Năm 2020 vừa qua, dịch bệnh COVID-19 đã tác động rất lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nói chung và huyện Đam Rông nói riêng...
Năm 2020 vừa qua, dịch bệnh COVID-19 đã tác động rất lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nói chung và huyện Đam Rông nói riêng. Sự tác động tiêu cực ấy đã đẩy huyện nghèo Đam Rông vào những khó khăn nhất định. Đặc biệt là công tác giảm nghèo, khó càng thêm khó. Bởi vậy, có nhiều thách thức đang đặt ra đối với địa phương này trong việc tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo năm 2021.
|
Đầu tư phát triển sản xuất là một trong những nội dung giảm nghèo trọng tâm của Đam Rông |
Khó khăn năm 2020
Trong năm 2020, huyện Đam Rông được đầu tư hơn 614 tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau để thực hiện công tác giảm nghèo. Kết quả giải ngân vốn trên 472 tỷ đồng để đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng, chủ yếu về giao thông, thủy lợi, trường học; triển khai các dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo...
Ông Dương Tất Phong - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đam Rông cho biết, ngoài nhiều giải pháp giảm nghèo chung như tuyên truyền, vận động cho các hộ nghèo đăng ký thoát nghèo; trợ cấp Tết Nguyên đán Canh Tý; chi trả ảnh hưởng dịch COVID-19; hỗ trợ nhà ở, vay vốn ngân hàng chính sách... huyện Đam Rông cũng đã triển khai nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững như Chương trình 30a, 135. Nếu như nguồn vốn từ Chương trình 30a đã được sử dụng để đầu tư các hạng mục gồm: xây dựng cơ bản; hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình trên địa bàn thông qua việc hỗ trợ cây giống, phân bón và nhân rộng các mô hình sản xuất... thì nguồn vốn từ Chương trình 135 cũng được triển khai ở các nội dung tương tự, song tập trung cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Riêng nguồn vốn từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã được huyện Đam Rông vận dụng linh hoạt nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất ở các địa phương. Từ đó, kết cấu hạ tầng - xã hội tiếp tục được tập trung đầu tư, nâng cấp sửa chữa. Trong phát triển sản xuất, nguồn vốn đã được phân bổ để hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn như: trồng dâu nuôi tằm, trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê; trồng bưởi da xanh... và duy trì sản xuất lúa đồng trà đồng vụ được nhân rộng.
Theo số liệu thống kê từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đam Rông cho thấy, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,45%; hộ nghèo đồng bào DTTS giảm còn 12,06%. Với kết quả này, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đam Rông đang cao hơn mục tiêu đặt ra. Có nhiều nguyên nhân khiến con số này không đạt kế hoạch như ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình mưa, bão, hạn hán liên tục kéo dài gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, giá cả nông sản biến động thấp. Bên cạnh đó, do những năm trước tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo còn cao nên khi có biến động xảy ra các hộ này đã tái nghèo. Và quan trọng hơn cả, việc một bộ phận không nhỏ người nghèo ở Đam Rông chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, từ đó ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy tính chủ động để vươn lên thoát nghèo.
Mục tiêu năm 2021
Tại hội nghị tổng kết việc thực hiện công tác giảm nghèo năm 2020, huyện Đam Rông đã nhìn nhận rõ những vấn đề còn tồn tại để thấy rằng công tác giảm nghèo còn nhiều khó khăn và thách thức. Tuy vậy việc nhìn thẳng vào những vấn đề còn tồn tại chính là cơ sở để địa phương này xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này trong năm 2021.
Theo đó, lãnh đạo huyện Đam Rông đã xác định rõ công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong thực hiện sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đam Rông. Và tiêu chí giảm nghèo là một trong các tiêu chí trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội cần tập trung thực hiện. Cũng tại hội nghị này, Bí thư Huyện ủy Đam Rông Nguyễn Văn Lộc nhấn mạnh: Giảm nghèo là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới cần xem xét toàn diện những vấn đề liên quan nhất là thực lực của Nhân dân trong công tác giảm nghèo. Cần tạo sinh kế cho người nghèo bởi đó mới là giải pháp cần thiết nhất để giảm nghèo. Đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong chủ động vươn lên thoát nghèo. Chính quyền địa phương sẽ tập trung huy động và tranh thủ các nguồn lực để đầu tư cho công tác giảm nghèo. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hiệu quả thực tế của việc triển khai các nguồn lực. Các ngành, địa phương cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm để làm tốt công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.
Địa phương này xác định mục tiêu phấn đấu năm 2021, vận động từ 15 - 20% hộ đăng ký thoát nghèo trong tổng số hộ nghèo. Để thực hiện được điều này, lãnh đạo UBND huyện Đam Rông cũng đã yêu cầu các phòng ban chuyên môn triển khai các nhiệm vụ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, ý thức, chủ động trong phát triển kinh tế hộ gia đình nhằm vươn lên thoát nghèo. Tập trung nguồn lực, thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ, nhất là các chương trình MTQG, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển địa bàn các xã, thôn còn đặc biệt khó khăn như xã Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’rông và Liêng S’rônh. Phát triển kinh tế, gắn với thực hiện giảm nghèo bền vững thông qua việc phát triển kinh tế theo lợi thế của từng địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hợp lý. Tiếp tục hoàn thiện về đầu tư hạ tầng cơ sở. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng rừng, hạn chế thấp nhất tiến tới chấm dứt tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép...
Rất nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo đã và đang tiếp tục được đầu tư vào Đam Rông. Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị là điều kiện cần song phải có sự chủ động, sáng tạo và khát vọng vươn lên thoát nghèo mới là điều kiện đủ để địa phương này bước ra khỏi tên gọi huyện nghèo.
NGỌC NGÀ