Từng được xem là "ốc đảo" mỗi mùa mưa đến, dải đất Mỏ Vẹt (Thôn 9, xã Đạ Kho, Đạ Tẻh) một thời gian khó về điện, đường, trường, trạm, nay ngát xanh những vườn cây ăn trái tốt tươi...
Từng được xem là “ốc đảo” mỗi mùa mưa đến, dải đất Mỏ Vẹt (Thôn 9, xã Đạ Kho, Đạ Tẻh) một thời gian khó về điện, đường, trường, trạm, nay ngát xanh những vườn cây ăn trái tốt tươi. Ở đó, người dân yên tâm dựng xây cuộc sống mới đủ đầy, và chính bàn tay họ tô điểm lên bức tranh hiện tại những gam màu sáng tươi, đầy sức sống.
|
Cây cầu treo nối xã Nam Cát Tiên và xã Đạ Kho đã giải quyết nhiều khó khăn cho người dân |
Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Kho Nguyễn Minh Sáng gọi vùng Mỏ Vẹt là “đứa con út” của xã nói riêng và huyện Đạ Tẻh nói chung. Bởi trước giải phóng, thôn này thuộc xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Đến năm 1989 mới được huyện Đạ Tẻh tiếp nhận và sáp nhập vào xã Đạ Kho. Một “đứa con” sinh sau đẻ muộn, nên chịu không ít thiệt thòi và bước chậm hơn so với các thôn khác trong xã.
Ông Nguyễn Minh Sáng là thế hệ gắn bó với vùng Mỏ Vẹt từ những ngày đầu được sáp nhập vào xã Đạ Kho nên hơn ai hết, ông hiểu rõ những nhọc nhằn, khó khăn và thiếu thốn của dải đất ven sông Đồng Nai này. Thế nhưng, câu chuyện về những ngày cũ nhanh chóng được bỏ qua, Phó Bí thư Đảng ủy nhắc nhiều hơn đến con người nơi đây, với lời giới thiệu “tình cảm, mến khách và thơm thảo”.
Rộn ràng và tràn đầy sức sống của màu xanh cây trái, đó là những khung cảnh đầu tiên đón chúng tôi khi đến với thôn xa nhất của xã Đạ Kho. Neo vào con sông Đồng Nai hào phóng phù sa, đất đai màu mỡ cùng với bàn tay con người cần cù chăm bẵm đã đắp xây Thôn 9, từ một vùng nghèo khó nay trở thành thôn khá giả với đa dạng cây ăn trái, cây trồng lâu năm. Thôn 9 hiện có 60 hộ với 230 nhân khẩu đang sinh sống, tổng diện tích khoảng 714 ha. Gần 35 năm qua, một Mỏ Vẹt đã khởi.
Tết năm 2015, lần đầu tiên khu Mỏ Vẹt sáng ánh điện, sau hơn 20 năm mòn mỏi đợi chờ trong cảnh đèn dầu và bình ắc quy. Cùng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, bà con nhiệt tình hiến đất, cây trồng để đơn vị thi công tiến hành chôn cột và kéo đường dây thuận lợi. Bà con còn tham gia đào hố chôn cột điện, phát dọn cây cối để tạo hành lang an toàn cho đường điện.
Điện đã có. Nhưng Mỏ Vẹt còn cách trở việc giao thương, ra Chợ Đạ Tẻh tận 11 km, qua Đồng Nai chỉ 2 km, và phải qua cầu phao bắc tạm hoặc bằng đò ngang. Học sinh đi học cũng phải bằng đò, mùa mưa phải ở lại. Chiếc cầu treo nối 2 bờ Mỏ Vẹt và xã Nam Cát Tiên với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng được xây dựng, người dân ở đó gọi là “nhịp cầu nối những bờ vui”. Bởi bà con thoát khỏi cảnh “lụy phà”, nhất là nông sản làm ra không bị ép giá và giá cả các mặt hàng mua vào không bị đội giá quá cao bởi chi phí vận chuyển.
Tờ báo đăng bài “20 năm không ánh điện” vẫn được Trưởng thôn Lê Hồng Khanh giữ gìn cẩn thận, và tác giả bài báo - người anh đồng nghiệp của chúng tôi vẫn được trưởng thôn nhắc đến với sự trân trọng và biết ơn. Bây giờ, wifi đã phủ sóng toàn thôn. Ông Khanh đã có thể gọi video cho anh nhà báo bằng zalo để hỏi thăm sức khỏe, cùng lời mời về thăm Mỏ Vẹt nay đã thay da đổi thịt. Mỏ Vẹt - nay không còn là vùng xa.
Trên vườn sầu riêng lủng lẳng trái đang tới mùa thu hoạch của anh nông dân Nguyễn Mạnh Trí vẫn còn dấu vết của những gốc điều. Anh phấn khởi chia sẻ, 7 ha đất trồng điều trước đây, sau hơn 10 năm chuyển đổi dần, bây giờ đã được thay thế hoàn toàn bằng sầu riêng. So với trồng điều, trồng sầu riêng mang lại nguồn lợi cao hơn nhiều. “Thậm chí, giá điều khi cao nhất cũng chỉ bằng 1/5 so với giá sầu riêng. Bây giờ có điện rồi, việc tưới tiêu, sản xuất và tiêu thụ lại càng thuận lợi hơn” - anh Trí cho biết.
Anh nông dân Nguyễn Mạnh Trí quê gốc Bắc. 30 năm cuộc đời gắn với mảnh đất Mỏ Vẹt, với nắng và gió nơi này khiến làn da anh rám nắng. Thế nhưng nụ cười thì vẫn sáng bừng và tươi như nắng, khi anh nhắc về con cái, gia đình. Đã xa rồi những ngày xa cách, vợ chồng cùng vườn tược ở Đạ Kho để làm kinh tế, còn con cái vẫn ở Nam Cát Tiên để tiện cho việc học hành. Bây giờ, Đạ Kho đã dần hoàn thiện cơ sở vật chất, cuộc sống đã tiện nghi, gia đình anh và cả nhiều người đã chuyển hẳn về bên này sông để gia đình đoàn tụ, ổn định cuộc sống.
Người dân Thôn 9 có quê gốc khác nhau, là Hưng Yên, Phú Thọ, là Thanh Hóa, Ninh Bình,... “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, những người hàng xóm thương yêu, đùm bọc nhau như người thân trong gia đình, tối lửa tắt đèn có nhau. Ngôi nhà của Trưởng thôn Lê Hồng Khanh ngày cuối tháng 4, giữa vườn bưởi da xanh rộ trái rộn ràng hơn. Hàng xóm ghé sang chơi với những người khách lạ, mang theo cả nụ cười và những câu chuyện của quá khứ đan xen hiện tại.
Không chỉ nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, nơi vùng đất này, suy nghĩ và tư tưởng tiến bộ luôn được đề cao. Vì chính nơi đây đã có những câu chuyện khiến ai nghe qua cũng phải nể phục và truyền cảm hứng như câu chuyện của gia đình bà Phạm Thị Nhiên (62 tuổi). Vượt qua tất cả những khó khăn khi chồng mất sớm, gần 23 năm nằm trong danh sách hộ nghèo, bà vẫn kiên cường nuôi 7 đứa con với lần lượt những tấm bằng đại học, cao đẳng. Không thiếu những bữa cơm không đủ no hay tới từng nhà ngửa tay vay mượn mỗi lần con đóng học phí, bà bảo: “Chỉ cần con muốn học, tôi sẽ cố gắng bằng mọi giá cho con đến trường. Có con chữ, được học hành đến nơi đến chốn, tôi luôn tin con cái sau này sẽ đỡ khổ”.
Không phụ lòng mẹ và tấm lòng cưu mang của bà con, hàng xóm, những người con của bà Nhiên lần lượt ra trường, thành công, truyền động lực cho những cô cậu học trò nghèo ở vùng đất Mỏ Vẹt càng thêm có niềm tin để cố gắng.
Đến nay, Thôn 9 không còn hộ nghèo. Con em trong thôn đi học rồi làm ăn xa, chẳng mấy người trẻ ở nhà. Những “cánh chim” lớn lên từ ruộng vườn, nương rẫy, từ bao mồ hôi, công sức của mẹ cha, nay tung bay để thỏa ước mơ khám phá và vẫy vùng nơi những chân trời mới. Nhưng dẫu có đi đâu, làm gì, thì nơi trở về của họ vẫn là doi đất hình mỏ con chim vẹt neo bên bờ sông Đồng Nai. Ở đó có màu xanh tốt tươi, có ấm áp tình người và bốn mùa thơm hương cây trái. Đó là sự đáp đền xứng đáng cho những cố gắng và nỗ lực của bà con nơi đây.
VIỆT QUỲNH - THÂN HIỀN