Nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động

02:04, 09/04/2021

Việc triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động...

Việc triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã góp phần hạn chế tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
 
Người lao động tham gia Hội thi Tìm hiểu hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động
Người lao động tham gia Hội thi Tìm hiểu hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động
 
Lâm Đồng hiện có khoảng 10.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 90%), tạo việc làm cho hơn 100 ngàn lao động trong nhiều lĩnh vực. Để đảm bảo ATVSLĐ, hàng năm, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ, với mục đích tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền triển khai Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành đến doanh nghiệp và người lao động; thúc đẩy doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh triển khai các chương trình hành động cụ thể để phòng ngừa TNLĐ, BNN; Xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc, góp phần hạn chế TNLĐ, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 
Là đơn vị thường trực Ban chỉ đạo ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ của tỉnh, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã giám sát tình hình đảm bảo ATVSLĐ tại doanh nghiệp. Xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, giúp cho người lao động yên tâm làm việc, lao động sản xuất hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người lao động; tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ cho cán bộ, công nhân lao động; kiên quyết xử lý những đơn vị vi phạm; yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường trang bị các thiết bị bảo hộ lao động, phòng cháy chữa cháy. 
 
Riêng trong năm 2020, do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, trước và trong Tháng hành động ATVSLĐ, hầu hết các sở, ngành, địa phương không tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành về công tác ATVSLĐ mà tập trung thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo địa phương về chủ động phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Sau Tháng hành động ATVSLĐ, các sở, ngành, địa phương đã kiểm tra 18 doanh nghiệp về chấp hành pháp luật ATVSLĐ, trong đó cấp tỉnh kiểm tra 10 đơn vị, cấp huyện kiểm tra 8 đơn vị. Các doanh nghiệp được kiểm tra chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ để xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ như: Xây dựng, thủy điện, khai thác khoáng sản, chế biến... Kết quả kiểm tra của các ngành, các cấp đã phát hiện 16 đơn vị vi phạm, bao gồm các hành vi vi phạm như: Trang bị bảo hộ chưa đầy đủ cho người lao động; không ban hành quyết định cử người làm công tác ATVSLĐ tại công trường; không tổ chức hoặc tổ chức chưa đầy đủ công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; không trang bị bảng nội quy ATVSLĐ tại công trường; không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động... Công tác kiểm tra đã góp phần giúp các doanh nghiệp cập nhật được các quy định mới về ATVSLĐ; đồng thời, chỉ ra những tồn tại, thiếu sót mà doanh nghiệp chưa biết, chưa thực hiện trong công tác ATVSLĐ tại đơn vị mình. 
 
Để chấn chỉnh các doanh nghiệp, đơn vị cố ý vi phạm trong công tác ATVSLĐ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành 4 quyết định xử phạt 5 doanh nghiệp với số tiền 67,5 triệu đồng, với các hành vi như: Không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ; không bảo dưỡng thiết bị máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ...
 
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên tuyên truyền những quy định về ATVSLĐ bằng nhiều hình thức; đồng thời, tổ chức hội nghị phổ biến pháp luật cho người lao động và đơn vị sử dụng lao động, góp phần nâng cao ý thức của người lao động, đảm bảo an toàn trong quá trình lao động. Năm 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lớp tập huấn chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng mô hình ATVSLĐ trong các doanh nghiệp; phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức Hội thi ATVSLĐ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với đơn vị dịch vụ huấn luyện tổ chức 9 lớp huấn luyện xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ cho doanh nghiệp, với 445 học viên tham gia... Ngoài ra, các huyện, thành phố còn tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, pano, áp phích trên các tuyến đường phố; phân phát tài liệu về công tác ATVSLĐ cho các doanh nghiệp...
 
“Với việc triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, đã góp phần làm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy định pháp luật về ATVSLĐ của người lao động trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm thiểu TNLĐ, BNN. Nhiều doanh nghiệp đã triển khai chương trình hành động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ do địa phương phát động. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tích cực treo băng rôn, khẩu hiệu của Tháng hành động tại đơn vị mình; thực hiện cải thiện điều kiện lao động; tổ chức khám sức khỏe, quan trắc môi trường lao động, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động...” - ông Võ Ngọc Hải - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh - Xã hội) cho biết.
 
NHẬT MINH