Bắt đầu từ năm 2017 tới nay, tỉnh Lâm Đồng đã chuyển hóa thành công nhiều địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội thành địa bàn an toàn, giảm mạnh tội phạm và tệ nạn xã hội, không để hình thành điểm nóng...
Bắt đầu từ năm 2017 tới nay, tỉnh Lâm Đồng đã chuyển hóa thành công nhiều địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) thành địa bàn an toàn, giảm mạnh tội phạm và tệ nạn xã hội, không để hình thành điểm nóng. Đây là thành quả quan trọng trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng thế trận lòng dân, an ninh nhân dân ngày một thêm vững mạnh.
|
Công an huyện Đơn Dương tuyên truyền công tác bảo vệ rừng cho bà con dân tộc thiểu số xã Ka Đô |
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm (Ban chỉ đạo 138) tỉnh Lâm Đồng, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh vẫn được bảo đảm, góp phần quan trọng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Theo đó, tội phạm về TTATXH giảm 19,19%, tỷ lệ điều tra khám phá án cao (đạt 90,73%), án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 97,59%; công tác đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy, tham nhũng, kinh tế, môi trường được chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, tỷ lệ chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH đạt 92,85% (vượt 32,85% so với yêu cầu); một số địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH chưa chuyển hóa thành công trong các năm trước đã được chuyển hóa thành công như: Phường 2, TP Bảo Lộc; thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng; xã Hòa Ninh, xã Hòa Bắc và thị trấn Di Linh, huyện Di Linh; thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm; thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương,...
Đạt được kết quả trên, bên cạnh những thuận lợi là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các địa phương nhất là chính quyền các xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, thực tế từ năm 2018 tới nay cũng có trường hợp xã, phường, thị trấn đã chuyển hóa thành công nhưng lại để tình hình ANTT phức tạp trở lại hoặc để tình hình chuyển hóa kéo dài. Một phần nguyên nhân được chỉ ra là do nguyên nhân khách quan như: địa bàn chuyển hóa rộng, dân cư tập trung, tốc độ đô thị hóa nhanh nên tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, làm nảy sinh tội phạm, tệ nạn xã hội, khó khăn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh của chính quyền và lực lượng chức năng. Tội phạm trộm cắp tài sản vẫn chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số án chung...
Trong khi đó, công tác lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc còn nhiều khó khăn, vướng mắc,... Do vậy, để tiếp tục giữ vững các địa bàn đã chuyển hóa không phức tạp trở lại cũng như tiếp tục lựa chọn các địa bàn phức tạp nhằm chuyển hóa thành công luôn là một thách thức không chỉ của từng địa phương mà của cả hệ thống chính trị trong tỉnh.
Theo Ban chỉ đạo 138 tỉnh, mục tiêu đặt ra trong năm 2021 là các địa phương phấn đấu tổ chức chuyển hóa thành công ít nhất 60% tổng số địa bàn được lựa chọn chuyển hóa. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các giải pháp để duy trì giữ vững, ổn định những kết quả đã đạt được (ít nhất 85% các địa bàn đã chuyển hóa thành công không để phức tạp trở lại sau chuyển hóa).
Các chỉ tiêu mấu chốt được Ban chỉ đạo 138 tỉnh đặt ra trong kế hoạch thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH năm 2021 cụ thể, như: Tại các địa bàn chuyển hóa không có dấu hiệu hoạt động của tội phạm có tổ chức theo kiểu “xã hội đen”; tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt từ 80% trở lên; trong đó, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 95% trở lên trong tổng số án khởi tố; đảm bảo 100% tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, xử lý; 100% các địa bàn được lựa chọn chuyển hóa tiến hành xây dựng và củng cố ít nhất 1 mô hình vận động Nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải, hoạt động hiệu quả; xây dựng và duy trì thực hiện các nội quy, quy tắc nếp sống cộng đồng văn minh, tiến bộ;…
Hiện, các địa phương đang gấp rút xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện các nội dung trong công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH năm 2021 theo yêu cầu của Ban chỉ đạo 138 tỉnh. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của bà con nhân dân, hy vọng trong năm nay, các địa bàn phức tạp về TTATXH sẽ tiếp tục được chuyển hóa thành công, tình hình tội phạm được kéo giảm ở mức thấp nhất.
C.PHONG