được ưu tiên cấp đổi và trả thẻ mới theo quy trình.
Lệ phí cấp CCCD được giảm 50% so với mức thu quy định tại Thông tư 59/2019 của Bộ Tài chính. Mức giảm này sẽ được thực hiện đến hết ngày 30/6/2021. Tương ứng số tiền lệ phí từ 30 ngàn đồng/thẻ sẽ giảm xuống còn 15 ngàn đồng/thẻ.
Hiện nay, công dân có thể liên hệ làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD tại cơ quan quản lý CCCD của Công an tỉnh; tại Công an huyện, quận, thị xã, thành phố. Cơ quan quản lý CCCD có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ CCCD tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.
Do đến tháng 3/2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD chưa thu thập đầy đủ thông tin về công dân nên công dân vẫn phải về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để cấp CCCD lần đầu. Trường hợp đổi khi thẻ hư hỏng, đổi CCCD khi đến tuổi 25, 40, 60 tuổi và cấp lại thẻ CCCD, công dân có thể đến công an cấp tỉnh của bất cứ tỉnh, thành nào.
Khi công dân đủ điều kiện, thủ tục thì cán bộ cơ quan quản lý CCCD sẽ chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ CCCD để in trên Phiếu thu nhận thông tin CCCD và thẻ CCCD theo quy định. Cán bộ cơ quan quản lý CCCD thu nhận vân tay của công dân qua máy thu nhận vân tay; trường hợp ngón tay bị cụt, khèo, dị tật, không lấy được vân tay thì ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó.
NGUYÊN THI